Mạo danh nhân viên điện lực, y tế để lừa đảo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trước tình trạng mạo danh công ty điện lực thông báo khách hàng nợ tiền điện để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, mới đây Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã phải đưa ra cảnh báo. Ngoài ra, cũng đã có hiện tượng giả mạo Uỷ ban phòng chống dịch COVID-19 để thu thập và đánh cắp thông tin cá nhân.
 

Trang web giả mạo thương hiệu EVN để lừa người tiêu dùng. Ảnh chụp màn hình
Trang web giả mạo thương hiệu EVN để lừa người tiêu dùng. Ảnh chụp màn hình


Giả mạo để thu tiền điện

Thông báo của EVN nêu, theo thống kê của các đơn vị Điện lực, chỉ riêng từ đầu tháng 5 đến nay, đã có hàng trăm trường hợp khách hàng phản ánh thông qua các kênh Chăm sóc khách hàng (CSKH) về việc có nhiều số điện thoại lạ tự xưng là “nhân viên Điện lực”, “Tổng đài ngành Điện”, “Điện lực Việt Nam” để yêu cầu khách hàng nộp tiền điện, thậm chí dọa cắt điện nếu không nộp. Khi biết được thông tin khách hàng đã thanh toán tiền điện, thì các đối tượng lập tức ngắt máy.

Riêng tại Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC), chỉ trong khoảng thời gian giữa tháng 5.2021, đã có 81 cuộc gọi của khách hàng đến Tổng đài Chăm sóc khách hàng để phản ánh về tình trạng trên.

Chỉ riêng điện lực các huyện, thành phố tại Gia Lai nhận được một số cuộc gọi của khách hàng, phản ánh về việc bị đòi nợ tiền điện từ các số điện thoại di động, mặc dù đã thanh toán trước đó.

Ngày 18-5, chị Hoàng Thị S. (xã Đăk Yă, H. Mang Yang, Gia Lai) có nhận được cuộc gọi từ số điện thoại di động lạ thông báo gia đình chị sử dụng điện sai mục đích, đồng thời yêu cầu nộp 56 triệu đồng tiền điện truy thu, nếu không sẽ chuyển cho công an xử lý theo quy định. Nhận phản ánh của người dân, điện lực Mang Yang kiểm tra thì thấy chị đã thanh toán tiền điện ngày 10-5 và hoàn toàn không có sai phạm gì.

Trước đó, anh Trần Văn L (xã Đak Djrăng, H.Mang Yang, Gia Lai) cũng phản ánh rằng có người xưng là của nhân viên điện lực gọi cho anh và yêu cầu anh thanh toán tiền điện. Người này qua điện thoại còn doạ, nếu không thanh toán trong ngày sẽ bị cắt điện. Để xác minh, anh Lượng gọi điện đến Điện lực Mang Yang, thì biết đó là cuộc gọi giả mạo.

Còn tại TP.Hà Nội, cũng có nhiều trường hợp tương tự được phản ánh tới Tổng Công ty Điện lực TP.Hà Nội (EVNHANOI). Cụ thể, khách hàng nhận được cuộc gọi từ số điện thoại lạ, thậm chí có đầu số không phải ở Việt Nam, gọi đến với nội dung: “Bạn đang sử dụng điện cao bất thường, chúng tôi sẽ cắt điện trong thời gian tới, vui lòng bấm số 9 để được gặp nhân viên điện lực tư vấn”. Sau khi bấm số 9 thì nghe giọng nói như một nhân viên tổng đài đề nghị cung cấp tên và địa chỉ để kiểm tra. Sau đó, người này tiếp tục thông tin khách hàng đang nợ tiền điện và dọa nạt sẽ gửi hồ sơ sang Công an, sau đó yêu cầu chuyển tiền gấp tới số tài khoản lạ.

