Liên kết các điểm đến để phát triển du lịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày 29-3, đoàn công tác do đồng chí Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai dẫn đầu đã có chuyến khảo sát thực tế tại cụm di tích Nền nhà-Hồ nước-Kho tiền ông Nhạc (thuộc quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo) và thác chín tầng ở huyện Kông Chro (Gia Lai). 
Vùng đất giàu tiềm năng
Cụm di tích Nền nhà-Hồ nước-Kho tiền ông Nhạc (làng Đe Hlang, xã Yang Nam, huyện Kông Chro) là một trong những cụm di tích nằm trong quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo, được công nhận là Di tích lịch sử-văn hóa Quốc gia vào năm 1991. Đây chính là nơi ghi dấu buổi đầu dựng nghiệp của 3 anh em nhà Tây Sơn. Dấu tích của nền nhà Nguyễn Nhạc là nơi để giao tiếp, trao đổi buôn bán với đồng bào Bahnar và gầy dựng lực lượng cho phong trào khởi nghĩa Tây Sơn. Dân gian lưu truyền rằng, Nguyễn Nhạc khi xây dựng căn cứ để khởi nghĩa đã mời thầy phong thủy đến xem đất, sau đó ông quyết định chọn nơi đây làm nhà, làm nơi đúc tiền và xây dựng kho cất giữ tiền của nghĩa quân Tây Sơn.
“Những năm qua, huyện Kông Chro đã tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân bảo vệ và gìn giữ các giá trị di tích cũng như các giá trị văn hóa truyền thống trên địa bàn. Tuy nhiên, việc nỗ lực bảo vệ và tôn tạo di tích mới chỉ dừng lại ở việc trông coi và bảo quản, giữ gìn và tôn tạo sơ bộ hiện trạng sẵn có. Từ năm 2005 đến nay, từ nguồn ngân sách tỉnh cấp, huyện đã giao cho các phòng, ban chuyên môn hợp đồng bảo vệ trông coi, làm bảng tên di tích, làm đường bê tông xi măng dài khoảng 50 m và làm một số bảng chỉ dẫn đường vào khu di tích, đồng thời có nhiều tu sửa nhỏ tại cụm di tích”-Chủ tịch UBND huyện Kông Chro Phan Văn Trung cho biết.
 Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang (thứ ba từ trái qua) khảo sát thực tế tại di tích Hồ nước ông Nhạc. Ảnh: Ngọc Minh
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang (thứ ba từ trái qua) khảo sát thực tế tại di tích Hồ nước ông Nhạc. Ảnh: Ngọc Minh
Thời gian qua, di tích Nền nhà ông Nhạc rộng 400 m2 đã được huyện trùng tu bằng chất liệu gạch Bát Tràng và đá ong. Ngoài ra, Hồ nước ông Nhạc với diện tích khoảng 290 m2  cũng được phục dựng bằng đá ong; xung quanh khu vực này được bảo vệ bằng hàng rào kẽm gai khoảng 5.200 m2. Hiện nay, tại khu vực di tích Nền nhà, Hồ nước ông Nhạc đang được bổ sung thêm hạng mục Nhà bia ghi sự kiện trong khu vực hàng rào bảo vệ khoảng 36 m2 (dự án do Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch thực hiện). Riêng đối với khu vực Kho tiền ông Nhạc thì cho đến nay vẫn chưa được trùng tu, bảo tồn nên chưa phát huy hết giá trị của di tích. Kho tiền ông Nhạc cách khu vực Nền nhà, Hồ nước ông Nhạc khoảng 3,5 km về phía Tây Nam. Khu di tích này nằm trên một đoạn suối nhỏ, còn hoang sơ, cỏ cây mọc xâm lấn, đường vào di tích khó khăn với đường đất, dốc đá; nhìn chung cơ sở hạ tầng và các hạng mục hầu như còn bị bỏ trống… Chủ tịch UBND huyện Kông Chro cho biết thêm, thời gian tới, huyện sẽ tập trung đề xuất đầu tư xây dựng hoàn thiện các hạng mục phục vụ phát triển du lịch tại cụm di tích lịch sử Nền nhà-Hồ nước-Kho tiền ông Nhạc.
Sau khi khảo sát tại cụm di tích trên, đoàn công tác đã vượt trên 40 km từ trung tâm huyện đến làng Mèo Lớn (xã Đak Pling) thăm thác Chín Tầng. Khu vực thác Chín Tầng nằm trải dài trên 2 dòng suối, một dòng từ đỉnh thác cung cấp nước cho thác và một dòng dưới khu vực thác chảy về địa phận xã Đak Song theo hướng Tây. Khu vực này có địa hình đồi đá trải dài tự nhiên. Hiện nay, khu vực nguồn nước trên đỉnh thác được chia làm 2 dòng: một dòng nhỏ cung cấp cho thác, một dòng cung cấp nước sinh hoạt cho người dân khu vực xã Đak Pling khiến dòng nước cung cấp cho thác yếu. Trong những năm qua, thác Chín Tầng chủ yếu chỉ phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân trong huyện và các vùng lân cận.
Theo Chủ tịch UBND huyện Kông Chro, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục xây dựng phương án để kêu gọi đầu tư, từng bước khai thác các hình thức du lịch sinh thái, tham quan dã ngoại, tìm hiểu về phong cảnh thiên nhiên, con người… Để làm được điều này, huyện lên kế hoạch bảo vệ nguồn nước, rừng tự nhiên của khu vực thác; có bổ sung tôn tạo các điểm dịch vụ để phục vụ cho việc tham quan như: đường đi bộ, khu vực để xe, cầu treo, hành lang bảo vệ đường đi bộ, các điểm dừng chân và dần từng bước phát triển các điểm dịch vụ đi kèm… Ngoài ra, kết hợp du lịch sinh thái thác Chín Tầng với du lịch cộng đồng tại làng Tờ Nùng 1 (xã Ya Ma) và khu di tích Tây Sơn Thượng đạo.
Tăng cường đầu tư, quảng bá

Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang: “Nhằm phát huy giá trị lịch sử-văn hóa cụm di tích Nền nhà-Hồ nước-Kho tiền ông Nhạc (thuộc quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo) và thác Chín Tầng tại huyện Kông Chro, tôi đề nghị huyện tăng cường quảng bá các địa điểm này thông qua nhiều hình thức; đồng thời, tạo liên kết cụm di tích Nền nhà-Hồ nước-Kho tiền ông Nhạc và thác Chín Tầng thành chuỗi, tour du lịch trên địa bàn huyện. Hiệp hội Du lịch tỉnh cũng cần nhanh chóng nghiên cứu để kết nối các tour du lịch, đưa du khách về tham quan cụm di tích và thác Chín Tầng”.

Trong chuyến khảo sát tại khu di tích Nền nhà-Hồ nước và Kho tiền ông Nhạc, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang bày tỏ sự quan tâm đến từng chi tiết nhỏ trong cụm di tích này. Sau khi tham quan từng hạng mục công trình trong khu di tích, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu huyện nên trồng thêm cây xanh, tạo cảnh quan, bóng mát cho khu di tích. “Đặc biệt, huyện nên nghiên cứu phục dựng lại Nền nhà-Hồ nước ông Nhạc theo cấu trúc xưa. Cụ thể, có thể thay thế những chỗ đã lát gạch Bát Tràng bằng đá ong, bởi vì thời ông Nhạc chỉ là nền đất, chưa có gạch Bát Tràng. Như vậy, khi khách du lịch tới tham quan sẽ cảm nhận được không gian xưa. Bên cạnh đó, huyện cũng nên nghiên cứu thay thế bờ kè Hồ nước ông Nhạc từ đá xanh sang đá ong và phục dựng rãnh nước bằng chất liệu đá ong, dựa theo những mẫu sẵn có (trong khu di tích hiện còn một số tảng đá ong lưu dấu tích rãnh nước); nghiên cứu thêm để xây, sửa cổng vào bằng những chất liệu đá sao cho phù hợp với bối cảnh chung…”-Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.
Đối với di tích Kho tiền ông Nhạc, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang cũng bày tỏ sự trăn trở với những tồn tại hiện nay. Trước mắt, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu huyện Kông Chro tổ chức dọn dẹp sạch, phát quang bụi rậm, khơi thông nước cho khô ráo, gìn giữ những cây xanh hiện có, đồng thời trồng mới thêm cây xanh lấy bóng mát. Ngoài ra, cần san ủi tạo lối đi thông thoáng và thuận tiện cho khách đến tham quan; trồng trụ bê tông làm hàng rào bảo vệ di tích… Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang nêu ý tưởng: “Huyện hãy tổ chức tìm kiếm những đồng tiền cổ thời ông Nhạc xung quanh khu vực này hoặc tìm mua lại của những người sưu tầm đồng tiền cổ thời ông Nhạc. Những đồng tiền đó sau này sẽ đưa ra trưng bày, làm bằng chứng chứng minh với du khách nơi đây chính là kho tiền của Nguyễn Nhạc năm xưa. Đặc biệt, có thể phục chế ra nhiều đồng tiền tương tự để làm quà lưu niệm bán cho khách du lịch”.
