Lên non tìm… học trò

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Giữa màn đêm u tịch của khu rừng dưới đỉnh Chư Krei, chiếc xe máy cũ kỹ của những thầy cô vẫn băng rừng, vượt suối để tìm đến những ngôi làng dựa lưng vào núi tìm học trò.

Mỗi tuần, 5 thầy-cô giáo chủ nhiệm các lớp cấp II của Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Nguyễn Khuyến (xã Chư Krei, huyện Kông Chro) vẫn phải vài ba lượt đi như vậy để vận động học sinh đi học trong những ngày mùa cuối năm 2012.

Vượt suối dữ

 

Ảnh: Lê Văn Ngọc
 

17 giờ 15 phút, sau tiết học buổi chiều, cô Vũ Thị Phụ-giáo viên chủ nhiệm lớp 9 tất tưởi lấy xe lên đường đến hai ngôi làng xa nhất của xã là Hrách Côn và Hrách Gió. Nhà cô Phụ ở TP. Pleiku. 3 năm qua, hàng tuần cô đều phải vượt hàng trăm cây số để mang chữ đến với xã nghèo Chư Krei.

Đường sá xa xôi, ăn ở kham khổ tại ngôi trường nhỏ nhưng cô vẫn kiên trì bám lấy những cô cậu học trò Bahnar. “Cứ đến ngày mùa, học sinh các lớp cấp II lại nghỉ học ở nhà đi tuốt lúa để giải quyết cái đói. Sắp thi rồi, không thể để các em bị thiếu hụt kiến thức nên chúng tôi phải đến từng nhà vận động các em đến trường học tiếp”- cô Phụ chia sẻ.

 

Thầy Huỳnh Ngọc Nhơn- Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Nguyễn Khuyến (xã Chư Krei, huyện Kông Chro) cho biết: “Tình trạng học sinh nghỉ học diễn ra từ 3 đến 4 tuần kéo dài theo vụ thu hoạch. Vì các em làm theo hình thức đổi công nên nhiều em nghỉ đồng loạt để đi làm cho nhà của nhau.

Riêng cấp THCS có hơn 160 học sinh thì có khoảng hơn 50 em nghỉ học, đặc biệt là học sinh lớp 9, nhiều em là lao động chính trong gia đình nên nhiều khi chỉ đi học được 10/30 em. Nguyên nhân của tình trạng này do nhà các em nghèo nên muốn ở nhà phụ gia đình, đường đi học rất xa và khó khăn cũng ảnh hưởng tới việc học của các em. Để các em bắt kịp chương trình, các giáo viên trong nhà trường sẽ liên tục xuống làng, đến từng nhà để vận động các em đi học, thậm chí là chở các em đến trường. Dù rất khó khăn và vất vả, nhưng chúng tôi sẽ cố hết sức để các em có thể kịp kỳ thi học kỳ sắp tới”.

Đi sau cô là thầy Trương Tấn Sỹ-giáo viên chủ nhiệm lớp 7A. Thầy Sỹ vốn là giáo viên dạy nhạc ở Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú huyện, nhưng vì yêu những làn điệu dân ca của người Bahnar, cũng như muốn thấu hiểu cuộc sống lam lũ của đồng bào, thầy xin về Chư Krei. Ba chiếc xe (cả chúng tôi) lầm lũi lao đi trên con đường dốc đứng gồ ghề khi mặt trời đã dần khuất sau lưng núi.

Ba chiếc đèn xe le lói, lọt thỏm giữa màn đêm lạnh cô quạnh vượt hết con dốc này đến con dốc khác, rồi gặp một dòng suối lớn rộng chừng 6 mét, lòng suối nhiều khúc sâu hơn 50 cm, đá tảng lởm chởm. Bên bờ suối là một cái dốc đứng khá cao mà không phải chiếc xe nào cũng có thể vượt qua được. Cô Phụ chẳng suy nghĩ lấy một giây, cô lao chiếc xe máy xuống dòng suối rồi lùi số, vặn tay ga một cách thiện nghệ qua đoạn nước sâu. Hai bánh xe len lỏi vào đúng lối mòn để tránh như hòn đá tảng rồi từ từ leo lên con dốc đứng kia.

Thầy Sỹ đi theo sau. Cũng là những động tác thuần thục như công việc hàng ngày. Nhưng thầy đi một chiếc xe máy Trung Quốc đã rệu rã lắm. Chiếc xe qua đến gần bờ bên kia thì đụng phải hòn đá tảng khá cao. Gầm xe thấp, hòn đá tảng va đập vào phần máy của xe, chiếc xe khựng lại rồi ngã ra. Thầy Sỹ lanh lẹ nhảy xuống, nhưng chiếc ba lô và cặp sách buộc bằng dây cao su của thầy ở yên xe đã rơi xuống lòng suối. Quần áo ướt, ba lô, cặp sách đều sũng nước.