Trước tình trạng các cuộc gọi giả mạo ngành Điện xuất hiện trên cả nước, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các Tổng Công ty Điện lực tiếp tục cảnh báo đến khách hàng sử dụng điện cần nêu cao tinh thần cảnh giác. Nếu nhận được cuộc gọi mạo danh “điện lực" hoặc xưng danh là “công ty điện lực” nhưng không nói rõ tên, địa bàn quản lý của công ty điện lực, hoặc thông tin không rõ ràng, minh bạch thì khách hàng không nên cung cấp thông tin cá nhân của mình. Đồng thời, khách hàng cần thông báo ngay cho ngành Điện qua các kênh CSKH để có biện pháp xử lý kịp thời. Đặc biệt, trong mọi trường hợp, ngành Điện khuyến cáo khách hàng không cung cấp thông tin số tài khoản, mật khẩu của mình; tuyệt đối không thanh toán tiền điện cho người lạ hoặc yêu cầu chuyển tiền vào các tài khoản cá nhân để tránh bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Lợi dụng dịch bệnh để giả mạo nhằm trục lợi, đánh cắp thông tin

Mới đây, nhiều bạn đọc phản ánh rằng họ thường xuyên nhận được các cuộc gọi từ số 01800**** xưng là từ Uỷ ban phòng, chống dịch đề nghị khai báo y tế, hỏi các triệu chứng như ho, sốt… nhưng kèm theo đó là tra hỏi về thông tin cá nhân, số chứng minh nhân dân, số tài khoản, địa chỉ nhà…

Đây rõ ràng là số giả mạo vì tổng đài khai báo y tế là 18001119 (không có số 0) và việc khai báo y tế đã có app trên điện thoại. Với những trường hợp như vậy, cơ quan chức năng khuyên không trả lời và cần thiết báo cáo với cơ quan chức năng.

Trước đó, hồi tháng 5.2021, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC) phát đi thông tin cảnh báo hiện tượng các đối tượng lừa đảo giả danh nhân viên y tế gọi điện thoại thông báo người có liên quan đến ca nhiễm COVID-19 rồi yêu cầu người nghe gọi lại đến số điện thoại do chúng cung cấp để khai thác thông tin.

Cụ thể, người dân nhận được tin nhắn thông báo từ một đầu số lạ: "Ông/bà hiện đang nằm trong danh sách phải cách ly tập trung, mã số cách ly là: xxxx, đề nghị ông/bà liên hệ lại số điện thoại xxxxxxx".

Theo HCDC, cơ quan y tế không làm việc này. Thực tế, khi tiếp nhận thông tin có trường hợp nghi nhiễm, nhiễm COVID-19 hoặc có tiếp xúc gần với người nhiễm, các địa phương sẽ kích hoạt đội phản ứng nhanh, đến nơi cư trú, nơi làm việc của trường hợp này để xử lý khẩn.

Nếu người dân nằm trong diện thực hiện cách ly tập trung hoặc tại nhà thì chính quyền địa phương, nhân viên y tế sẽ làm việc trực tiếp và trao quyết định cách ly từ chính quyền địa phương.

HCDC khuyến cáo cộng đồng về sự việc trên nhằm nâng cao cảnh giác trước các trường hợp giả mạo nhân viên y tế lừa đảo nhằm mục đích xấu, tránh để xảy ra những trường hợp đáng tiếc về người và tài sản.

Mỗi người dân nên lưu số điện thoại của Trạm y tế, Trung tâm y tế nơi mình sinh sống để dễ dàng cho việc khai báo, liên hệ khi cần thiết; theo dõi thông tin chính thức từ ngành Y tế và của địa phương nơi cư trú để nắm bắt thông tin chính xác.

Người dân cần làm gì?

Hiện tượng giả mạo nhân viên điện lực, ngân hàng, thanh tra, nhân viên y tế thậm chí giả mạo cả cán bộ tư pháp nhằm lừa đảo, thu thập thông tin cá nhân hiện nay ngày càng tinh vi.

Cơ quan Công an khuyến cáo, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cần đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi điện thoại từ người lạ, tự xưng là cán bộ các cơ quan nhà nước yêu cầu nhận tiền, quà bưu phẩm có giá trị lớn hoặc đóng các khoản phí, trả các khoản nợ không xác định.

Đồng thời, tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, số chứng minh thư (căn cước công dân), địa chỉ nhà ở, số tài khoản ngân hàng, mã OTP trên điện thoại cá nhân... cho bất kỳ ai không quen biết hoặc khi chưa biết rõ nhân thân, lai lịch. Khi gặp những tin nhắn thông qua các trang mạng xã hội để vay tiền, nhờ mua thẻ điện thoại, yêu cầu chuyển tiền để xác minh tài khoản; nhờ tài khoản ngân hàng để nhận tiền từ nước ngoài... thì cần đặc biệt cảnh giác, tuyệt đối không làm theo; nhanh chóng liên hệ hoặc gọi điện thoại nói chuyện trực tiếp với người đó để kiểm tra thông tin.

