Lập trang web giả mạo ngân hàng, chiếm đoạt tiền của hàng loạt bị hại

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Lê Minh Hoàng lập trang web gần giống trang của một ngân hàng, rồi cùng đồng bọn lừa đảo, chiếm đoạt 200 triệu đồng của người phụ nữ ở Hà Nội chuyển khoản nhầm.

Trương Huy Cường - một trong 3 bị can chiếm đoạt 200 triệu đồng của chị T. Ảnh: L.Nhi
Trương Huy Cường - một trong 3 bị can chiếm đoạt 200 triệu đồng của chị T. Ảnh: L.Nhi


Như Lao Động đưa tin, ngày 8.5, Công an quận Đống Đa (Hà Nội) đã khởi tố, tạm giam 3 bị can Lê Minh Hoàng (23 tuổi), Trương Huy Cường (28 tuổi) và Lưu Quốc Toàn (34 tuổi) cùng ở tỉnh Quảng Nam để điều tra về tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”.

Theo cảnh sát, Hoàng lên mạng Internet mua tên miền và lập trang web http://bom.to.TCBank trasoat. Sau đó, Hoàng lập trình thành trang web có giao diện giống giao diện của ngân hàng T.

Trên trang web này có ô để người bị hại điền tên đăng nhập và mật khẩu. Hoàng cũng lập một gmail được đăng nhập đồng thời 3 điện thoại của Lê Minh Hoàng, Trương Huy Cường và Lưu Quốc Toàn để cả ba quản lý.

Ngày 8.3, Cường sử dụng Facebook tìm kiếm từ khóa “ck nhầm” thì thấy bài viết của chị T (ở Hà Nội) đăng về bị chuyển khoản nhầm. Cường tìm và xác định số điện thoại của chị T.

Đến sáng 9.3, Cường đã gọi cho chị T, giả danh là cán bộ của ngân hàng T, trao đổi về việc chuyển nhầm tiền và đề nghị chị T cho Cường làm thủ tục tra soát giao dịch.

Cường gửi tin nhắn có chứa đường link http://bom.to.TCBanktrasoat, yêu cầu chị T đăng nhập và cung cấp mật khẩu.

Khi “con mồi sập bẫy”, Cường nhanh chóng đăng nhập Internetbanking của chị T thấy có 700 triệu đồng, hạn mức giao dịch 200 triệu đồng nên đã đặt lệnh chuyển 200 triệu đồng của nạn nhân.

Sau đó, đối tượng tiếp tục liên lạc yêu cầu chị T đọc mã OTP gửi về điện thoại. Lúc này, chị T không rõ nên đã đọc mã OTP cho đối tượng.

Ngay lập tức, 200 triệu đồng trong tài khoản chị T “không cánh mà bay”. Phát hiện sự việc, chị T đã lập tức khóa tài khoản và báo cảnh sát.

Trong khi đó, chiếm đoạt được 200 triệu đồng, Cường thông báo với Toàn để “rửa tiền”. Các đối tượng sử dụng tiền thật, tiền "ảo" trong game.

Sau đó, chúng đổi từ tiền "ảo" trong game ra tiền thật với phí giao dịch là 20%, tài khoản của Toàn nhận về số tiền khoảng 160 triệu đồng, chia cho các đối tượng tiêu xài cá nhân.

Theo chỉ huy Công an quận Đống Đa, với thủ đoạn sử dụng dịch vụ rút gọn link tự tạo giả danh tên miền (Braname) của các ngân hàng, sau đó gửi đường link cho các bị hại để truy cập, các đối tượng đã thực hiện trót lọt nhiều vụ chiếm đoạt tài sản trên toàn quốc.

Các đối tượng đã đóng giả nhân viên ngân hàng để hỗ trợ khắc phục sự cố trong việc chuyển nhầm tiền và bảo mật tài khoản. Khi bị hại tin là thật, đối tượng sẽ gửi đường link yêu cầu truy cập đăng nhập.

Trên các web giả mạo đã cài sẵn các mã để thu thập thông tin của dữ liệu do bị hại cung cấp.

Sau đó, các đối tượng sử dụng tên, mật khẩu và OTP để chiếm đoạt tiền trong tài khoản. Để tránh bị lộ tẩy dấu vết, chúng chuyển tiền vào tài khoản ví điện tử sử dụng sim rác. Từ các ví điện tử này sẽ chuyển tiền nạp vào game bài có máy chủ đặt tại nước ngoài.

Lực lượng chức năng đã phải truy vết hàng trăm số điện thoại và các giao dịch ngân hàng, đi nhiều tỉnh thành trên cả nước truy vết tội phạm trong thời gian gần một tháng thì phát hiện nhóm tội phạm trên.

Khi bắt giữ nhóm đối tượng, cảnh sát đã thu giữ nhiều tang vật liên quan như điện thoại di động, hàng trăm sim thẻ điện thoại các loại…

https://laodong.vn/phap-luat/lap-trang-web-gia-mao-ngan-hang-chiem-doat-tien-cua-hang-loat-bi-hai-907040.ldo
 

Theo Việt Dũng (LĐO)

Có thể bạn quan tâm