Mang Yang: Tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Sau thời gian thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu, đến nay, ngành nông nghiệp huyện Mang Yang (Gia Lai) đã có những bước phát triển phù hợp với điều kiện thực tiễn, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.
 Nông dân xã Đak Djrăng thu hoạch chanh dây. Ảnh: N.D
Nông dân xã Đak Djrăng thu hoạch chanh dây. Ảnh: N.D
Trên cơ sở đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, UBND huyện Mang Yang đã xây dựng đề án của địa phương và ban hành các kế hoạch như: “Đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp tạo động lực trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp”, “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu giai đoạn 2017-2020”. Từ đó, hệ thống chính trị của huyện đã tuyên truyền, vận động nông dân thay đổi tập quán sản xuất từ nhỏ lẻ sang phát triển nông nghiệp hàng hóa gắn với tiềm năng, lợi thế của địa phương; chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa nhằm tăng giá trị thu nhập trên cùng một diện tích đất; tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi; từng bước liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm.
Chiến lược phát triển ngành trồng trọt của huyện đến năm 2020 xác định tập trung chuyển dịch cơ cấu cây trồng, phát triển các nhóm cây trồng chủ lực. Trong đó, ưu tiên cải tạo, đưa những giống cây trồng có khả năng chịu hạn, năng suất cao, thích ứng với biến đổi khí hậu như giống lúa HT1, lúa lai BIO404, Q5; các giống mì KM104, KM981; giống cà phê TRS1, TRS4 cùng giống bắp lai DK888, bắp nếp MX10 vào sản xuất trên nhiều cánh đồng ở các xã, thị trấn, nhất là chú trọng sản xuất giống lúa đặc sản Ba Chăm. Nhờ đó, đến nay, diện tích gieo trồng lúa, bắp trên địa bàn huyện đạt 4.579 ha, tổng sản lượng lương thực đạt 18.518,3 tấn, tăng 2.604 tấn so với năm 2013. Huyện cũng đã hình thành, phát triển các vùng trồng cây công nghiệp như hồ tiêu với diện tích 1.964 ha, tăng 1.248 ha so với năm 2013; cà phê 3.913 ha, tăng 151 ha, sản lượng đạt 9.572 tấn. Các loại cây ăn quả đang được mở rộng diện tích, như: sầu riêng 124 ha, bơ 175,3 ha, chuối 154,3 ha… Đặc biệt, nông dân đã bước đầu áp dụng công nghệ tưới nước tiên tiến, tiết kiệm trên các loại cây trồng với diện tích khoảng 2.405,5 ha, chiếm 27,13% tổng diện tích cây trồng. Hiện nay, huyện đang xây dựng 2 cánh đồng lớn liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa tại xã Đak Trôi (100 ha) và  xã Ayun (42,4 ha) bằng giống HT1…
Ông Nguyễn Văn Tân (thôn Linh Nham, xã Đak Djrăng) cho biết: “Gia đình tôi trồng 1,5 ha cà phê từ năm 1996. Thời điểm đó, nguồn giống không được tốt, đến nay vườn cà phê đã già cỗi, năng suất thấp ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập. Vài năm trở lại đây, gia đình bắt đầu mua những giống cà phê mới có năng suất, chất lượng cao về trồng tái canh. Trong giai đoạn này, gia đình tôi trồng xen thêm chanh dây và hồ tiêu vào những diện tích còn thưa và cây cà phê còn nhỏ để tăng thu nhập”. Mặc dù vậy, theo ông Tân, do giá cả nông sản không ổn định trong thời gian qua, cùng với chanh dây bị sâu bệnh đã ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập của nông dân.

Ông Phạm Ngọc Cơ-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Mang Yang: “Trong thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất quy mô tập trung, gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Phát triển ổn định các loại cây trồng chủ lực như cà phê, hồ tiêu, cao su, lúa nước, giảm diện tích cây mì để chuyển sang trồng chanh dây, dứa, chuối… đảm bảo vùng nguyên liệu phục vụ Công ty cổ phần Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao”.
Bên cạnh đó, việc thực hiện tái cơ cấu theo hướng chuyển từ chăn nuôi nông hộ sang chăn nuôi gia trại, trang trại công nghiệp và bán công nghiệp cũng được huyện chú trọng. Đến nay, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi chiếm 30,74% trong cơ cấu ngành nông nghiệp và tăng 13% so với năm 2013. Huyện cũng đã tập trung nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác hệ thống công trình thủy lợi phục vụ tưới và nuôi trồng thủy sản; đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp từ khâu làm đất, chăm sóc, thu hoạch và chế biến; chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn đảm bảo theo nhu cầu tái cơ cấu của ngành…
Ông Phạm Ngọc Cơ-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Mang Yang-cho hay: Sau 5 năm thực hiện tái cơ cấu, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện phát triển ổn định và có bước tăng trưởng khá. Tổng giá trị sản xuất nông-lâm-ngư nghiệp tăng cao so với trước đây. Tuy nhiên, quá trình tái cơ cấu vẫn còn gặp những khó khăn như chưa tạo tính bền vững trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, các hình thức sản xuất chưa đáp ứng yêu cầu tổ chức sản xuất hàng hóa và thiếu bền vững, phạm vi liên kết còn nhỏ…
Nguyễn Diệp

Có thể bạn quan tâm

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

(GLO)- Vụ Đông Xuân 2024-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) sẽ gieo trồng 2.988 ha cây trồng các loại, trong đó có hơn 2.000 ha lúa. Để đảm bảo vụ sản xuất đạt hiệu quả, ngành Nông nghiệp huyện đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ.

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.