Một ngày với sông Pô Kô

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Từ TP. Pleiku đi theo tỉnh lộ 664 khoảng 40 km đến ngã ba thị tứ Ia Khai rồi rẽ phải, ngang qua những vườn cây sẽ đến làng Nú và làng Djom. Mỗi làng có chừng 30 ngôi nhà rộng và vững chãi, nhà nào cũng có vài bếp. Vườn nhà trồng cây đào lộn hột và nhãn, mít xanh tốt. Người dân trong làng đều làm nghề đánh bắt cá trên sông Pô Kô bằng thuyền độc mộc.

Đây là những con thuyền làm từ thân cây gỗ sao xanh, dài gần chục mét, được đục rỗng ở giữa, rất chắc chắn và bền để có thể ngâm nước nhiều năm và đặc biệt là chịu được những cú va chạm vào đá. Trong làng, lưới phơi trước hiên nhà, thi thoảng lại gặp những người phụ nữ ngồi đan lưới như ở những ngôi làng vùng biển.

 

Bến sông làng Nú. Ảnh: D.L
Bến sông làng Nú. Ảnh: D.L

Từ cao nguyên Kon Tum, sông Pô Kô nhận nước từ các con suối lớn rồi xuôi về phía Tây trước khi đổ vào dòng Mê Kông hùng vĩ. Vượt nhiều ghềnh thác, dòng sông lúc chảy xiết, lúc lượn lờ bên những cánh rừng khộp mùa khô như muốn hòa thanh sông nước với đại ngàn. Cả bãi cát rộng hàng trăm mét thoai thoải ra đến mép sông, qua năm tháng đã trở thành phù sa màu mỡ để người làng trồng lên đó những loại cây ngắn ngày xanh mướt mát. Chính trên đoạn sông này, gần 40 năm trước tôi đã từng tập làm ngư phủ.

Còn nhớ khoảng giữa mùa khô, tôi cùng 2 người bạn nữa là anh Rơ Chăm Lơng-Trưởng phòng Giáo dục và anh Nguyễn Đình Trinh-Hiệu trưởng Trường Vừa học Vừa làm huyện Chư Pah (nay là Ia Grai) lên công tác ở các trường phía Tây huyện. Đêm ấy, chúng tôi nghỉ lại làng Djom. Sáng sớm hôm sau, khi hơi sương còn là đà trên mặt sông, anh Lơng đã đánh thức chúng tôi dậy để chèo thuyền độc mộc ra giữa sông rồi neo lại thả lưới. Chừng giã xong cối gạo, tấm lưới rộng ba bốn sải tay kéo lên đã nặng trĩu, bên trong là những con cá chép, cá lúi to hơn bàn tay màu trắng bạc. Người làng cho biết, vào cuối mùa khô bà con thường thả lưới bắt những con cá suối (còn gọi là cá nhét-cá nhỏ như cá linh ở vùng sông nước Nam bộ), sau đó phơi chúng trên mặt đá một hai nắng rồi nhét chặt trong ống lồ ô để dành ăn nhiều tháng liền. Cá nhiều ăn không hết, bà con bán lại cho người vùng dưới lên tận đây mua. Mùa mưa mà được ngồi bên bếp lửa nhà sàn ăn cơm gạo dẻo với món cá nhét rang trộn bột canh, sả vườn thì không gì ngon bằng…

Con sông Pô Kô không chỉ đẹp mà còn gắn liền với tên tuổi người Anh hùng A Sanh thời chống Mỹ với bài hát “Người lái đò trên sông Pô Kô” nổi tiếng của nhạc sĩ Cầm Phong. Sông Pô Kô và làng cũ của A Sanh giờ thay đổi nhiều. Trên sông xây dựng các công trình thủy điện 3A, 4, 4A. Phục vụ cho việc phát điện của các nhà máy, dòng Pô Kô không còn ầm ào vượt qua ghềnh thác nữa mà lặng lẽ yên bình ôm ấp buôn làng, tiếp tục nuôi sống cư dân trong vùng trước khi đưa nước xuôi về Mê Kông. Lòng sông rộng hơn xưa, có đoạn đã trở thành hồ nước mênh mông, sóng vỗ dập dềnh như trên mặt biển. Những thanh niên ngư phủ làng chài cũng thêm nghề mới: công nhân thủy điện và công nhân nông trường.

Và điều thú vị nữa là những con thuyền độc mộc đánh cá giờ đây cũng có thể trở thành những con thuyền du lịch đưa du khách từ thành phố lên đây ngao du thưởng ngoạn sông nước, thuyền từ bến phà A Sanh làng Nú nhẹ xuôi về hướng Ia O. Hai bên bờ là những khu dân cư mới trù phú ẩn hiện giữa những vườn cao su, cà phê, điều xanh tốt. Có thể neo thuyền lại đâu đó để lên bờ đốt lửa thưởng thức món cơm lam với cá nướng đặc sản sông Pô Kô.

Thanh Phong

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai quy định mức tỷ lệ % để tính đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, đất có mặt nước

Gia Lai quy định mức tỷ lệ % để tính đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, đất có mặt nước

(GLO)- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế vừa ký ban hành Quyết định số 61/2004/QĐ-UBND quy định mức tỷ lệ phần trăm (%) để tính đơn giá thuê đất, mức đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, mức đơn giá thuê đất đối với đất có mặt nước trên địa bàn tỉnh.

Những mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân Ia Rtô

Những mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân Ia Rtô

(GLO)- Hưởng ứng cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, xã Ia Rtô (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) đã triển khai một số mô hình hay nhằm giúp người dân nâng cao nhận thức, tự lực vươn lên phát triển kinh tế.

Ia Ka đa dạng giải pháp hỗ trợ giảm nghèo

Ia Ka đa dạng giải pháp hỗ trợ giảm nghèo

(GLO)- Những năm qua, xã Ia Ka (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đồng thời thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo.

Kông Chro mùa gió

Kông Chro mùa gió

(GLO)- Những dãy núi cứ thế hiện ra huyền ảo trong sương sớm. Mặt trời mùa gió thắm nhẹ vén màn mưa để trải ánh vàng xuống miền đất của người Bahnar phía rừng già. Và tôi đã có những ngày mê đắm nơi vùng đất Kông Chro.

Các doanh nghiệp, nhà đầu tư, hợp tác xã có thể gửi ý kiến về các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất thông qua hệ thống Google form. Ảnh: Hà Duy

Gia Lai: Tiếp nhận kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp qua Google form

(GLO)- Sở Kế hoạch và Đầu tư vừa có Công văn số 3260/SKHĐT-DN đề nghị các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố; các doanh nghiệp, nhà đầu tư, hợp tác xã và các Hội nghề nghiệp triển khai tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của các nhà đầu tư, doanh nghiệp qua hệ thống Google form.

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

(GLO)- Sáng 6-11, tại TP. Pleiku, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai tổ chức hội thảo khoa học di tích lịch sử “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947, xã Kông Bơ La, huyện Kbang” nhằm hoàn thiện hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền đề nghị xếp hạng di tích quốc gia.