Lim xanh quý hiếm thế nào mà ở đây ra hẳn 1 Nghị quyết bảo vệ?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Để bảo tồn và phát triển cây lim xanh bản địa quý hiếm, HĐND huyện Như Thanh (Thanh Hóa) đã ra hẳn một nghị quyết. Những nỗ lực bảo tồn hàng trăm hecta lim tại Như Thanh khiến chúng tôi tò mò, vào cuộc tìm hiểu.
“Kỳ nhân” trấn giữ rừng lim
Ông Lê Huy Thục, hiện đang sinh sống tại thôn Thanh Quang, xã Thanh Tân, huyện Như Thanh là cư dân vùng biển Sầm Sơn (Thanh Hóa). Năm 1962, gia đình ông lên vùng kinh tế mới huyện Như Thanh để làm ăn. Thời điểm đó, gần như toàn bộ huyện miền núi này đều hoang vu, rừng ở khắp nơi, ngay sau nhà dân; muông thú nhiều vô kể. Cây rừng bản địa quý nhất ở đây là lim xanh.
 
“Kỳ nhân” Lê Huy Thục bên một cây lim có tuổi đời trên 20 năm.
“Thời điểm trước 1986, lim ở đây nhiều vô kể; có những cây đường kính phải lên đến trên 1,5m. Thế nhưng, cùng với thời gian và nhu cầu cuộc sống, rừng lim đã giảm dần. Giờ thì chỉ còn lại rừng lim tái sinh”, ông Thục cho biết.
Năm 1997, gia đình ông Thục nhận khoanh nuôi bảo vệ 13ha rừng tại thôn Thanh Quang, trong số này có 10ha rừng lim tái sinh. Thời điểm đó, số cây lim già cho hạt trên toàn bộ diện tích nhận khoanh nuôi bảo vệ chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.
Nhận rừng, vợ chồng ông hết sức trăn trở bởi nếu chỉ nhìn vào mấy sào ruộng thì lấy gì cho con cái ăn học? Trong khi đó, dưới tán rừng lim tái sinh, lâm sản phụ hầu như không có.
“Nhà đông con, lại chỉ được 2 sào ruộng, chiêm khê, mùa thối; cuộc sống không đến nỗi đứt bữa nhưng hết sức khó khăn. Tôi bàn với vợ, người lo sản xuất nuôi con cái; người vào ở hẳn trong rừng trồng cây, gây rừng. Bởi tôi luôn tâm niệm, trời sẽ không phụ công người.
Những ngày đầu vất vả lắm, ngoài việc bứng những cây lim nhỏ trong rừng để trồng vào chỗ trống tôi còn phải đi mua thêm ở các huyện lân cận. Vậy mà đã được hơn 20 năm rồi, nay rừng lim đã có những cây to bằng chiếc phích nước cỡ lớn”.

Nhìn những cánh rừng lim xanh được phục tráng, bảo vệ ở xứ Thanh, chúng tôi lại chợt nghĩ về lời bài hát Một đời người, một rừng cây của nhạc sỹ Trần Long Ẩn: “Khi nghĩ về một đời người, tôi thường nhớ về rừng cây. Khi nghĩ về một rừng cây, tôi thường nhớ về nhiều người…”. Quả thực, những cánh rừng lim bản địa nơi đây có sức cuốn hút lạ thường, nó tựa hồ đời sống một con người, luôn chắt chiu để tạo ra những điều kỳ diệu nhất cho cuộc sống.

Ông Thục cười hiền, giải thích: “Trồng cây lim phải mất cả 50 - 60 năm, thậm chí cả trăm năm gỗ mới thành thục. Trên dưới 20 năm mà to như cái phích nước cũng là nhanh lắm rồi đấy”.

Thấy ông Thục “đâm đầu” vào trồng lim, nhiều người dân thôn Thanh Quang dè bỉu. Ai cũng chê vợ chồng ông dại, vì sao không chặt lim trồng những loại cây khác nhanh thu hoạch hơn.
Ông Thục vẫn “bảo thủ”: “Ngày ấy khó khăn lắm; công tác quản lý, bảo vệ rừng cũng chưa chặt như bây giờ. Vì thế, nhà nhà lấn rừng làm rẫy, chặt rừng trồng keo. Trong số hàng chục hộ nhận bảo vệ rừng của xã hiện nay chỉ còn 3 hộ vẫn giữ được rừng lim xanh tái sinh. Vợ chồng, con cái tôi sống chật vật nhưng vẫn kiên quyết không phá rừng, làm giàu rừng bằng việc bảo vệ và xen dặm thêm cây lim xanh”.
Có lần, vì phát sẻ cây dại trong rừng, ông Thục vô tình làm “lộ” đường vào khu vực có những cây lim xanh lớn. Lần ấy, gia đình ông ai cũng rầu rĩ khi chứng kiến một cây lim có đường kính hơn 50 cm bị chặt hạ, hiện trường chỉ còn lại gốc và cành ngọn.
Xót xa như mất đi chính người thân, ông mất ăn mất ngủ mấy ngày liền. Vậy là từ đó, ông Thục quyết định không phát rừng cây bụi rậm nữa. Theo ông Thục, những cây lim mới trồng cũng cần khoảng 10 - 15 năm sống dưới tán rừng, cần được che bóng nếu không sẽ phát triển kém.
 
