Màu nắng Pleiku

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đất trời tuần hoàn. Khi mùa mưa qua đi, khi cái gió hanh hao tràn về, ấy là lúc mùa khô đến. Pleiku ở trong những tháng ngày đẹp nhất. Điều đặc biệt ở đây là khi những vạt nắng vàng ươm trong làn gió khô se lạnh hiện diện cũng là lúc khắp các núi đồi rực rỡ những sắc hoa.
Chính cái riêng của mùa khô ở Phố núi đã đem đến cho những người dân địa phương, những ai yêu mến miền đất này một cảm giác nồng nàn, thương yêu đến lạ. Tôi say mê từng vạt nắng trên những hàng thông, trên những đồng cỏ dại mênh mông, trên những đồi hoa và cả trên từng mái nhà, góc phố. Với tôi, những ngày đầu mùa khô này có một sức quyến rũ lạ kỳ. Tôi yêu biết bao cái nắng vàng như mật và những gì đi cùng với nó trên vùng đất cao nguyên này.
Mùa khô Tây Nguyên bắt đầu khi những cánh hoa dã quỳ vàng rực đầu tiên hé nở. Dã quỳ như gom hết cái nắng vào từng cánh hoa mỏng manh và tỏa sáng. Màu vàng rực rỡ trải khắp các ngọn đồi, len vào cả những vườn cây, góc phố. Giữa nắng gió, những cánh hoa cứ bung nở, vươn cao và khoe sắc.
Nắng vàng nhảy nhót trên đồi núi mênh mông. Những đám cỏ hồng bao đời nằm yên dưới gốc thông già thu hút bao bước chân du khách. Cái ngút ngàn của đồi cỏ làm con người cảm thấy nhỏ bé trước thiên nhiên rộng lớn. Còn gì thư thái hơn khi được nằm, được ngồi và đùa vui trên thảm cỏ, để cảm nhận vẻ đẹp của bông nắng xiên qua những hàng thông xanh trầm mặc. Những đám cỏ đuôi chồn cũng nhờ gió tạo nên vẻ hấp dẫn khó cưỡng, khiến bao người dừng chân tạo dáng để chụp vài kiểu ảnh kỷ niệm.
Công viên Diên Hồng (TP. Pleiku). Ảnh: Phan Nguyên
Công viên Diên Hồng (TP. Pleiku). Ảnh: Phan Nguyên
Được đi xa qua khỏi những phố xá ồn ào mà thả mình tận hưởng thiên nhiên tươi đẹp thì còn gì hấp dẫn hơn trong những ngày này. Nhưng ngay cả từ trong cửa sổ nhìn ra, tôi vẫn luôn cảm nhận được sự thay đổi của đất trời và yêu sao cái nắng của thời gian chuyển mùa. Nắng len qua từng khóm cây, vào tận hiên nhà cho những chậu hoa hồng, hoa phong lan xanh tốt, nở hoa. Nắng chiếu rọi, phản chiếu bầu trời trong xanh vào mặt nước hồ tạo nên một thiên nhiên kỳ ảo và luôn có một sức hấp dẫn lạ kỳ. Từng đàn chim ríu rít gọi nhau, rúc rích vui đùa trong vòm lá. Những chú chim sẻ dễ thương như thể cảm nhận được sự bình an nên sà cả vào sân, vào hiên nhà. Đất lành chim đậu là đây.
Mùa nắng, đó là lúc những vườn cà phê rộng lớn vào mùa. Những cành cà phê đỏ rực quả chín. Dù chịu nhiều biến động của giá cả, những được mất do thời tiết, những khu vườn cà phê này đã góp phần làm thay đổi cuộc sống của người dân nơi đây và nó cũng là một phần của vẻ đẹp mùa nắng Tây Nguyên. Ai đã từng đi đến những thành phố hiện đại, đông đúc, mù mịt khói xe thì sẽ thấy khoan khoái dễ chịu khi được đi giữa những con đường có bóng cây xanh và không khí trong lành của Phố núi. 
Trong nắng vàng những ngày đầu mùa khô và se se lạnh, người dân Pleiku còn gì vui hơn khi cùng bạn bè, người thân thả mình trong một quán nước nào đó, thưởng thức hương cà phê thơm lừng từ những ly cà phê nghi ngút khói mà chuyện trò, mà cảm nhận hết những thương yêu và những đặc ân chỉ có được trên vùng đất vẫn còn giữ những nét hoang sơ này. Đến Pleiku, ta có thể nghe giọng nói từ khắp mọi miền đất nước. Với những lợi thế của mình, Pleiku là điểm đến của người dân từ khắp nơi về đây lập nghiệp. Họ đem theo nét văn hóa đặc trưng của mỗi vùng miền, cùng hòa nhập với nhau và với văn hóa người bản địa để tạo nên một nền văn hóa đa dạng, ngày càng thu hút khách đến thăm.
Với bất cứ ai, vùng đất nơi mình sinh ra, lớn lên đều để lại những tình cảm sâu sắc. Tôi luôn yêu Pleiku, cả trong những ngày mưa, những buổi sáng đầy sương lạnh và nhiều hơn là những ngày tràn nắng. Tôi lại ước mình như một đứa trẻ, chân trần chạy nhảy trên khắp các gò đồi để tận hưởng vẻ đẹp của hoa, của cỏ, mùi hương của cà phê, của sự sống đang rộn rã từng ngày của vùng đất này.
NGUYỄN THỊ THÚY ÁI

