Mở rộng thị trường nhờ bán hàng đa kênh ở Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Bán hàng đa kênh đang trở thành xu thế tất yếu giúp hợp tác xã (HTX) tìm kiếm thị trường và ổn định đầu ra cho sản phẩm.

Hiện nay, các HTX trên địa bàn tỉnh áp dụng phương thức bán hàng trên các sàn thương mại điện tử và các nền tảng mạng xã hội. Kênh này đã giúp mô hình kinh tế tập thể thích ứng với xu thế phát triển trong thời đại 4.0. Hợp tác xã Nông lâm nghiệp và dịch vụ Toàn Diện (xã Đê Ar, huyện Mang Yang) có được những kết quả khả quan khi thị trường tiêu thụ được mở rộng, doanh số bán hàng ngày một tăng lên.

Ông Lê Sỹ Diện-Giám đốc HTX-cho biết: “Hiện nay, HTX đã có 4 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Đây là chứng nhận về chất lượng để sản phẩm có thể vươn ra thị trường. Do đó, HTX chú trọng phát triển mạng lưới đại lý là các vựa dược liệu ở một số tỉnh, thành trong cả nước. Cùng với mở rộng mạng lưới đại lý, chúng tôi còn tham gia bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội Facebook, Zalo. Riêng bán hàng trên TikTok và các sàn thương mại điện tử thì HTX đang tiếp cận”.

Ngoài các kênh bán hàng truyền thống là cửa hàng và đại lý, các HTX trên địa bàn đều ứng dụng thương mại điện tử để mở rộng thị trường. Ảnh: Vũ Thảo

Ngoài các kênh bán hàng truyền thống là cửa hàng và đại lý, các HTX trên địa bàn đều ứng dụng thương mại điện tử để mở rộng thị trường. Ảnh: Vũ Thảo

Tương tự, nhiều năm qua, HTX Nông lâm nghiệp Ia Hrú (huyện Chư Pưh) cũng đã chú trọng liên kết sản xuất, tìm hướng tiêu thụ bền vững các sản phẩm có lợi thế của đơn vị như: gạo, dầu phộng, cà phê, mật ong… Theo Giám đốc HTX Huỳnh Văn Ánh, với lợi thế không tốn chi phí cho khâu trung gian, lại có sức lan tỏa rộng đến nhiều đối tượng khách hàng ở khắp mọi nơi nên khi được ngành chức năng hỗ trợ kiến thức liên quan đến việc mở gian hàng trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, xu hướng quảng cáo kỹ thuật số, sử dụng trí tuệ nhân tạo trong marketing… HTX đang hướng tới việc phát triển kênh này trong thời gian tới.

Còn bà Trần Thị Hoàng Anh-Giám đốc HTX Mật ong Phương Di Ia Grai thì chia sẻ: “Kênh bán hàng online rất tiềm năng, hỗ trợ đắc lực cho HTX nâng cao hiệu quả hoạt động, thúc đẩy kinh doanh phát triển trong thời đại kinh tế số. Từ ngày ứng dụng online qua sàn thương mại điện tử Shoppe, Lazada, Tiki, Sendo, đồng thời đẩy mạnh kênh TikTok thì lượng khách hàng của HTX được mở rộng ra nhiều tỉnh, thành trong cả nước; doanh số bán hàng đã tăng khoảng 20% so với trước”.

Bằng cách thường xuyên quay video hoặc livestream quá trình chăm sóc đến khi thu hoạch và chế biến, nhiều HTX đã tăng lượng tương tác với khách hàng và tăng khả năng bán hàng. Theo các HTX, khi khách hàng mua online, họ không được tận mắt nhìn, tận tay cầm sản phẩm thì ít ra họ phải được thấy những hình ảnh sinh động qua video. Điều này là vô cùng cần thiết để phát triển kênh online.

Đánh giá thực trạng ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động của các HTX, bà Đào Thị Thu Nguyệt-Phó Giám đốc Sở Công thương-cho hay: Hiện nay, tỷ lệ HTX tham gia bán hàng qua các sàn Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Voso, Postmart… còn thấp. Doanh số bán hàng còn rất nhỏ so với nhiều tỉnh, thành khác, chưa tương xứng với thế mạnh các mặt hàng nông sản của tỉnh. Bên cạnh đó, việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, mẫu mã sản phẩm nông sản hiện chưa được quan tâm đầu tư đúng cách nên bị hạn chế khi đưa hình ảnh quảng bá sản phẩm lên các sàn lớn.

“Yêu cầu cơ bản để nông sản có sức cạnh tranh là sản phẩm phải sạch, chất lượng, đảm bảo số lượng, giá cả hợp lý và có chiến lược thị trường tốt. Để thực hiện yêu cầu này, Sở Công thương đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất kinh doanh nông sản được hướng dẫn các nhóm giải pháp phát triển thương mại, tiếp cận thông tin về xu hướng quảng cáo kỹ thuật số, sử dụng trí tuệ nhân tạo trong quá trình xử lý, chuyển đổi thông tin”-bà Nguyệt cho biết thêm.

Có thể bạn quan tâm

Kiểm soát chặt hàng hóa dịp Tết

Kiểm soát chặt hàng hóa dịp Tết

(GLO)- Trước nhu cầu tiêu dùng tăng cao vào dịp cuối năm và Tết Ất Tỵ 2025, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả sẽ diễn biến phức tạp. Lực lượng chức năng tỉnh Gia Lai đã dồn toàn lực kiểm tra, kiểm soát thị trường, trong đó chú trọng các địa bàn nông thôn.

Các chủ thể OCOP đã lên thiết kế mẫu hộp quà tặng Tết. Ảnh: V.T

Sản phẩm OCOP vào mùa phục vụ Tết

(GLO)- Dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa, trong đó có các sản phẩm OCOP thường tăng rất cao. Thời điểm này, các chủ thể OCOP trên địa bàn tỉnh Gia Lai đang tập trung đẩy mạnh sản xuất, thiết kế mẫu mã bao bì phục vụ nhu cầu tiêu dùng và mua làm quà tặng dịp Tết.