Lộ diện nhiều 'gói thầu Covid-19' được ưu ái

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Vụ “thổi giá” máy xét nghiệm Covid-19 tại CDC Hà Nội và những biểu hiện bất thường ở các địa phương khác khiến dư luận bức xúc và đặt câu hỏi về dấu hiệu tham nhũng, rút ruột ngân sách.
 
Máy xét nghiệm Covid-19 ở tỉnh Ninh Bình. ẢNH: PHÚC NGƯ
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, không chỉ máy xét nghiệm Realtime PCR, các địa phương đã chi từ hàng chục đến hàng trăm tỉ đồng để mua vật tư, hóa chất, sinh phẩm phục vụ chống dịch Covid-19. Đa số các gói này được chỉ định thầu và công ty trúng thầu nay đều nằm trong “tầm ngắm” của cơ quan chức năng. Trong đó, có Công ty TNHH thiết bị y tế Phương Đông (Công ty Phương Đông). Trong vụ án “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, một nhân viên công ty này đã bị bắt.
Theo hồ sơ từ hệ thống đấu thầu quốc gia, ngày 23.4, Công ty Phương Đông còn trúng gói thầu số 3: “Mua sắm máy chụp X-quang di động kỹ thuật số” của Sở Y tế Hải Phòng, giá trị 14 tỉ đồng. Tại Bệnh viện đa khoa Hải Dương, ngày 21.4, Công ty Phương Đông cũng trúng gói “Cung ứng vật tư thận nhân tạo phục vụ công tác chuyên môn” gần 1 tỉ đồng và gói “Mua lô vật tư tiêu hao phục vụ công tác chuyên môn” hơn 600 triệu đồng. Trong khoảng thời gian ngắn, công ty này thậm chí đã tham gia 123 gói thầu và trúng 115 gói.
Còn Công ty TNHH thiết bị y tế và khoa học Tâm Việt (Công ty Tâm Việt, Q.Hoàng Mai, Hà Nội) trúng gói thầu “Mua vật tư, hóa chất, sinh phẩm cho công tác xét nghiệm Labo tỉnh phục vụ phòng dịch Covid-19 của CDC Lào Cai” ngày 14.4, giá trị hơn 1 tỉ đồng.
Tại Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, công ty này trúng gói “Mua sinh phẩm, vật tư, hóa chất xét nghiệm SARS-CoV-2 và một số tác nhân khác gây bệnh đường hô hấp cấp tính”, trị giá hơn 3,7 tỉ đồng.
Tại Ninh Bình, Công ty Tâm Việt cung cấp hệ thống xét nghiệm Realtime PCR với mức giá trúng khoảng 7,8 tỉ đồng. Công ty này đã từng liên danh với 20 nhà thầu trong 17 gói thầu và thắng thầu cả 17 gói. Ngoài các công ty Tâm Việt, Phương Đông, một loạt các công ty khác như: Công ty CP Giải pháp Việt, Công ty TNHH Tài Lộc, Công ty TNHH Việt Nam (MST) cũng trúng thầu nhiều gói thầu độc lập tại Thái Bình, Quảng Nam…
Cần làm rõ có hay không hành vi tham nhũng
Trong vụ CDC Hà Nội, công an đã bắt Nguyễn Trần Duy, Tổng giám đốc Công ty CP định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành. Bị can Duy đã thông đồng để nâng từ 2,3 tỉ đồng lên gần 7 tỉ đồng với giá 1 hệ thống Realtime PCR.
Theo quy định tại khoản 1 điều 22 luật Đấu thầu và Thông tư 58, các gói thầu trên được phép chỉ định thầu, để khắc phục ngay hoặc để xử lý kịp thời hậu quả gây ra do sự cố bất khả kháng như đại dịch Covid-19.
 
