Lớp xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Sau một ngày đi rẫy, tối đến, người dân dắt díu nhau lên lớp học chữ. Nhờ đó, từ một chữ bẻ đôi không biết, đến nay, nhiều người dân đã biết cầm bút, biết viết, đọc tên mình.

Huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai có tỷ lệ người dân tộc thiểu số (DTTS) cao, nhiều người không biết chữ. Trước thực trạng đó, từ tháng 6-2023, Phòng GD-ĐT huyện Chư Pah phối hợp với 6 xã tổ chức khai giảng 9 lớp xóa mù chữ cho khoảng 250 học viên đồng bào DTTS. Chương trình nhằm mục đích giúp người dân biết đọc, viết, biết tính toán cũng như vận dụng những điều đã học vào lao động, sản xuất.

Tại xã Ia Phí, huyện Chư Pah có 3 lớp xóa mù chữ ở 3 làng Kép, Roih và Yăng 2 cho 80 người ở độ tuổi từ 15 đến dưới 60 tuổi. Lớp học bắt đầu từ 18 giờ 30 phút và kéo dài khoảng 2 giờ. Riêng lớp xóa mù chữ ở làng Kép có 30 học viên tham gia. Có mặt tại đây, chúng tôi ghi nhận bàn ghế được sắp xếp ngay ngắn, trên bảng đen còn ghi rõ từng bài toán để học viên học, tập vở được để gọn gàng ở một góc, sẵn sàng phục vụ cho học viên nếu có nhu cầu.

Thầy Rơ Châm Chân, giáo viên trực tiếp dạy tại làng Kép, cho biết, dạy xóa mù cho đồng bào DTTS, nhất là người lớn tuổi khó khăn hơn nhiều so với dạy học sinh. Khó ở chỗ nhiều người còn không biết cầm viết, không biết đọc. Giáo viên phải cầm tay tập viết cho từng người. Có học viên đi làm rẫy cả ngày quá mệt nên nghỉ học, khi đó giáo viên phải đến tận nhà vận động học viên lên lớp. Nhờ sự tận tâm giảng dạy, tín hiệu vui là sau 2 tháng khai giảng, nhiều học viên nay đã biết đọc, biết viết. Điều này cũng góp phần tiếp thêm động lực để giáo viên cố gắng hơn.

Trong số các học viên tham gia lớp xóa mù chữ ở làng Kép, vợ chồng anh Rơ Châm Lun (46 tuổi) được nhiều người khen học nhanh tiến bộ. Mới 2 tháng đến lớp, anh Rơ Châm Lun đã biết làm toán, biết đọc chữ đơn giản. “Hồi còn nhỏ mình đi học lớp 1, sau đó phải nghỉ để đi chăn bò, nên lớn lên không còn nhớ mặt chữ. Đi ra đường, thấy bảng chỉ dẫn mà mình không hiểu, lên xã làm giấy tờ chỉ biết lăn tay, thiệt thòi nhiều thứ. Vì thế, khi nhà nước mở lớp xóa mù chữ miễn phí, mình và vợ đăng ký ngay. Ngày đi rẫy về, mình tắm rửa, ăn cơm rồi lên lớp để học. Chữ nào không nhớ, mình hỏi thầy ngay tại lớp, về nhà thì nhờ cháu hướng dẫn thêm. Nhờ chăm chỉ mà giờ mình biết làm toán, biết đọc, mình rất vui. Vợ mình học giỏi hơn mình. Mình sẽ theo học hết lớp này để có thêm kiến thức, ứng dụng trong cuộc sống”, anh Lun nói.

Ông Nguyễn Đình Phước, Phó trưởng Phòng GD-ĐT huyện Chư Pah, cho biết, chương trình xóa mù chữ gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 tương ứng với chương trình của lớp 1, 2 và 3, giúp học viên biết đọc, viết và làm toán đơn giản cũng như biết ứng dụng những điều đã học để áp dụng trong thực tế. Đơn vị cố gắng năm 2023 sẽ hoàn thành xóa mù chữ giai đoạn 1. Khi đó, những học viên nào có nguyện vọng thì đơn vị sẽ tiếp tục mở giai đoạn 2 tương đương với chương trình lớp 4, 5 của hệ giáo dục phổ thông.

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.

Thầy giáo 'Idol'

Thầy giáo 'Idol'

Ở Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, học sinh gọi thầy giáo Phùng Văn Tráng, SN 1990, Bí thư Đoàn trường, là Idol (thần tượng). Không chỉ dạy giỏi, thầy luôn “sống cho đi”, giản dị.