Cứ đều đặn 6h30 tối, căn phòng nhỏ nép dưới chân cầu Rạch Ông, quận 7 (TP.HCM) lại sáng đèn và ê a tiếng đánh vần của trẻ nghèo nhập cư.
|
Các trẻ được dạy cả tiếng Anh |
"Tự xa xưa thuở nào
Trong rừng xanh sâu thẳm
Đôi bạn sống bên nhau
Bê vàng và Dê trắng..."
Tiếng anh Danh Tuấn Anh vang lên, trẻ bắt đầu ê a đọc theo. Trong căn phòng 20m2, các trẻ đang hướng mắt lên bảng, chăm chú đánh vần rồi nắn nót từng dòng xuống vở.
Thầy cô ở lớp tốt lắm, dạy có tâm mà thương học trò. Thấy con ham học, tôi rất mừng. Lớp tạo điều kiện cho mấy đứa nhỏ nghèo được học chữ vì tụi tui đâu có tiền. Chị PHẠM THỊ YẾN NHI (phụ huynh bé Lê Ngọc Phương Quyên) |
Gieo chữ cho trẻ nghèo
Đó chính là lớp học "0 đồng" của anh Danh Tuấn Anh (25 tuổi, ngụ quận 7). Lớp học đặc biệt này được mở bằng tình yêu thương của anh dành cho các trẻ sống ở khu lao động nhập cư nghèo.
Hôm tôi ghé, buổi học sắp sửa bắt đầu, anh Tuấn Anh đang ổn định chỗ ngồi. Bọn trẻ quần áo lấm lem, đứa nhỏ xíu, mặt non choẹt, có đứa trông già dặn như trải đời. "Tụi nhỏ hiếu động, nghịch lắm nhưng cũng biết nghe lời" - anh nói rồi hướng mắt về phía học trò mỉm cười.
Để cho bọn trẻ có con chữ là cả hành trình không dễ chút nào. Bốn năm trước, trong một lần cùng hai người bạn đến khu phố nhỏ, anh bất ngờ vì không nghĩ đối diện mấy tòa nhà sang trọng, hiện đại bên kia sông là một xóm trọ nghèo, buồn hiu. Đa số trẻ nhỏ ở đây không được đi học dù đã đến tuổi, suốt ngày chỉ quanh quẩn trong xóm.
"Tôi nghĩ mình nên làm cái gì đó để giúp các bé thay đổi cuộc đời" - người thầy 25 tuổi chia sẻ lý do ra đời của lớp học "0 đồng".
Sau đó, anh lên phường trình bày nguyện vọng mở lớp dạy học miễn phí. Được phường hỗ trợ chi phí điện, nước và một căn phòng nhỏ vốn là nhà kho cũ được tân trang lại, anh xin thêm vài bộ bàn ghế cũ, tấm bảng của một trường tiểu học gần đó. Vậy là lớp học tình thương giữa xóm trọ nghèo được hình thành.
"Thời gian đầu chưa có kinh phí nên chưa sửa sang gì được, chỗ học khá tồi tàn. Khi hoạt động gần một năm, có một mạnh thường quân đến hỗ trợ chi phí lát gạch, sơn sửa lại để nhìn giống... lớp học hơn. Sau đó lại thêm những tấm lòng tốt hỗ trợ dụng cụ học tập" - Tuấn Anh vui vẻ kể.
"Tôi gặp nhiều trở ngại khi quyết định mở lớp. Ba mẹ sợ tôi cực. Rồi phải vượt qua rào cản từ phụ huynh. Có thời gian mấy tháng trời, mình tôi cáng đáng 30 em vì bạn tôi bận việc không thể phụ nữa. Nhiều khi muốn bỏ cuộc, nhưng nghĩ lại mình bỏ rồi thì cuộc đời tụi nhỏ sẽ khổ, sẽ đời này tiếp đời kia sống trong cảnh thất học" - anh trải lòng.
Tuấn Anh kể ban đầu để lớp có học sinh, anh phải đến từng nhà thuyết phục cha mẹ cho con đến lớp và "ngon ngọt" khuyên nhủ bọn trẻ hiếu động chịu đi học. Hồi đầu, nhiều người không đồng ý giao con cho anh. Một phần sợ anh là người xấu, dạy hư lũ trẻ, còn lại nghĩ rằng có học hay không cũng vậy.
"Mất nhiều thời gian, tôi dùng mọi lý lẽ khuyên họ cho con đến lớp thì họ mới chịu nhưng kèm theo điều kiện phải hỗ trợ tiền ăn uống cho mấy đứa nhỏ trong thời gian đầu theo học" - Tuấn Anh kể.
Tuy nhiên, lớp học được vài tuần, học trò bỗng... biến đâu mất. Anh lại lọ mọ đến từng nhà tìm hiểu thì biết được có bé theo cha mẹ đi nơi khác mưu sinh, có bé nhà không cho đi học nữa. "Họ nói học biết mấy chữ vậy là được rồi, học nhiều làm gì. Tôi lại phải cố khuyên họ cho con cái trở lại lớp" - anh tâm sự.