Hiện cả nước có 48/112 đơn vị đủ điều kiện được thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime PCR. ẢNH: THÚY ANH
Với máy Realtime PCR, giá có thể khác nhau tùy thuộc vào model, thời điểm định giá, cấu hình, dịch vụ bảo hành và nhà sản xuất. Tuy nhiên, khi cùng một model như của Hà Nội đã mua, một đơn vị tư nhân mua với giá chỉ hơn 2 tỉ đồng. Cho dù tất cả cấu hình, model… có thể khác nhau thì cũng rất khó để chấp nhận mức giá vênh nhau tới 3 - 4 lần. Đáng nói là, ngay sau khi vụ việc ở CDC Hà Nội bị khởi tố, một loạt địa phương lập tức rút lại đề xuất mua máy hoặc thông báo tỉnh chỉ mượn máy của doanh nghiệp.
PGS-TS Ngô Trí Long, người có nhiều kinh nghiệm trong thẩm định giá, cho biết việc chỉ định thầu trong đại dịch Covid-19 là đúng luật, nhưng không có nghĩa sẽ không đấu giá. “Luật cũng quy định để tránh trường hợp thẩm định giá không hợp lý, còn có hội đồng hoặc tổ thẩm định giá để lựa chọn mức giá hợp lý nhất”, ông Long nói và cho rằng, nếu có dấu hiệu thổi giá để trục lợi thì đầu tiên phải kể đến trách nhiệm của người phê duyệt chỉ định nhà thầu và công ty thẩm định giá. Tiếp đó là thành viên các hội đồng hoặc tổ thẩm định giá tại các đơn vị, địa phương.
Theo ông Long, từng có trường hợp một lãnh đạo ngành bưu điện đã phải nhận án tù khi nhận 1.000 USD của một công ty cung cấp thiết bị bưu điện. Công ty này sau khi nhận được hợp đồng với mức giá “trên trời” đã mang đi chào từng địa phương để trục lợi hàng nghìn tỉ đồng. “Có hay không sau CDC Hà Nội, nhà thầu sẽ câu kết với địa phương khác bán với giá “trên trời”, gây thiệt hại cho ngân sách. Qua vụ việc tại CDC Hà Nội, trước đó là vụ “thổi giá” AVG cho thấy việc quản lý, cấp phép thẩm định viên còn lỏng lẻo. Nhiều thẩm định viên sẵn sàng ký liều, thông đồng, đóng dấu ăn tiền”, ông Long nói thêm.
TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế T.Ư, thì lo ngại vụ việc tại CDC Hà Nội không đơn thuần chỉ là vi phạm các quy định về đấu thầu. Theo ông Doanh, cần phải làm rõ có hay không hành vi tham nhũng, cố tình móc ngoặc rút ruột ngân sách. “Trong khi người dân nghèo đi quyên góp, xếp hàng nhận từng cân gạo thì một bộ phận quan chức tại CDC Hà Nội lại bán rẻ lương tâm, quay lưng với đồng bào để rút ruột ngân sách”, TS Lê Đăng Doanh bức xúc.
Máy xét nghiệm của Công ty Phương Đông giá cao hơn các công ty khác
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, hầu hết các địa phương đã có báo cáo việc mua sắm về Bộ Y tế, trong đó có 15 đơn vị thuộc Bộ Y tế và các tỉnh có mua sắm máy xét nghiệm Realtime PCR.
Các máy xét nghiệm có các thương hiệu khác nhau, do các công ty cung cấp khác nhau. Hệ thống xét nghiệm gồm 3 cấu hình: tách chiết, hệ thống pha trộn thử phản ứng, và máy chạy phản ứng PCR. Nhưng các địa phương hầu như chỉ mua các máy riêng và mua của các hãng khác nhau, không mua toàn bộ hệ thống như CDC Hà Nội đã mua của Công ty Phương Đông. Mua trọn bộ do Công ty Phương Đông cung cấp thì có: Hà Nội, Quảng Ninh, Quảng Nam.
“Theo thống kê sơ bộ, mua máy của Phương Đông cung cấp đều có giá cao hơn so với công ty khác cung cấp”, ông Sơn nói và cho hay Bộ Y tế sẽ tổng hợp, đánh giá mức độ tương tự về tính năng của máy xét nghiệm giữa các hãng sản xuất, được cung cấp bởi các công ty khác nhau, từ đó có các định giá cơ bản về máy xét nghiệm được các đơn vị mua sắm.

Liên Châu - Thúy Anh 

Anh Vũ (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

SEA Games 32 loại thêm môn thế mạnh của Việt Nam

SEA Games 32 loại thêm môn thế mạnh của Việt Nam

Trong phiên họp trực tuyến mới đây với sự tham dự của đại diện 10 Ủy ban Olympic quốc gia - trừ Timor Leste, Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á (SEAGF) đã yêu cầu quốc gia đăng cai SEA Games 31 cập nhật tình hình các trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với chất cấm khi thi đấu hồi tháng 5-2022 tại Việt Nam, trong đó có 5 trường hợp của đoàn thể thao chủ nhà.
Thầy Park khó nghĩ khi Quang Hải sa sút

Thầy Park khó nghĩ khi Quang Hải sa sút

Việc Quang Hải sa sút phong độ là nguyên nhân chính khiến tuyến giữa tuyển Việt Nam chơi không tốt trong trận hòa Thái Lan 2-2. Điều này, buộc HLV Park Hang-seo phải tính đến phương án thay Quang Hải.
Chờ lời chia tay ngọt ngào của thầy Park

Chờ lời chia tay ngọt ngào của thầy Park

(GLO)- 19 giờ 30 phút ngày 13-1, đội tuyển Việt Nam bước vào trận chung kết lượt đi AFF Cup 2022 với Thái Lan. Trận đấu trong mơ này sẽ là cơ hội cho huấn luyện viên (HLV) Park Hang-seo đòi lại món nợ trước người Thái để có lời chia tay ngọt ngào với bóng đá Việt.
Tuyển Việt Nam sẵn sàng gặp Thái Lan

Tuyển Việt Nam sẵn sàng gặp Thái Lan

AFF Cup 2022 hứa hẹn kết thúc cực kỳ hấp dẫn với trận chung kết trong mơ giữa tuyển Việt Nam và Thái Lan. HLV Park Hang-seo cũng có cơ hội đánh bại 'Voi chiến' ở một giải đấu chính thức để khép lại triều đại thành công của mình.
Giải bóng đá mini thanh niên khối THPT TP. Pleiku: Gay cấn, hấp dẫn đến phút cuối

Giải bóng đá mini thanh niên khối THPT TP. Pleiku: Gay cấn, hấp dẫn đến phút cuối

(GLO)- Sau 3 ngày diễn ra sôi nổi, kịch tính, giải bóng đá mini 5 người thanh niên khối THPT năm 2023 do Thành Đoàn và Hội LHTN Việt Nam TP. Pleiku tổ chức đã khép lại. Giải góp phần tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, tạo mối quan hệ đoàn kết trong hội viên thanh niên khối trường THPT trên địa bàn thành phố.