Chật vật dùng sức, sau một hồi chiếc xe cũng “vượt cạn”. “Không sao đâu em, đây là chuyện bình thường thôi, phải chấp nhận, thầy cô chịu khó một tí nhưng quan trọng là các em nghe lời chịu khó đi học là được”-thầy hổn hển nói với tôi. “Bây giờ đã khó đi vậy, nhưng khi trời mưa mới vất vả hơn nữa. Nhiều lần đi mắc kẹt không biết làm sao, phải chờ người làng đi qua để đẩy giúp. Trước kia thấy sợ, giờ đi mãi thành quen”-cô Phụ tiếp lời.

 

Chiếc xe vượt thêm một con suối nữa trước khi đến ngôi làng xa nhất. Ngôi làng cách trung tâm xã hơn 12 km đường rừng núi: Làng Hrách Côn.

Vỗ về học trò

 

Cứ vào ngày mùa có rất đông học sinh nghỉ học để đi làm rẫy. Ảnh: L.V.N
Cứ vào ngày mùa có rất đông học sinh nghỉ học để đi làm rẫy. Ảnh: L.V.N

Chúng tôi đến làng khi người dân đang đi làm rẫy về. Tiếng chày giã gạo, tiếng nước chảy róc rách, tiếng người í ới nói cười trên đường về… Theo cô Phụ, các giáo viên đều phải đi vận động vào buổi tối, khi cả làng đã đi làm về. Dưới ánh sáng hắt qua khe cửa của nhà sàn, cô Phụ và thầy Sỹ bắt đầu đi đến từng nhà học trò để thủ thỉ động viên đến các em và phụ huynh.

Ghé vào một căn nhà sàn ở góc làng, chỉ có ánh sáng của bếp lửa đang bập bùng, thầy Sỹ tìm ra Đinh Văn Gối, cậu học trò bé nhỏ của mình vừa đi tuốt lúa về. Thầy Sỹ tâm sự: “Gối học khá nhất lớp, lớp trưởng đấy, nhưng mà nhà em nghèo quá, đến ngày mùa hết cái ăn, em phải đi phụ tuốt lúa với gia đình. Với lại nhà các em ở xa quá, hơn 12 km đường rừng núi thế này mà không có xe để đi, chỉ đi bộ, nhiều lần chúng tôi đi vận động rồi chở các em đi lên trường luôn để hôm sau lên lớp”.

Rồi thầy quay qua vỗ về cậu học trò của mình: “Gối à, sắp thi rồi đấy, em gắng lên lớp mà học nhé, thầy và các bạn nhớ em lắm, em gắng học giỏi sau này về làm giàu cho gia đình và buôn làng nhé. Giờ tắm rửa rồi mang cặp sách ra xe với thầy, thầy trò mình lên trường luôn”. Thầy nói tiếp với cha mẹ Gối: “Gối nó học được đấy, mình nên cho nó đi học chứ nó còn nhỏ sao lại để ở nhà làm rẫy”. Rồi ai nấy gật gù, đồng ý.

Cô Phụ cũng đi đến tận nhà của 10 em lớp 9 ở làng Hrách Côn, rồi đi đến làng Hrách Gió, làng Châu… để “rỉ tai” từng em, từng phụ huynh với mong ước các em sẽ hiểu mà đến trường. Và mỗi lần như vậy, các thầy-cô giáo thường phải đứng với tư cách của một người thân trong gia đình, một người mẹ thực sự chứ không đơn thuần nhiệm vụ của một người dạy cái chữ. “Mai đi học Lan nhé, em bị sốt à, đã lên trạm y tế lấy thuốc chưa, để cô lấy thuốc cho em uống nhanh khỏi để đi học lại nhé”…-cô Phụ nói với một học trò ở làng Châu.

Vận động làm sao để học sinh chịu đến trường, phụ huynh cho con đi học đã là một chuyện rất khó, nhưng để gặp được các em ở làng cũng là một chuyện còn khó hơn. Học trò thấy thầy cô đến thì bỏ chạy, hoặc nấp ở đâu đó trốn đến khi nào thầy cô rời khỏi làng. Cũng nhiều khi, các em ngủ lại trên rẫy mà không về nhà, các giáo viên còn phải tìm lên tận rẫy xa xôi để gặp được học trò vận động dù chưa biết hiệu quả sẽ ra sao. Nhưng với những thầy cô nơi đây, họ vẫn tin “mưa dầm thấm lâu”, rằng những lời chân thành của mình dần dà sẽ thay đổi được nhận thức về cái chữ trong bụng người Bahnar nơi đây.

Sáng hôm sau quay lại trường, chúng tôi bắt gặp những nụ cười rạng rỡ của cô Phụ, thầy Sỹ. Họ chia sẻ trong niềm vui: “Có hơn 10 em hôm qua vận động hôm nay đi học rồi nhà báo ơi!”… Giá như nụ cười ấy, tấm lòng ấy cũng được người dân vùng Chư Krei thấu hiểu để con em mình cố gắng đến trường học chữ thì chúng tôi tin rằng, niềm vui ấy sẽ được nhân lên biết nhường nào…

Lê Văn Ngọc

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.