Một lần với "phở hai tô"

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Tôi không phải là người sành ẩm thực, lại rất đơn giản trong chuyện ăn uống. Cho nên, chuyện những món ăn tôi thường ít bận tâm. Tôi cũng chẳng có một tiêu chí gì về món ngon, trừ việc mình thấy thích. Nói chung, tôi rất sơ sài trong vấn đề ẩm thực. Cho đến một ngày tôi biết… “phở hai tô”, mọi thứ đều trở nên thay đổi.

Ảnh: Phạm Tuấn Vũ
Phở hai tô ở Gia Lai. Ảnh: Phạm Tuấn Vũ

Dĩ nhiên, nói đến “phở hai tô”, ai cũng biết đó là món phở khô, đặc sản của vùng cao nguyên lộng gió Gia Lai. Gọi là “phở hai tô” vì đơn giản phở có… hai tô, một tô đựng phở và một tô nước lèo mà người Gia Lai thường gọi một cách sảng khoái là “ăn hai tô mới đủ đô”. Đó là điều đặc biệt của phở khô Gia Lai so với các món phở khác trên đất nước ta vốn có truyền thống ẩm thực rất phong phú về phở.

Tôi biết “phở hai tô” trong một dịp khá đặc biệt. Lên Phố núi Pleiku nhiều lần nhưng đó là lần đầu tôi ngồi với “phở hai tô”. Và bén duyên ngay trong “buổi đầu gặp gỡ” ấy. Người giới thiệu về phở và đưa tôi đến tiệm phở là chị Hoài Phương, cô giáo dạy Văn ở phố núi, bạn thời cao học. Trên đường đến, chị hào hứng nói với tôi về “phở hai tô” như nói về niềm tự hào quê hương của chị. Tôi cũng bắt đầu thích thú. Chị là người tinh tế, trong ẩm thực và nhiều lĩnh vực khác.

Và rồi, khi thưởng thức những đũa phở đầu tiên, tôi mới nhận ra những điều chị Hoài Phương nói về món đặc sản “danh bất hư truyền” của người Gia Lai là hoàn toàn chính xác. “Phở hai tô” gây ấn tượng đặc biệt với tôi ngay trong lần đầu, từ cách bày biện, cách ăn cho đến hương vị không thể lẫn với bất cứ món phở nào. Từng được biết nhiều loại phở từ Bắc vào Nam, tôi dám khẳng định rằng, phở khô Gia Lai chắc hẳn phải có mặt trong các “đại danh phở” của người Việt. Sau này, khi được biết “phở hai tô” Gia Lai là một trong mười đặc sản của Việt Nam được tổ chức Kỷ lục châu Á công nhận đạt giá trị ẩm thực châu Á, thì tôi tin mình đã không nhận định sai lầm.

Thú vị nhất trong lần đầu với “phở hai tô” của tôi là không gian ăn phở. Phải là một buổi sáng trời nhiều sương, se lạnh hoặc đổ mưa, một “đặc sản” của khí hậu Gia Lai, ngồi bên những tô phở nóng hổi, thơm ngát mới thật… đúng điệu. Trong cái lạnh bảng lảng bên mình, nhẩn nha từng đũa phở đã trộn đều tương đậu, húp một muỗng nước lèo đậm đà để nghe cái nóng sốt dần lan tỏa vào người, nghe cái bùi béo, mằn mặn tan trên đầu lưỡi thì quả không gì bằng… Tôi và chị Hoài Phương đã có một buổi sáng tuyệt vời như thế. Hai chị em ngồi khá lâu, nhâm nhi từng đũa phở và nói chuyện phở trong văn chương, từ phở của Nguyễn Tuân đến phở của Vũ Bằng. Lúc cao hứng, chị bảo, giá mà Nguyễn Tuân biết “phở hai tô” sớm hơn, cũng có khi những trang viết về phở hay nhất trong văn học Việt Nam là những trang viết về phở khô Gia Lai. Tô phở sáng hôm ấy tự dưng ngon đến kỳ lạ.

Chia tay chị Hoài Phương và Phố núi, tôi về lại phố biển Quy Nhơn với những ấn tượng khó quên về “phở hai tô”. Tôi vốn ít nói về chuyện ẩm thực ở những nơi mình từng đến. Nhưng lần này tôi sẽ kể cùng bạn bè về món phở khô độc đáo của vùng đất Cao nguyên Gia Lai hào phóng. Câu chuyện của tôi có thể sẽ bắt đầu bằng “mệnh đề”: Chưa “phở hai tô” coi như chưa đến Gia Lai.

Phạm Tuấn Vũ

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai quy định mức tỷ lệ % để tính đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, đất có mặt nước

Gia Lai quy định mức tỷ lệ % để tính đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, đất có mặt nước

(GLO)- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế vừa ký ban hành Quyết định số 61/2004/QĐ-UBND quy định mức tỷ lệ phần trăm (%) để tính đơn giá thuê đất, mức đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, mức đơn giá thuê đất đối với đất có mặt nước trên địa bàn tỉnh.

Những mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân Ia Rtô

Những mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân Ia Rtô

(GLO)- Hưởng ứng cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, xã Ia Rtô (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) đã triển khai một số mô hình hay nhằm giúp người dân nâng cao nhận thức, tự lực vươn lên phát triển kinh tế.

Ia Ka đa dạng giải pháp hỗ trợ giảm nghèo

Ia Ka đa dạng giải pháp hỗ trợ giảm nghèo

(GLO)- Những năm qua, xã Ia Ka (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đồng thời thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo.

Kông Chro mùa gió

Kông Chro mùa gió

(GLO)- Những dãy núi cứ thế hiện ra huyền ảo trong sương sớm. Mặt trời mùa gió thắm nhẹ vén màn mưa để trải ánh vàng xuống miền đất của người Bahnar phía rừng già. Và tôi đã có những ngày mê đắm nơi vùng đất Kông Chro.

Các doanh nghiệp, nhà đầu tư, hợp tác xã có thể gửi ý kiến về các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất thông qua hệ thống Google form. Ảnh: Hà Duy

Gia Lai: Tiếp nhận kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp qua Google form

(GLO)- Sở Kế hoạch và Đầu tư vừa có Công văn số 3260/SKHĐT-DN đề nghị các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố; các doanh nghiệp, nhà đầu tư, hợp tác xã và các Hội nghề nghiệp triển khai tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của các nhà đầu tư, doanh nghiệp qua hệ thống Google form.

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

(GLO)- Sáng 6-11, tại TP. Pleiku, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai tổ chức hội thảo khoa học di tích lịch sử “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947, xã Kông Bơ La, huyện Kbang” nhằm hoàn thiện hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền đề nghị xếp hạng di tích quốc gia.