Rừng lim xanh được bảo tồn tại Vườn Quốc gia Bến En và huyện Hà Trung.
Con cái ông Thục, người nào cũng có cho riêng mình một khoảnh rừng để trồng keo ổn định cuộc sống. Nhưng hai vợ chồng vẫn ở trong căn nhà gỗ lim được làm từ khi mới lên đây. Biết tính ông bà, các con cái không đứa nào bàn đến chuyện phá rừng lim để trồng keo.  
Chính quyền vào cuộc bảo vệ rừng lim xanh
Năm 2016, gia đình ông Thục được UBND huyện mời họp để triển khai công tác bảo tồn rừng lim xanh quý hiếm. Đó cũng là lần đầu tiên gia đình ông được chính quyền địa phương động viên, khuyến khích trong việc bảo tồn loài cây bản địa quý hiếm này.
Nhưng cũng phải kể, từ trước đó, chính quyền huyện Như Thanh và UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều chính sách bảo tồn các loài cây bản địa. Hội đồng Nhân dân huyện Như Thanh còn ra hẳn một nghị quyết về bảo tồn, phát triển rừng lim.
Sự nỗ lực của Hạt Kiểm lâm huyện, cán bộ kiểm lâm địa bàn đã tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các doanh nghiệp, chủ rừng cùng nhân dân bảo tồn và phát triển rừng lim xanh quý hiếm.
Ông Nguyễn Văn Bảo, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Như Thanh cho biết, ý thức của người dân về bảo vệ rừng đã ngày càng được nâng cao; bảo vệ rừng thực sự trở thành nhiệm vụ tối quan trọng đối với cấp ủy, chính quyền địa phương.
Tuy nhiên, để những người sống dựa vào rừng bảo vệ rừng tốt thì không có cách nào hơn việc gắn lợi ích của họ với rừng. Nhưng làm thế nào để người giữ rừng không bị rơi vào tình cảnh khốn khó khi chủ trương đóng cửa rừng được thực hiện rất nghiêm ngặt?
“Huyện Như Thanh đã trích ngân sách hỗ trợ người bảo vệ rừng lim với số tiền 500 nghìn đồng/ha/năm và 1 triệu đồng/ha/năm đối với các hộ dân trồng mới rừng lim. Tuy đây không phải là số tiền lớn nhưng cũng đã góp phần cổ vũ, động viên người dân giữ rừng. Đến nay, theo dự án này, toàn huyện đã có 60ha rừng lim tái sinh và trồng mới được hỗ trợ. Ngoài ra, rừng tại Như Thanh còn được làm giàu bằng một số loài gỗ khác như dổi, trẩu…”.
 
 Dự án bảo tồn, phát triển rừng lim xanh tại Thanh Hóa đang tiến triển tốt.
Tại Thanh Hóa, Vườn Quốc gia Bến En là đơn vị hiện sở hữu diện tích rừng lim xanh lớn nhất. Theo thống kê, hiện vườn có 300ha rừng lim tập trung nhưng cũng chủ yếu là rừng tái sinh.
Từ năm 2011 đến nay, từ dự án Vì một Việt Nam xanh do Canon Việt nam tài trợ, Vườn Quốc gia Bến En đã trồng được 150ha rừng lim xanh.
Ngoài ra, dự án trồng rừng thay thế, trồng rừng cải tạo sau trồng keo hiện cũng đã trồng được gần 60ha.
Ông Nguyễn Quang Sỹ, Trưởng phòng Kế hoạch Hợp tác Quốc tế Vườn Quốc gia Bến En đưa chúng tôi đi xem rừng lim mới trồng được 3 năm.
Ông Sỹ cho biết, việc phục tráng, phục hồi rừng lim xanh được cấp ủy, chính quyền địa phương và ngành lâm nghiệp hết sức quan tâm nhưng thực tế gặp nhiều khó khăn.
“Cũng dễ hiểu, nếu chủ rừng là người dân thì việc bảo tồn, phát triển rừng lim xanh là hết sức khó khăn. Chu kỳ cây lim thành thục phải mất cả trăm năm nên trong khoảng thời gian đó, người trồng rừng sẽ sống bằng gì?
Lim trồng 10 - 15 năm mới khép tán nhưng cây dưới tán lim lại kém phát triển. Vì thế, sinh kế cho người trồng, bảo tồn rừng lim là điều cần hết sức quan tâm.
Là chủ rừng Nhà nước, ngoài việc vận dụng nguồn ngân sách dự án, hỗ trợ của doanh nghiệp thì việc phục hồi rừng lim xanh còn là nhiệm vụ chính trị nữa. Điều đó có thể coi là một thuận lợi nhưng về căn cơ vẫn phải tạo ra được ý thức bảo vệ rừng từ bản thân mỗi người dân”.
Rời rừng lim Như Thanh, chúng tôi đến Hà Trung, nơi có trên gần 330ha rừng lim xanh, sến tại xã Hà Tân, Hà Lĩnh, Hà Đông lâu nay được giao cho các hộ dân khoanh nuôi bảo vệ.
Ông Nguyễn Ngọc Thảo, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Hà Trung cho hay, mặc dù chế độ chi trả cho các hộ bảo vệ những cánh rừng này không đáng kể nhưng công tác bảo vệ rất tốt.