Thế rồi, tâm huyết của Tuấn Anh cũng được đền đáp. Sau khi thấy con mình tiến bộ cả con chữ và lễ phép đạo đức, nhiều người không còn cản con đến lớp nữa. Có người còn giới thiệu cho gia đình có hoàn cảnh tương tự để đưa con cái đến học.
|
Anh Tuấn Anh tập viết cho học trò mình - Ảnh: DIỆU QUÍ |
Dạy và học lại từ... các em
Lúc mới đầu, lớp có được 20 em, còn hiện tại là 30 em, đứa nhỏ nhất mới 6 tuổi, lớn nhất 14 tuổi nhưng đều có điểm chung... không biết chữ. Do đó, khi mới mở lớp, Tuấn Anh và hai người bạn chỉ dạy toán và tiếng Việt, chủ yếu để các em có thể đọc, viết, làm các phép toán cơ bản, sau này mới dạy thêm ngoại ngữ.
Bên cạnh việc chính là buôn bán, Tuấn Anh dành toàn bộ thời gian rảnh và tâm huyết của mình vào việc "gõ đầu trẻ" thiện nguyện. Ban ngày đi làm, buổi tối có khi chưa kịp ăn cơm, anh đã vội đến lớp cho kịp giờ dạy. Anh nói mình không sợ cực, được gặp bọn trẻ khiến anh thấy vui vẻ, thoải mái hơn.
Tuấn Anh kể lớp học tình thương này mang đến cho mình nhiều trải nghiệm tuổi trẻ. Trước đây, anh là người nóng vội, hấp tấp, và gần trẻ thơ khiến anh học được tính kiên nhẫn, bao dung, hiểu được ý nghĩa việc mình đang làm.
Nhìn học trò lớn lên từng ngày, từ những đứa không biết mặt chữ là gì, nay một số em đã đọc vanh vách, tính toán thông thạo, với anh đó là động lực, là sự đền đáp của các em với những người neo chữ tại đây.
Em Lê Thị Tường Vy (13 tuổi), đang tập viết số đếm bằng chữ trong tiếng Anh, hồ hởi nói: "Con học ở đây vui lắm, nhiều bạn bè. Mấy thầy cô dạy dễ hiểu nữa, cái nào không hiểu thì hỏi lại nhiều lần cũng được".
Gần bên, cô bé nhỏ nhắn Trần Thị Huỳnh Như đang chỉ bài cho bạn cùng bàn. Huỳnh Như nói em chỉ học đến lớp 3 rồi nghỉ vì không có tiền học tiếp. Mới 14 tuổi, em đã sớm bươn chải bằng làm việc, tối lại đến lớp đeo đuổi con chữ.
Chia sẻ cách dạy của mình, Tuấn Anh tâm sự: "Do các em còn ham chơi, có em đang độ tuổi dậy thì, nên ban đầu khó tiếp cận để khuyên bảo. Nhưng sau thời gian, tôi rút ra kinh nghiệm, chịu khó tìm hiểu hoàn cảnh, suy nghĩ của từng em để có kiểu dạy khác nhau.
Trong lúc học sẽ luôn có sự tương tác qua lại giữa thầy và trò để tụi nhỏ có hứng thú, cảm thấy được quan tâm, yêu thương, từ đó sẽ chăm học hơn".
Hôm 20-11 năm rồi, anh vừa bất ngờ vừa xúc động khi được một học trò vẽ hình mình lên giấy kèm những dòng chữ nguệch ngoạc, bày tỏ sự mến mộ của các em đối với người thầy của mình!
"Sau đợt nghỉ vì dịch COVID-19, các em cũ vẫn đi học lại đều. Có mấy bạn mới từ Campuchia về thì mù chữ hoàn toàn nên cũng hơi khó dạy vì các em đã lớn. Nhưng không sao, để bọn trẻ biết đọc biết viết thì khó cỡ nào tụi tôi cũng cố" - Tuấn Anh trải lòng.
Cho các em kỹ năng sống | Và vui vẻ dạy kỹ năng sống - Ảnh: DIỆU QUÍ | Anh Danh Tuấn Anh cho biết giáo án giảng dạy theo chương trình chuẩn của tiểu học với sự trợ giúp của các sinh viên tình nguyện. Thời gian học 2 giờ kể từ 18h30, từ thứ hai đến thứ sáu. Ngoài học văn hóa, các em còn được dạy kỹ năng sống để tự bảo vệ bản thân như chống xâm hại tình dục, ma túy, bạo lực gia đình, học võ... Mỗi tuần hai buổi các em được học tiếng Hàn với người bản địa và tiếng Anh. Cứ hai tháng, lớp kiểm tra đánh giá năng lực để chia nhóm, mỗi nhóm một thầy cô phụ trách. Tùy khả năng tiếp thu mà cách dạy khác nhau, những em học chậm được phụ đạo riêng để theo kịp các bạn. |
DIỆU QUÍ (TTO)