Bên cạnh đó, người dân cần thường xuyên thay đổi mật khẩu hoặc tăng tính năng bảo mật quyền riêng tư trên các tài khoản mạng xã hội; không chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân trên các trang mạng xã hội. Không chia sẻ số tài khoản ngân hàng trên mạng xã hội; nếu cần có tài khoản ngân hàng công khai để giao dịch mua bán trên không gian mạng, thì tiền trong số tài khoản công khai cần giữ ở mức thấp nhất để tránh bị kẻ gian chiếm đoạt.

Khi nhận các cuộc điện thoại có dấu hiệu nêu trên, người dân cần bình tĩnh, không lo sợ, nhanh chóng liên hệ với người thân, bạn bè để được tư vấn. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì kịp thời thông báo cho Cơ quan Công an nơi gần nhất để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.

 


Giả danh cán bộ công an lừa đảo

Một bạn đọc phản ánh về việc con trai bị lừa một khoản tiền lớn. Vụ việc bắt đầu từ việc có một kẻ gọi đến tự xung là người của Bộ Công an thông báo số Chứng minh thư của con trai bị lợi dụng vào việc vận chuyển hàng hoá và ma tuý. Kẻ cầm Chứng minh thư gây ra tai nạn chết người ở Đà Nẵng và yêu cầu cháu xác nhận một số thủ tục trên một trang web (sau này mới biết là trang web giả mạo) và đưa ra yêu cầu “nếu mọi chuyện muốn êm đẹp thì phải chuyển 30 triệu đồng”. Chưa kịp chuyển tiền thì kiểm tra tài khoản thấy bị rút sạch tiền, mất 26 triệu đồng trong tài khoản cá nhân.


https://laodong.vn/phap-luat/mao-danh-nhan-vien-dien-luc-y-te-de-lua-dao-917864.ldo


Theo Quang Thành (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

SEA Games 32 loại thêm môn thế mạnh của Việt Nam

SEA Games 32 loại thêm môn thế mạnh của Việt Nam

Trong phiên họp trực tuyến mới đây với sự tham dự của đại diện 10 Ủy ban Olympic quốc gia - trừ Timor Leste, Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á (SEAGF) đã yêu cầu quốc gia đăng cai SEA Games 31 cập nhật tình hình các trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với chất cấm khi thi đấu hồi tháng 5-2022 tại Việt Nam, trong đó có 5 trường hợp của đoàn thể thao chủ nhà.
Thầy Park khó nghĩ khi Quang Hải sa sút

Thầy Park khó nghĩ khi Quang Hải sa sút

Việc Quang Hải sa sút phong độ là nguyên nhân chính khiến tuyến giữa tuyển Việt Nam chơi không tốt trong trận hòa Thái Lan 2-2. Điều này, buộc HLV Park Hang-seo phải tính đến phương án thay Quang Hải.
Chờ lời chia tay ngọt ngào của thầy Park

Chờ lời chia tay ngọt ngào của thầy Park

(GLO)- 19 giờ 30 phút ngày 13-1, đội tuyển Việt Nam bước vào trận chung kết lượt đi AFF Cup 2022 với Thái Lan. Trận đấu trong mơ này sẽ là cơ hội cho huấn luyện viên (HLV) Park Hang-seo đòi lại món nợ trước người Thái để có lời chia tay ngọt ngào với bóng đá Việt.
Tuyển Việt Nam sẵn sàng gặp Thái Lan

Tuyển Việt Nam sẵn sàng gặp Thái Lan

AFF Cup 2022 hứa hẹn kết thúc cực kỳ hấp dẫn với trận chung kết trong mơ giữa tuyển Việt Nam và Thái Lan. HLV Park Hang-seo cũng có cơ hội đánh bại 'Voi chiến' ở một giải đấu chính thức để khép lại triều đại thành công của mình.
Giải bóng đá mini thanh niên khối THPT TP. Pleiku: Gay cấn, hấp dẫn đến phút cuối

Giải bóng đá mini thanh niên khối THPT TP. Pleiku: Gay cấn, hấp dẫn đến phút cuối

(GLO)- Sau 3 ngày diễn ra sôi nổi, kịch tính, giải bóng đá mini 5 người thanh niên khối THPT năm 2023 do Thành Đoàn và Hội LHTN Việt Nam TP. Pleiku tổ chức đã khép lại. Giải góp phần tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, tạo mối quan hệ đoàn kết trong hội viên thanh niên khối trường THPT trên địa bàn thành phố.