Không những rừng lim, sến ở đây không bị xâm hại mà còn được bảo vệ, phát sẻ thường xuyên; công tác phòng cháy chữa cháy rừng được thực hiện nghiêm. Người dân ở đây coi rừng lim, sến là báu vật “bất khả xâm phạm”.

Dân Việt (Theo Võ Văn Dũng/Báo Nông nghiệp Việt Nam)

Có thể bạn quan tâm

Xung quanh chiến công của du kích Puih Glớ và đồng đội - Kỳ 2: Đi tìm xác chiếc máy bay bị du kích Jrai bắn rơi

Xung quanh chiến công của du kích Puih Glớ và đồng đội - Kỳ 2: Đi tìm xác chiếc máy bay bị du kích Jrai bắn rơi

(GLO)- Ngày 12-5-1970, du kích người Jrai Puih Glớ (làng Maih, xã B6, huyện 4; nay là xã Ia Hrung, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) cùng đồng đội bắn rơi chiếc máy bay trực thăng khiến hàng chục binh sĩ cấp cao của quân đội Mỹ thiệt mạng. Vậy, xác chiếc trực thăng ấy bây giờ ở đâu?
Còn lại gì sau bão Yagi?

Còn lại gì sau bão Yagi?

Khi cơn bão Yagi quét qua, nhà cửa, đường sá, cầu cống - những gì tưởng chừng kiên cố nhất cũng bị gió bão, mưa lũ cuốn phăng. Xót xa hơn, sự sống - thứ đáng quý nhất cũng bị đánh cắp trong phút chốc.
Xung quanh chiến công của du kích Puih Glớ và đồng đội - Kỳ 1: Chuyện du kích Jrai hạ trực thăng Mỹ

Xung quanh chiến công của du kích Puih Glớ và đồng đội - Kỳ 1: Du kích Jrai hạ trực thăng chở 2 tướng Mỹ

(GLO)- Hơn nửa thế kỷ trôi qua nhưng câu chuyện về du kích Puih Glớ (làng Maih, xã B6, huyện 4; nay là xã Ia Hrung, huyện Ia Grai) cùng đồng đội bắn rơi máy bay quân sự Mỹ ngay tại quê hương mình vẫn được nhiều người cao tuổi trong vùng nhắc nhớ và được nhiều tài liệu lịch sử chính thống ghi nhận.

Giữa mùa mưa kể chuyện… đảo 'khát'

Giữa mùa mưa kể chuyện… đảo 'khát'

Do cấu tạo địa chất đặc biệt nên đảo Bé không tích tụ được mạch nước ngầm, người dân trên đảo phải dùng lu, bể... để hứng nước mưa dùng vào sinh hoạt. Hàng trăm năm qua, cộng đồng nhỏ bé hơn 500 người ấy tồn tại giữa biển khơi như một cuộc thi gan cùng tạo hóa.
Lặng thầm cống hiến nơi phên giậu Tổ quốc

Lặng thầm cống hiến nơi phên giậu Tổ quốc

(GLO)- Dẫu có những quãng ngắt do sóng chập chờn nhưng cuộc điện thoại với người thân trong gia đình mỗi buổi tối là “liều thuốc tinh thần” để cán bộ, chiến sĩ tại các chốt của Đồn Biên phòng Ia Lốp (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) vượt qua khó khăn, lặng thầm cống hiến nơi phên giậu Tổ quốc.
'Ba cùng' đổi thay vùng đất khó - Bài cuối: Ấm áp dưới tán rừng U Minh Hạ

'Ba cùng' đổi thay vùng đất khó - Bài cuối: Ấm áp dưới tán rừng U Minh Hạ

Tạm gác lại những công việc hàng ngày của mỗi cá nhân, những sinh viên tình nguyện hè của Trường Đại học Tây Đô (Cần Thơ), cùng nhau lên đường về với vùng đất thiêng liêng U Minh Hạ, để cùng ăn, cùng sống và cùng góp sức trẻ thể hiện phong trào “sinh viên 5 tốt”, cống hiến và trưởng thành.
Tấm lòng người làm lồng đèn truyền thống

Tấm lòng người làm lồng đèn truyền thống

Sau những gian hàng lồng đèn ồn ào, tấp nập mùa Trung thu là bao năm thao thức thầm lặng của các nghệ nhân, miệt mài, tỉ mỉ với từng công đoạn để thế hệ nào cũng có ký ức đẹp về những đêm trăng vàng với chiếc lồng đèn truyền thống rực rỡ trên tay.