Ly hôn tuổi xế chiều

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ly hôn trong giới trẻ không còn là điều xa lạ, nhưng đáng nói là những năm gần đây, nhiều cặp đôi tuổi ngoại ngũ tuần trở lên cũng quyết “đường ai nấy bước”. Ở cái tuổi xế chiều, họ vẫn đưa nhau ra tòa vì không thể hòa hợp sau thời gian dài chung sống.
Năm 2020, trong tổng số 950 vụ ly hôn mà Tòa án nhân dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) thụ lý, có hơn 40 vụ ở độ tuổi từ 50 trở lên. Tuy chiếm tỷ lệ khá nhỏ nhưng đây vẫn là vấn đề xã hội đáng quan tâm.  
Thẩm phán Trần Thị Tố Uyên cho hay: Đa số các vụ ly hôn tuổi xế chiều xảy ra khi con cái đã trưởng thành. Vì vậy, tòa án không giải quyết chuyện con chung mà chỉ tập trung vào vấn đề hôn nhân và tranh chấp tài sản. Tuy nhiên, phần lớn các cặp vợ chồng này đều tự thỏa thuận trong việc phân chia tài sản.
“Phải đưa nhau ra tòa ở tuổi này là vạn bất đắc dĩ. Bản thân họ đều không mong muốn, phần nữa là ngại ngùng với gia đình, hàng xóm nhưng do không thể tiếp tục chung sống nên buộc phải ly hôn”-thẩm phán Trần Thị Tố Uyên nhìn nhận.
Tháng 8-2020, Tòa án nhân dân TP. Pleiku giải quyết ly hôn cho 1 cặp vợ chồng ở tuổi xế chiều. Người vợ trên 50 tuổi, chồng gần 60, cả 2 đều buôn bán tại nhà. Mâu thuẫn phát sinh khi người chồng không đặt niềm tin do thấy vợ giao tiếp vui vẻ với nhiều khách hàng. Cho rằng mình bị kiểm soát quá nhiều, người vợ đâm đơn ly dị. Sau nhiều lần hòa giải không thành, cả 2 đã “đường ai nấy bước”.
Tranh minh họa: Internet
Tranh minh họa: Internet
Thẩm phán Trần Thị Tố Uyên kể: Tòa đang cho 1 cặp đôi thời gian tìm phương án phù hợp để đoàn tụ. Nhất là trong dịp Tết Nguyên đán 2021 tới đây, khi gia đình, con cháu sum họp thì cơ hội hòa giải, đoàn tụ rất lớn. Nếu sau đó họ vẫn không tìm ra được tiếng nói chung thì tòa sẽ giải quyết theo yêu cầu.
Người vợ trong vụ việc này đã 60 tuổi, là nội trợ; còn người chồng trên 60 tuổi, là công chức vừa nghỉ hưu. Nguyên nhân họ muốn chia tay là do không tìm được tiếng nói chung, không hòa hợp nhưng sợ con cái buồn vì gia đình đổ vỡ nên phải tiếp tục chung sống. Giờ đây, khi các con đã phương trưởng, họ muốn giải thoát cho nhau.
Thẩm phán Vũ Thu Hương cũng kể lại 1 vụ ly hôn ở độ tuổi này khiến chị vô cùng ám ảnh. Theo hồ sơ, ông P.H.N. và bà N.T.B.T. (cùng SN 1964, trú thôn 4, xã Chư Á) về sống chung với nhau sau khi cả 2 đều trải qua cuộc hôn nhân không như mong muốn. Nhưng sau đó, không đồng tình khi thấy ông N. thường qua lại chăm sóc vợ cũ và con cái, bà T. quyết định nộp đơn ly hôn dù ông N. không đồng ý.
Trong quá trình tòa giải quyết, giữa đôi bên xảy ra tranh chấp về tài sản. Khi tòa mới tổ chức hòa giải được 10 ngày, ông N. và bà T. đều cho biết sẽ tự thỏa thuận với nhau thì xảy ra việc ông N. giết vợ bằng hàng chục nhát dao rồi tự vẫn. Vụ này, tòa phải đình chỉ giải quyết vào ngày 28-10-2019.
Nói về lý do các cặp vợ chồng lớn tuổi nộp đơn ly hôn, 2 thẩm phán trên nhận định: Mâu thuẫn thường xuất phát từ sự thiếu quan tâm, chăm sóc nhau; thiếu sự hòa hợp trong cách nghĩ, lối sống; một bên có người thứ 3 khi còn chung sống…
“Nhiều cặp vợ chồng là công chức, viên chức hoặc công tác trong lực lượng vũ trang vì muốn giữ thể diện cho nhau nên tiếp tục chung sống, đến khi nghỉ hưu là ly dị. Giải quyết những vụ này cũng không căng thẳng gì vì họ hiểu biết về pháp luật, đa số đều thỏa thuận tự phân chia tài sản”-thẩm phán Vũ Thu Hương cho biết. 
Theo 2 thẩm phán của Tòa án nhân dân TP. Pleiku, ly hôn tuổi xế chiều có mặt tích cực, đó là giúp đôi bên có được cuộc sống cá nhân thoải mái, toại nguyện sau khoảng thời gian phải gò ép vì sĩ diện, hy sinh vì gia đình, con cái. Song mặt tiêu cực là nó ảnh hưởng nhất định đến tâm lý xã hội, các thế hệ sau, khiến niềm tin vào hôn nhân và tình cảm gia đình bị lung lay, giảm sút. 
Có một trường hợp hòa giải thành khiến thẩm phán Trần Thị Tố Uyên vẫn nhớ khá lâu. Số là, năm 2016, cặp vợ chồng đều là công chức đã nghỉ hưu quyết định nộp đơn ly hôn. Mâu thuẫn khá đơn giản, phát sinh sau khoảng thời gian nghỉ hưu do tâm lý người vợ quá nhạy cảm, đòi hỏi sự quan tâm lớn từ phía chồng và những người xung quanh; trong khi đó người chồng có phần độc đoán, khó tính. Sau nhiều lần hòa giải, người chồng đã hiểu ra và rút đơn. Và đó là niềm vui hiếm hoi của những người làm nghề “cầm cân nảy mực” này. 
LAM NGUYÊN