Có thể bạn quan tâm

Nghề bó chổi đót tại An Khê. Ảnh: Ngọc Minh

Nghề bó chổi đót ở thị xã An Khê

(GLO)- Thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) hiện có hơn 10 hộ dân làm nghề bó chổi đót, tập trung ở các phường: An Phú, Tây Sơn, Ngô Mây. Thu nhập từ nghề bó chổi đót giúp nhiều gia đình có cuộc sống ổn định, yên tâm gìn giữ nghề truyền thống.

Đường liên xã Kon Gang-Hải Yang đang được nâng cấp, mở rộng. Ảnh: N.D

Khởi sắc Kon Gang

(GLO)- Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, xã Kon Gang (huyện Đak Đoa) là vùng căn cứ cách mạng vững chắc của tỉnh Gia Lai. Sau ngày giải phóng, cấp ủy, chính quyền và người dân nơi đây tiếp tục nỗ lực phát triển kinh tế, xây dựng quê hương ngày một khởi sắc.

Thành viên HTX Dịch vụ nông nghiệp Ia Tô (xã Ia Tô, huyện Ia Grai) mong muốn được hỗ trợ, kết nối tiêu thụ nông sản. Ảnh: H.D

Ia Grai: Hợp tác xã chủ động tìm đầu ra cho sản phẩm

(GLO)- Nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đã chủ động tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm của mình. Tuy nhiên, để sản phẩm mới có được chỗ đứng ổn định trên thị trường, các HTX rất cần sự hỗ trợ của chính quyền và ngành chức năng địa phương.

Hướng dẫn thực hiện các phong trào thi đua cho phụ nữ huyện Phú Thiện

Hướng dẫn thực hiện các phong trào thi đua cho phụ nữ huyện Phú Thiện

(GLO)- Sáng 25-3, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh Gia Lai tổ chức tập huấn, hướng dẫn thực hiện các phong trào thi đua, đợt thi đua đặc biệt chào mừng các ngày lễ lớn và hưởng ứng phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hơn 100 cán bộ, hội viên phụ nữ của 2 xã Ia Piar và Ia Peng (huyện Phú Thiện).

Diện mạo nông thôn xã Chư Mố ngày càng khang trang. Ảnh: R.H

Chuyện về những ngôi làng bên sông Ba

(GLO)- Đến xã Chư Mố (huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai), chúng ta nhận thấy tên gọi 5 làng ở đây đều gắn liền với dòng sông Ba và những người lập làng đầu tiên. Đó là các làng: Plơi Apa Ama Đă, Plơi Apa Ama H’Lăk, Plơi Apa Ama Lim, Plơi Apa Ơi H’Trông và Plơi Apa Ơi H’Briu.