(GLO)- “Bên cạnh nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH), các ngành, địa phương, hội, đoàn thể cần chỉ đạo lồng ghép, kết hợp với các nguồn lực của chương trình mục tiêu quốc gia khác để hướng dẫn, giúp hộ nghèo, cận nghèo phát huy hiệu quả vốn vay phục vụ phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo”-đó là nội dung chỉ đạo của Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng ban Đại diện Hội đồng Quản trị (HĐQT) Ngân hàng CSXH tỉnh Gia Lai Đỗ Tiến Đông tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021.
Đồng chí Đỗ Tiến Đông-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng CSXH tỉnh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Minh Nguyễn |
Củng cố hoạt động tổ vay vốn
Bên cạnh việc đánh giá hoạt động tín dụng trong năm qua, Ban Đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH các cấp còn tập trung thảo luận các giải pháp nhằm phấn đấu mục tiêu tăng trưởng tín dụng chính sách năm 2021, tăng cường nguồn vốn, mở rộng cho vay để đáp ứng nhu cầu vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Ông Huỳnh Ngọc Ẩn (người đứng)-Phó Chủ tịch UBND huyện Kông Chro cho biết sẽ có giải pháp nâng cao chất lượng nguồn vốn vay tại địa phương. Ảnh: Minh Nguyễn |
Phát biểu tại hội nghị, ông Huỳnh Ngọc Ẩn-Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban Đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH huyện Kông Chro-thông tin: “Tổng dư nợ đến ngày 31-12-2020 đạt 235,6 tỷ đồng với 7.340 khách hàng dư nợ, trong đó, khách hàng là người dân tộc thiểu số là 4.731 hộ, số tiền vay là 127,7 tỷ đồng”.
Theo ông Ẩn, đa số các hộ dân của địa phương chủ yếu sản xuất nông nghiệp, thu nhập theo mùa vụ nên công tác thu hồi nợ của một số tổ tiết kiệm và vay vốn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, thành viên của một số tổ hạn chế về trình độ, việc cập nhật, ghi sổ còn nhiều khiếm khuyết. Toàn huyện có 188 tổ tiết kiệm và vay vốn nhưng chất lượng hoạt động ở một số xã rất thấp, còn đến 7 tổ xếp loại trung bình.
“Để khắc phục tình trạng này, huyện sẽ tập trung bồi dưỡng, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn, mục tiêu là không còn tổ nào hoạt động trung bình. Đặc biệt là chọn các tổ trưởng năng nổ, tích cực, biết được khả năng làm việc của các thành viên, hoàn cảnh của mỗi nhà thì mới phát huy hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách ở các thôn, làng”-ông Ẩn nêu giải pháp.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Minh Trưởng-Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh-khẳng định: Các địa phương cần phát huy vai trò của tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn ở các thôn, làng; phát huy vai trò bí thư chi bộ, trưởng thôn trong công tác tuyên truyền phối hợp, chỉ đạo các đoàn thể hướng dẫn, hỗ trợ các hộ dân tiếp cận, sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay trong sản xuất nhằm góp phần đưa nguồn vốn vay ưu đãi đến với hộ nghèo, cận nghèo phát triển kinh tế gia đình, thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo tại địa phương.
Ông Nguyễn Minh Trưởng-Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh đề xuất giải pháp phát huy vai trò bí thư chi bộ, trưởng thôn nhằm nâng cao hoạt động Tổ tiết kiệm và vay vốn ở các thôn, làng. Ảnh: Minh Nguyễn |
Nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng
|
Bàn về giải pháp giúp người dân phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách, ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho rằng: Cần đánh giá sâu hơn hiệu quả sử dụng vốn vay tín dụng chính sách của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ sản xuất kinh doanh ở vùng khó khăn. Đồng thời, đề ra các giải pháp lồng ghép, kết hợp nguồn vốn vay song song với nguồn vốn từ các dự án, chương trình mục tiêu giảm nghèo, nông thôn mới để tổ chức, hướng dẫn người sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay vào phát triển sản xuất. Đặc biệt là định hướng, hỗ trợ các hộ vay vốn liên kết sản xuất với các hợp tác xã nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Theo ông Lê Văn Chí-Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh: Tổng nguồn vốn năm 2020 đạt hơn 4.909 tỷ đồng, tăng trên 318 tỷ đồng so đầu năm; doanh số cho vay đạt trên 1.748 tỷ đồng, bằng 106% so với năm 2019; tổng dư nợ đạt trên 4.895 tỷ đồng, tăng 6,8%. Trong năm, toàn tỉnh có 5.625 lượt hộ nghèo, 9.337 lượt hộ cận nghèo và 7.953 lượt hộ mới thoát nghèo được vay vốn để đầu tư sản xuất kinh doanh...
“Để phát huy hiệu quả nguồn vốn vay, cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các đoàn thể kiểm tra, giám sát, nâng cao hoạt động các tổ vay vốn đảm bảo cho vay đúng đối tượng, đúng mục đích. Trọng tâm là tăng cường nguồn vốn, mở rộng cho vay, tập trung quản lý, nâng cao chất lượng tín dụng CSXH; tham mưu chuyển nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng CSXH để đáp ứng nhu cầu vay vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn”-ông Chí khẳng định.
MINH NGUYỄN