Có thể bạn quan tâm

Mẹ mất, em Thái Thị Mỹ Diệu (ở giữa) trở thành trụ cột gia đình và chăm sóc 2 em. Ảnh: N.N

Xót lòng 3 trẻ mồ côi

(GLO)- Mẹ qua đời, cha bỏ nhà đi , em Thái Thị Mỹ Diệu (SN 2006, hẻm 174 Nguyễn Văn Cừ, tổ 7, phường Diên Hồng, TP. Pleiku) phải bỏ dở việc học để chăm sóc 2 em nhỏ.

Đoàn giám sát HĐND tỉnh làm việc tại huyện Đak Đoa về việc cấp giấy CNQSDĐ cho các đối tượng được hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Ảnh: Lê Nam

Đak Đoa: 42/148 hộ hỗ trợ nhà ở, đất ở được cấp giấy CNQSDĐ

(GLO)- Sáng 16-12, Đoàn giám sát HĐND tỉnh do bà Đinh Ly An-Trưởng Ban Dân tộc làm trưởng đoàn đã giám sát tại huyện Đak Đoa về “việc cấp giấy CNQSDĐ cho các đối tượng được hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi”.

Nhờ nguồn vốn vay sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, bà Nguyễn Thị Nga (bìa trái, làng Sur B, xã Ia Hla, huyện Chư Pưh) đã đầu tư phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. Ảnh: S.C

“Bà đỡ” của người dân vùng khó

(GLO)- Thông qua chương trình tín dụng ưu đãi, người dân các xã vùng khó khăn của Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) được vay 100 triệu đồng để đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Chương trình này được ví như “bà đỡ” của người dân vùng khó.

Đoàn giám sát HĐND tỉnh giám sát tại thị xã Ayun Pa về “việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đối tượng được hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Ảnh: Lê Nam

Nhiều địa phương gặp khó trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ nghèo

(GLO)- Thực hiện Dự án 1-Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi các địa phương đã triển khai hỗ trợ nhà ở, đất ở cho hộ nghèo. Tuy nhiên, một số địa phương gặp khó trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đối tượng này.

Anh Đinh Bưng (làng Nhoi, xã Tú An) phấn khởi khi được dùng nước sạch. Ảnh: A.P

Phát huy hiệu quả vốn vay chương trình nước sạch, vệ sinh

(GLO)- Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai), hàng ngàn hộ dân trên địa bàn thị xã có thêm điều kiện đầu tư nâng cấp, xây dựng công trình nước sạch, công trình vệ sinh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.