Máy tính đời đầu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hôm rồi, gặp Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Mậu Hân-nguyên Trưởng khoa Công nghệ thông tin (Đại học Khoa học Huế), tôi nhắc lại chuyện thời sinh viên, khi lên giảng đường, dân văn cầm mấy cuốn sách còn dân toán vác cả bó giấy đi học. Ngày ấy, cái máy tính rất to, đặt chình ình trong phòng, sinh viên đi học thay nhau ôm giấy lên cho nó... nhai.
Bây giờ, điện thoại thông minh, iPad và cả máy tính, đã muôn phần khác xưa.
Giữa cái thời máy tính “ăn giấy” và bây giờ là một thời “quá độ”, mà giờ nhiều lúc nghĩ lại, thấy nó... buồn cười. 
Thời ấy, cơ quan nào được ngân sách cấp cho mua cái máy tính bàn là được xem như sự kiện trọng đại. Việc đầu tiên là cho nhân viên đánh máy chữ đi học đánh máy vi tính. Cái máy tính thời đầu ấy chủ yếu cũng chỉ để thay máy đánh chữ. Khác chăng, nó lưu được văn bản và đánh xong thì in ra ngay, in bao nhiêu cũng được. Thêm nữa, có thể sửa văn bản ngay trên máy, chứ không vất vả như máy đánh chữ, sửa xong thì lưu. Nhưng không phải ai cũng nhớ để lưu, có người sửa xong thì ung dung thoát máy. Tôi nhớ hồi ấy chưa có chế độ lưu tự động như hiện nay.
Nhiều nhân viên học mãi mà vẫn không biết shut down, bèn... tắt phụt công tắc, khỏe re, để rồi hôm sau thì la làng: Văn bản tôi vừa đánh đâu rồi?
Chưa kể, tới cơ quan, khởi động máy tính, xong rồi đi quét nhà, pha trà, làm một lô việc, máy vẫn chưa khởi động xong. Kể nữa, ít nhất 1 tuần 1 lần, khởi động máy không lên hoặc lên mà không thấy gì, lại gọi thợ đến... giải cứu.
Mà thợ sửa máy tính hồi đó cũng không nhiều. Tôi nhớ có anh Hà thì phải, tay ngang nhưng rất giỏi, dưới trướng của anh có mấy sinh viên mới ra trường. Nhớ là bởi, anh Hà cũng là “bác sĩ” riêng của cái máy tính Compaq HP đời... Nã Phá Luân của tôi.
Ở cơ quan, phòng xịn nhất được dành cho... máy tính, chỉ nhân viên đánh máy và sếp được vào. Cái máy tính luôn được phủ vải, im lìm bí ẩn. Phòng được lắp máy lạnh và có dòng chữ ghi ở cửa rất rõ: Phòng vi tính, không phận sự miễn vào. Khi vào, phải bỏ dép bên ngoài. Hồi ấy, cánh nhà báo không phải vai đeo máy ảnh là sang, không phải lấp ló cái thẻ nhà báo ở túi ngực là oai, mà cái đĩa A đen sì vuông chằn chặn (dung lượng 1,44 MB, chứa được chừng 100 trang A4) lấp ló trên người thì nó mới vừa oai vừa sang.
Rất nhiều người tin tưởng rằng, vi rút máy tính nó như vi trùng, như vi rút ngoài đời, lây từ con người. Do đó, ai vào phòng máy tính cũng đều phải rất sạch sẽ và nghiêm trang. Ai lỡ ho hoặc sốt thì... cấm vào!
Tôi là một trong những người cầm bút sử dụng vi tính khá sớm. Cái đầu tiên là mua lại của một người làm nghề in lụa, cài toàn phần mềm phục vụ in. Trung bình 1 ngày, tôi phải đi thỉnh thợ... 1 lần. Mà hồi ấy, cái gì cũng đắt. Một cú điện thoại để thợ hướng dẫn cho là mất béng mười mấy ngàn. Chưa kể viết xong thì fax luôn từ máy tính. Hồi ấy chưa mấy máy của các tòa soạn báo nối mạng nên chuyện mail bài đến tòa soạn như là chuyện viễn tưởng. Ông thợ cài cho chương trình fax. Trước khi fax gọi xin tín hiệu fax, có khi mất 3-4 cuộc mới có. Xong rồi thì gắn dây điện thoại của mình vào và enter và... rù rù, rù rù, cục cục... Chao ơi, nhìn nó lừ lừ fax mà muốn lên cơn co thắt. Cứ bước đi nửa bước lâu lâu lại dừng. Được đâu 1 tháng, khi nhìn cái giấy tính cước bưu điện, vợ tôi muốn ngất xỉu. Sau đấy, tôi quen được bạn cửa hàng trưởng Mobifone, bạn này cho tôi cái quyền 2 ngày được fax miễn phí 5 trang từ máy của cửa hàng. Thế là viết xong, cóp ra đĩa A, chạy ra tiệm hoặc đến cơ quan, in ra, chạy tiếp đến cửa hàng Mobifone ở đường Hùng Vương, nở nụ cười cầu tài từ chỗ gửi xe, lỏn lẻn vào bắt tay, chào rồi thò xấp bản thảo ra nhờ fax. Thế mà tồn tại cả năm như thế. Bù lại, tôi là khách hàng tiêu biểu của Mobifone, tức là... gọi nhiều, cước nhiều.
Thời ấy, “meo” và “phách” từ máy tính là một kỳ tích. Fax có trước Email. Đầu tiên chỉ bưu điện có. Ai muốn fax thì ra bưu điện, đầu nhận cũng ra bưu điện. Đợi nó ục ặc ra thì ký nhận trả tiền rồi mang về đánh máy lại. Khi computer xuất hiện, thợ vi tính cài luôn phần mềm fax cho chủ. Khổ chủ sung sướng fax sau khi viết xong bài. Nối vào điện thoại bàn, công nghệ Dial up ấy. Oai cha cha, cả tiếng đồng hồ chưa xong, chưa kể mỗi lần gần xong nó lại... phụt cái, lại làm lại từ đầu. Hồi ấy, tôi phải nhắc nhân viên thu tiền của bưu điện: đến thu tiền nếu tôi không có nhà thì về, đợi khi nào có tôi thì đưa, chứ vợ tôi có bệnh tim bẩm sinh, cô ấy nhìn vào phiếu thu tiền rồi lăn đùng ra là bưu điện chịu trách nhiệm đấy. Phí fax từ máy tính tính cước điện thoại đường dài...
Email thì cũng vĩ đại không kém. Đa phần là cop vào đĩa A rồi mang ra tiệm vi tính giao hết “cuộc đời và sự nghiệp của tôi đấy” cho chủ tiệm. Truyền nhau là cái đĩa A nó có một cái ô nho nhỏ, đấy là... cửa sổ, cop tài liệu vào xong thì đóng lại, để khi đi đường vi rút nó không chui vào được. Nhưng đa phần, mail kiểu gì đấy, mà đầu kia hoặc là nhận được trang trắng, may lắm thì nửa bài, có lần lại toàn chữ giun. Hồi ấy, ở Pleiku có cửa hàng bán nhạc cụ trên đường Quang Trung kiêm luôn nhận mail cho khách hàng, tôi và một số đồng nghiệp báo thường trú là khách hàng thường xuyên.
Lại còn, font chữ khác nhau. Phía Nam dùng font VNI, phía Bắc dùng ABC. Thế là đến khổ. Nên trong các văn bản yêu cầu chuyển mail, thường có thêm câu: yêu cầu font chữ ABC hay chữ Vn Time. Giờ nhắc lại chuyện này, nhiều người cứ ớ ra. Thì phải có thời ấy mới có bây giờ... Bây giờ, nhiều tổng biên tập báo duyệt bài trên smartphone ở bất cứ đâu.
HOÀNG HƯƠNG GIANG