Ngoài ra, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang cũng yêu cầu huyện lập dự toán mở rộng và làm bê tông xi măng đoạn đường dài khoảng 4 km với điểm bắt đầu từ lối rẽ đường liên xã đi Yang Nam tới khu di tích Nền nhà, Hồ nước ông Nhạc. Còn đoạn đường khu di tích đến Kho tiền ông Nhạc huyện nên san ủi bằng phẳng, đổ cấp phối, tạo lối đi thuận lợi không chỉ cho người dân và cả những người muốn tham quan, tìm hiểu khu di tích.
Sau khi khảo sát tại thác Chín Tầng, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang cũng nhấn mạnh, để phát huy tiềm năng du lịch tại đây, huyện Kông Chro cần đầu tư đường ống dẫn dòng bổ sung để nguồn nước lớn và mạnh hơn; nghiên cứu ngăn một số đoạn suối để nước dâng lên tạo thành điểm vui chơi, tắm mát; đồng thời cải tạo đầu tư đường xuống thác. Bên cạnh đó, do thác cách xa nhà dân nên huyện cần tuyên truyền, vận động người dân làm một số ngôi nhà xung quanh thác nhằm phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi, lưu trú...
 MINH DUNG

Có thể bạn quan tâm

Hội chợ hoa Xuân Ất Tỵ 2025 sẽ được tổ chức ở khu vực Công viên Kpă Klơng (thị trấn Chư Sê). Ảnh: M.K

Sẵn sàng Hội chợ hoa Xuân Ất Tỵ 2025

(GLO)- Hội chợ hoa xuân không chỉ tạo điều kiện cho các nhà vườn tiêu thụ sản phẩm mà còn là điểm đến hấp dẫn của người dân, du khách mỗi khi Tết đến xuân về. Chính vì vậy, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã tập trung triển khai các phương án nhằm tổ chức Hội chợ hoa Xuân Ất Tỵ 2025 an toàn, vui tươi.

Khởi sắc Ia Mơ Nông

Khởi sắc Ia Mơ Nông

(GLO)- Tuy xuất phát điểm thấp, tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm đa số nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng sự chung sức của người dân, diện mạo xã Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh) đang từng ngày khởi sắc.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Trần Minh Sơn (bìa phải) tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ Trại giam Gia Trung. Ảnh: Hoàng Hoài

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Trại giam Gia Trung và các gia đình có công tiêu biểu ở huyện Mang Yang

(GLO)- Sáng 10-1, đoàn công tác do Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai Trần Minh Sơn làm trưởng đoàn đã đến thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Trại giam Gia Trung và các gia đình có công tiêu biểu ở huyện Mang Yang.

UBND tỉnh ban hành 7 thủ tục mới thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND các huyện, thị xã, thành phố trong lĩnh vực quản lý nhà nước về quỹ

Gia Lai công bố 14 thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực quản lý nhà nước về quỹ

(GLO)- UBND tỉnh Gia Lai vừa ban hành Quyết định số 29/QĐ-UBND công bố danh mục gồm 7 thủ tục hành chính mới, 9 thủ tục bị bãi bỏ thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Nội vụ; 7 thủ tục mới, 9 thủ tục bị bãi bỏ thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp huyện trong lĩnh vực quản lý nhà nước về quỹ.