Viện KSND tỉnh An Giang vừa hoàn tất cáo trạng gửi TAND tỉnh An Giang, truy tố các bị can: Nguyễn Bá Quận (61 tuổi, cựu Trưởng phòng CSGT đường bộ Công an tỉnh An Giang); Nguyễn Hữu Ân (48 tuổi, cựu Phó đội trưởng Đội đăng ký, quản lý phương tiện cơ giới đường bộ), Bùi Quốc Khánh (33 tuổi, cựu Đội trưởng đăng ký, quản lý phương tiện cơ giới đường bộ), Võ Chí Linh (41 tuổi) và Nguyễn Hoàng Em (38 tuổi, cựu cán bộ Phòng CSGT đường bộ Công an tỉnh An Giang) về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Các bị can này đã can thiệp vào hệ thống phần mềm cấp biển số (BS) xe ngẫu nhiên để cấp hơn 5.000 BS xe vì lợi ích cá nhân.
Ông Nguyễn Bá Quận, cựu Trưởng phòng CSGT đường bộ Công an tỉnh An Giang, thời điểm bị khởi tố và thực hiện lệnh khám xét nơi ở vào tháng 4.2022. CÔNG AN CUNG CẤP |
Theo kết quả điều tra, năm 2012, Bộ Công an phê duyệt và triển khai việc cấp BS xe bằng hình thức bấm số ngẫu nhiên trên phần mềm và có trang bị màn hình điện tử hiển thị kết quả để tạo sự công bằng, minh bạch. Qua đó, Cục CSGT đã cấp 15 mật khẩu, tài khoản cho Phòng CSGT đường bộ Công an tỉnh An Giang để cập nhật, thao tác trên phần mềm trong quá trình đăng ký xe. Ông Nguyễn Bá Quận là Trưởng phòng nên được cấp mật khẩu, tài khoản quyền lãnh đạo cùng với 3 người khác. Riêng nhóm của Ân, Khánh, Hoàng Em, Linh được cấp mật khẩu, tài khoản quyền cán bộ.
Từ tháng 8.2012 - 6.2021, ông Quận đã chỉ đạo và giao tài khoản kèm mật khẩu của mình cho Ân, Khánh để thao tác cấp BS theo ý muốn. Nhờ Hoàng Em và Linh giúp sức nên Ân, Khánh dùng tài khoản quyền lãnh đạo của ông Quận kèm tài khoản quyền cán bộ của cá nhân để can thiệp vào phần mềm đăng ký ô tô nhằm chọn, cấp BS theo ý muốn của bản thân, người thân quen và theo ý của chủ xe.
"Cò mồi" chung chi mỗi BIỂN SỐ từ 1 - 50 triệu đồng
Do có nhu cầu lấy BS theo ý muốn, nhiều chủ phương tiện đã gặp "cò" làm BS và các nhân viên tư vấn bán xe để chi tiền từ 1 - 50 triệu đồng. Từ đó, các "cò" này giới thiệu, nhận tiền của chủ xe để đưa cho "cò xe" T.H hoặc Ân, Khánh để được cấp BS đẹp.
Để thực hiện hành vi, nhóm của ông Quận đã can thiệp vào phần mềm đăng ký ô tô hoán đổi BS, hoán đổi xe. Khi chủ xe bấm số ngẫu nhiên mà bấm ra BS nằm trong danh sách BS đẹp cần giữ lại, thì nhóm này nói là do mạng bị lỗi, rồi yêu cầu chủ xe bấm lại, để sửa thông tin bằng cách thêm bớt 1 - 2 ký tự ở số khung hoặc số máy trên phần mềm để không cho trùng khớp phương tiện đăng ký và cho bấm lại. Khi nào chủ xe bấm ra BS không nằm trong danh sách BS đẹp thì được cấp BS.
Công an tỉnh Đồng Tháp chưa kết luận điều tra vụ cấp 4 BIỂN SỐ đẹp
Chiều 27.8, thượng tá Trần Trung Quốc, Trưởng phòng Tham mưu Công an tỉnh Đồng Tháp, cho biết Công an tỉnh Đồng Tháp vẫn đang tiến hành điều tra vụ việc cấp BS đẹp tại H.Cao Lãnh (66F1-999.96, 66F1-999.79; 66F1-999.98 và 66F1-999.99) được dư luận quan tâm, vẫn chưa có kết luận điều tra. Giám đốc Công an tỉnh đã yêu cầu chuyển hồ sơ sang Cơ quan CSĐT thụ lý theo diện tin báo tố giác tội phạm để làm rõ thêm.
Đối với các BS đã bấm nằm trong danh sách BS đẹp cần giữ lại, nhóm của ông Quận sẽ can thiệp vào phần mềm để chỉnh sửa rồi lưu lại trên hệ thống đăng ký xe ở trạng thái chưa hoàn thành, nhằm để cấp theo ý muốn của chủ phương tiện. Ngoài ra, nhóm này lợi dụng chức năng dữ liệu cũ để cấp trực tiếp BS bằng cách dùng tài khoản quyền cán bộ để can thiệp phần mềm cho phù hợp với thời điểm đăng ký phương tiện, để cấp BS cho cá nhân, doanh nghiệp hay cơ quan nhà nước.
Bằng cách gian lận nêu trên, nhóm của ông Quận đã can thiệp và cấp sai quy định 5.056 BS ô tô cho người có nhu cầu. Trong đó, có 4.175 BS cấp bằng cách hoán đổi, 881 BS được cấp bằng cách nhập dữ liệu cũ để lấy BS trực tiếp.
Ý kiến bạn đọc
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu