Một lòng vì con

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Con cái đau ốm, bệnh tật khiến nhiều gia đình trong tỉnh Gia Lai trở nên khốn khó. Song nghị lực và tình yêu thương vô bờ bến đã tiếp thêm sức mạnh giúp những người mẹ nghèo vượt qua nghịch cảnh, “gánh con” đi suốt cuộc đời.

Vượt qua nghịch cảnh

Khi chúng tôi đến thăm, bà Kpă Hyoh (làng Bak Kuao, xã Ia Băng, huyện Chư Prông) đang được cô con gái mù xoa bóp tay chân cho bớt nhức mỏi. Hơn 30 năm chăm sóc con, rồi chăm cháu ngoại, giờ bước qua tuổi 84, bà vẫn chưa vơi nỗi lo. Bà Hyoh trải lòng: “Chồng mình mất vài tháng thì con gái thứ 4 là Kpă Roeh bị đau nặng, nằm liệt giường. Nửa tháng sau, nó hết ốm nhưng mắt không nhìn thấy gì. Lúc đó, Roeh mới 3 tuổi”. Nuôi 9 người con đối với một người đàn bà góa bụa, không nghề nghiệp, không ruộng vườn thật chẳng dễ dàng, huống gì con lại đau bệnh. “Mình cứ sợ Roeh không sống được. Vậy nên, mình dành nhiều tình yêu thương, làm thay đôi tay, đôi chân và đôi mắt cho nó”-bà Hyoh bộc bạch.

Song, điều khiến bà Hyoh ân hận là vì cuộc sống quá khó khăn nên bà không thể bên con mọi lúc mọi nơi. Vì vậy, đứa con bệnh tật của bà đã bị kẻ xấu làm điều xằng bậy. Phát hiện con gái mang thai, nhiều người khuyên nên từ bỏ vì đứa trẻ không cha, nhưng bà không đồng ý. Chị Kpă Hyam (con gái út của bà Hyoh) tâm sự: “Mẹ mình vất vả lắm, ai kêu đi làm gì cũng làm. Cuộc sống gia đình mình cũng khó khăn nên thỉnh thoảng cũng chỉ giúp được ít gạo, ít mắm thôi, còn lại một mình mẹ lo hết”.

Thẫn thờ nhìn tấm di ảnh người con trai lớn, nước mắt chị Hồ Thị Yến (thôn 5, thị trấn Đak Đoa) chảy dài trên má. 13 năm kể từ khi phát hiện con mắc bệnh, chị cùng con đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác để trị căn bệnh thalassemia-tan máu bẩm sinh. Cứ nghe ở đâu có thầy, có thuốc, xa mấy chị cũng ôm con tìm đến. Tài sản trong nhà đều bán để có tiền chữa bệnh. Nhưng bệnh không thuyên giảm, cứ 15-20 ngày, mẹ con chị Yến lại đưa nhau lên bệnh viện để truyền máu. Mỗi lần như thế phải truyền 8-10 bịch máu, chi phí gần 10 triệu đồng. Nhờ có bảo hiểm y tế hỗ trợ, mẹ con chị chỉ phải trả 20%. “Con bị bệnh, chồng bỏ đi, tôi gần như gục ngã. Nhìn con đau nhức, bò quanh nhà mà không một tiếng kêu than, tôi như đứt từng khúc ruột. Những ngày cuối đời, khi cơn đau hành hạ, cháu mới khóc bảo rằng trong người như có hàng ngàn con kiến đang cắn xé”-chị Yến nghẹn ngào.

 Chị Kpă Roeh (bìa phải) xoa bóp tay chân cho mẹ. Ảnh: Anh Huy
Chị Kpă Roeh (bìa phải) xoa bóp tay chân cho mẹ. Ảnh: Anh Huy



Bất hạnh cũng bất ngờ ập đến với anh Đặng Vĩnh Thành. Bị tai biến ở tuổi 33, anh Thành bị liệt nửa người và cuộc sống chỉ xoay quanh chiếc giường trong phòng trọ chật hẹp ở tổ 12 (phường Hoa Lư, TP. Pleiku). Vợ bỏ đi, con trai còn nhỏ, mẹ anh-bà Nguyễn Thị Hương trở thành điểm tựa của gia đình hơn 4 năm qua. Bà Hương chia sẻ: “Trước đây, tôi sống cùng gia đình anh trai của Thành. Khi Thành bị bệnh, tôi dọn về ở cùng để tiện chăm sóc 2 cha con nó”. Hàng ngày, bà Hương đi lượm lặt phế liệu về bán lấy tiền trang trải cuộc sống. Nhưng hơn 1 năm trở lại đây, bệnh khớp trở nặng, đi lại khó khăn, bà chỉ có thể quanh quẩn trong nhà chăm sóc cháu nội và lo cho con trai từ chuyện ăn uống, tắm giặt, thuốc men... “Mình bị tai biến nên mắt mờ, tay chân run rẩy; ngồi dậy cũng phải có mẹ dìu đỡ. Không có mẹ lúc này, mình và con không biết trông nhờ vào ai”-anh Thành giãi bày. Còn bà Hương thì nói trong đau xót: “Nếu tôi ốm, không ai cơm nước cho 2 cha con nó. Năm nay, tôi cũng gần 80 tuổi rồi. Tôi rất sợ đến một ngày không thể giúp được con và cháu”.

May mắn vì không đơn độc

Cả 3 người phụ nữ trên đều có điểm chung là luôn hết lòng, hết sức vì con dẫu cuộc sống nhiều khó khăn, trắc trở. Và thật may mắn, họ đã không đơn độc bởi luôn có những tấm lòng sẵn sàng san sẻ yêu thương.

 

Chị Yến vẫn chưa nguôi nỗi đau mất con. Ảnh: Anh Huy
Chị Hồ Thị Yến (thôn 5, thị trấn Đak Đoa) vẫn chưa nguôi nỗi đau mất con. Ảnh: Anh Huy


Biết hoàn cảnh của mẹ con chị Yến, một người quen đã cho mượn nhà để ở. Ngôi nhà nhỏ nhưng trước và sau có đất trống để chị trồng rau, nuôi gà, có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Rồi bạn bè, hàng xóm, các Mạnh Thường Quân cũng quan tâm, động viên, giúp đỡ. Chị Trịnh Thị Hải Lai-hàng xóm của chị Yến-chia sẻ: “Chị Yến là người mẹ nghị lực. Hoàn cảnh khó khăn, vất vả nhưng chưa khi nào chị ấy than thở. Chị dọn về ở trong xóm gần 3 năm và luôn thân thiện, hòa nhã nên ai cũng thương. Bà con thỉnh thoảng giúp chị đưa đón con, trông coi nhà cửa”.

Trong khi đó, nhờ sự giúp đỡ của BIDV Phố Núi, bà Hyoh và mẹ con chị Roeh đã được ở trong ngôi nhà xây khang trang thay cho ngôi nhà cũ bằng tôn hư hỏng. “Năm 2017, xã cấp cho mình 1 con bò giống. Mình làm chuồng nuôi nhốt, giờ thì có 4 con bò rồi. Bà con trong làng thỉnh thoảng lại mang cho ít gạo, ít mắm. Gần 1 năm nay, ngày nào cũng có người đến nhà nhờ Roeh xoa bóp, có người trả công bằng gạo, có người cho 20-30 ngàn đồng. Mình để dành mua gạo, mắm ăn dần”-bà Hyoh bộc bạch.

Ngoài nhận số tiền trợ cấp hàng tháng dành cho người khuyết tật nặng và người chăm sóc, hàng tháng, mẹ con bà Hương còn nhận hỗ trợ từ Câu lạc bộ Guitar Thầy và Trò (TP. Pleiku). Thầy Ngô Văn Hòa-Chủ nhiệm Câu lạc bộ-cho biết: “Hàng tháng, cùng với phần quà trị giá khoảng 500 ngàn đồng, Câu lạc bộ còn hỗ trợ gia đình bà Hương số tiền từ 300 đến 500 ngàn đồng”. Riêng con trai anh Thành đang học lớp 3 cũng nhận được sự quan tâm của các Mạnh Thường Quân, nhà trường và địa phương. Mới đây, Đoàn Thanh niên Vietcombank Gia Lai và Bắc Gia Lai đã tặng suất học bổng trị giá 10 triệu đồng giúp em vượt khó vươn lên.

 

 ANH HUY

Có thể bạn quan tâm

Năm 2025 là cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát

Năm 2025 là cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát

(GLO)- Đó là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp trực tuyến toàn quốc lần thứ hai của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước vào chiều 12-1 để đánh giá tình hình, kết quả thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.