Có thể bạn quan tâm

Hvinh Nút làm du lịch cộng đồng. Ảnh: Ngọc Minh

Hvinh Nút làm du lịch cộng đồng

(GLO)- Phát huy tiềm năng, thế mạnh cảnh quan thiên nhiên cũng như bản sắc văn hóa dân tộc, anh Hvinh Nút (làng Đăk Asêl, xã Sơn Lang, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) phát triển mô hình du lịch cộng đồng, mở ra hướng làm kinh tế mới, gia tăng thu nhập, tạo việc làm cho người dân địa phương.

Mang Yang quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông nông thôn

Mang Yang quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông nông thôn

(GLO)- Nhiều năm nay, từ các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước cùng sự hưởng ứng người dân địa phương, huyện Mang Yang (tỉnh Gia Lai) đã tập trung đầu tư xây dựng và sửa chữa hạ tầng giao thông nông thôn. Qua đó, giúp người dân vận chuyển hàng hóa thuận tiện, thúc đẩy kinh tế phát triển. 

Gia Lai: Bắt đầu từ sáng 30-6 sẽ thực hiện cấp và thu hồi mẫu con dấu khi sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính

Gia Lai: Bắt đầu từ sáng 30-6 sẽ thực hiện cấp và thu hồi mẫu con dấu khi sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính

(GLO)- Ngày 26-6, Công an tỉnh Gia Lai có Công văn số 3986/CAT-PC06 thông báo thời gian cấp, thu hồi mẫu con dấu khi sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp đối với các cơ quan, tổ chức có trụ sở trên địa bàn tỉnh Gia Lai (cũ).

Mùa gieo sạ trên cánh đồng Đê Bar. Ảnh: Ngọc Minh

Mùa gieo sạ trên cánh đồng Đê Bar

(GLO)- Những ngày này, tại cánh đồng Đê Bar (xã Tơ Tung, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) không khí lao động diễn ra tấp nập, khẩn trương, tiếng máy cày hòa cùng tiếng nói cười của người dân kỳ vọng về một mùa vụ thắng lợi.

Những mái ấm ở vùng khó

Những mái ấm ở vùng khó

(GLO)- Ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, chương trình hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát đã lan tỏa những giá trị nhân văn sâu sắc. Những ngôi nhà mới không chỉ góp phần làm đổi thay diện mạo nông thôn mà còn mở ra hy vọng về một cuộc sống tươi sáng hơn cho hàng trăm hộ nghèo, cận nghèo.

null