Một cuộc đời bình thường là hạnh phúc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Mẹ tôi bảo: "Giờ ra đường gặp lại ai cũng mừng. Thấy người đó còn khỏe mạnh là vui lắm rồi". Gần hai tháng sau khi TP Hồ Chí Minh hồi phục, dư chấn đại dịch vẫn in hằn. Song, nếu thành phố có phần nào "chậm" lại, thì cuộc đời lại có phần sâu sắc và gắn kết hơn.

Thành phố đã tỉnh lại, sau một cơn mê dài.
Thành phố đã tỉnh lại, sau một cơn mê dài.
Những thói quen mới được hình thành, đầu tiên là "5K". Chúng ta "check-in" mọi lúc mọi nơi với "tấm thẻ xanh quyền lực". Câu hỏi "Dạo này khỏe không?" tự nhiên đặc biệt hơn bao giờ hết, và ta thở phào nhẹ nhõm khi biết được gia đình người thân quen nào đó vẫn bình an. Những tiếng rao, tiếng còi xe, cái nắng gắt gỏng ở ngã tư đường trong 60 giây đồng hồ chờ đèn đỏ cũng không còn làm chúng ta khó chịu.
Những hộ kinh doanh nhỏ lẻ bán sớm hơn, và cũng thu dọn hàng quán sớm hơn. Thành phố không ngủ giờ đã "có giờ có giấc". Sự bình yên tràn ngập khắp nơi, khác với sự ảm đạm đã từng. Bạn có thể cảm nhận thành phố tĩnh lặng dịu dàng đến thế nào, mà không cần phải đợi đến những đêm Giao thừa hay sáng mồng một Tết.
Bác giữ xe ở Lucky Plaza hỏi tôi "Khỏe hông?". Dì Hai bán vé số đối diện chợ Bến Thành cười vui vẻ, kể chuyện mấy bữa đi bán được người ta cho thêm rất nhiều thứ, nào là mì gói, hoặc là "boa luôn, khỏi thối tiền". Đó không chỉ là sự trao đi vật chất thuần túy. Đó còn là tình yêu thương giữa người với người. Là hào sảng ngày nào tái sinh.
Khi cuộc sống bắt chúng ta phải học bài học về sự vô thường, chúng ta bắt đầu trân quý hơn những điều giản dị đến đương nhiên.
Tôi thấy nhiều người đăng ảnh bình minh và hoàng hôn trên mạng xã hội suốt nhiều ngày tháng qua. Mọi thứ vẫn ở đó thôi, nhưng có lẽ mọi người đã cảm nhận cuộc sống nhiều hơn, rung cảm với những vẻ đẹp rất đời thường, và gieo trong đó một niềm hy vọng.
Tôi cũng dần quen với những kế hoạch "eo hẹp" về kinh phí hơn, chậm nhưng mà chắc về kết quả hơn. Những công ty trở về "full lương" sau hơn mấy tháng ròng cắt giảm chi phí. Nhưng tôi tin rằng ai cũng đã học được bài học chi tiêu hợp lý, và có hơn một nguồn thu nhập để có thể chăm lo cho bản thân và gia đình mình tốt nhất khi trắc trở.
Mùi cồn dần đi vào đời sống, từng ngõ ngách, một thứ mùi không mang tính đe dọa, mà là sự bảo vệ.
Bạn tôi-một tình nguyện viên chống dịch-ôm mọi người và nói rằng bạn đã có những tháng ngày cực kỳ ý nghĩa. Tôi thấy mắt bạn long lanh khi kể về những khoảnh khắc sinh tử, bạn đã trở lại là một người cực kỳ khác.
Và tôi chợt liên tưởng tới Haruki Murakami: "Khi cơn bão qua đi, bạn sẽ không nhớ bạn đã vượt qua như thế nào, bạn xoay sở để tồn tại được ra sao. Bạn thậm chí sẽ không dám chắc, thật ra, liệu cơn bão có thật sự đi qua. Nhưng có một điều chắc chắn. Là khi bạn ra khỏi cơn bão, bạn sẽ không còn là cùng một người mà trước đó đã bước vào".
Theo Nhật Thi (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.