Lao động tự do đối mặt nhiều rủi ro

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Toàn tỉnh có trên 800 ngàn người trong độ tuổi lao động, trong đó, lao động tự do (LĐTD) chiếm trên 69%. Do không có hợp đồng lao động, không đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) nên người LĐTD không được hưởng các chính sách an sinh xã hội của Nhà nước. Vì vậy, họ luôn đối mặt với nhiều khó khăn khi gặp phải tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. 
Nhiều rủi ro
Hơn 20 năm làm nghề thợ xây nhưng anh Nguyễn Văn Đương (xã Ia Din, huyện Đức Cơ) chưa từng được ký kết hợp đồng lao động. Bởi thế, anh Đương không được chủ thầu đóng BHXH, BHYT và bảo hiểm thất nghiệp. Đầu năm 2021, anh Đương bị gãy tay do ngã giàn giáo. Khi sự cố xảy ra, anh Đương chỉ được chủ thầu hỗ trợ một ít chi phí điều trị. “Thời điểm tôi bị tai nạn, vì không có BHYT nên gánh nặng chi phí chữa bệnh gia đình tự lo hết, phải chạy vạy vất vả. Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo nên càng thêm khó khăn hơn”-anh Đương chia sẻ. 
Lao động làm việc ở các mỏ đá xây dựng nguy cơ cao về tai nạn lao động. Ảnh. Hà Tây
Lao động làm việc ở các mỏ đá xây dựng sẽ đối mặt với nguy cơ bị tai nạn lao động. Ảnh: Hà Tây
Còn vợ chồng anh Đặng Văn Mức (xã Bar Măih, huyện Chư Sê) làm nghề bốc vác cho một doanh nghiệp thu mua giấy, vật liệu xây dựng, phân bón. Ngoài tiền công thì vợ chồng anh không có thêm quyền lợi gì. Anh Mức cho biết: 2 năm trước, trong lúc làm việc do bất cẩn nên một kiện hàng đè vào chân gây chấn thương đến giờ vẫn còn đi khập khiễng. “Trước khi bị chấn thương, gia đình có mua BHYT tự nguyện nên cũng đỡ được phần nào thuốc men sau mỗi lần tái khám. Bị tai nạn, tôi càng thấm thía sự vất vả và thiệt thòi của người LĐTD như chúng tôi”-anh Mức bày tỏ.
Tương tự, hơn 10 năm qua, anh Nguyễn Văn Tiến (tổ 10, phường Ia Kring, TP. Pleiku) làm việc cho một mỏ đá ở xã Ia Dêr (huyện Ia Grai) nhưng không được chủ sử dụng lao động đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định. Một ngày cuối năm 2020, khi đang khoan đá thì không may anh bị đá bay vào mắt trái dẫn đến mù lòa. “Tôi phải nghỉ việc nhưng chủ sử dụng lao động chỉ thanh toán tiền công, ngoài ra không hỗ trợ gì thêm. Giờ ở nhà chưa tìm được việc làm phù hợp, cuộc sống khó khăn mới thấy LĐTD như tôi thiệt thòi trăm bề”-anh Tiến chua chát nói.  
Thiệt thòi vì thiếu kiến thức và thông tin
Toàn tỉnh có khoảng 38.097 lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; 16.800 người tham gia BHXH tự nguyện; hơn 1,2 triệu người tham gia BHYT toàn dân (đạt tỷ lệ bao phủ 86%).
Ông Nguyễn Hữu Tùng-Phó Trưởng phòng Lao động-Việc làm (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội) cho hay: Phần lớn LĐTD phải làm việc với cường độ cao, trong môi trường độc hại, nhưng thiếu các phương tiện bảo hộ lao động. Mặt khác, họ không được ký kết hợp đồng lao động, không được đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp. Vì thế, họ không được hưởng các quyền lợi về an sinh xã hội như: chế độ thai sản, khám sức khỏe định kỳ, đào tạo nâng cao tay nghề, huấn luyện an toàn lao động… Lao động tự do còn phải đối mặt với nhiều khó khăn khác như: mất sức lao động sớm, dễ bị mất việc, khi chẳng may xảy ra tai nạn lao động thì phải tự lo liệu.
Cán bộ Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội TP. Pleiku phối hợp với Khu Kinh tế tỉnh kiểm tra chủ sử dụng lao động thực hiện các quyền lợi, chế độ cho người lao động. Ảnh: Hà Tây
Cán bộ Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội TP. Pleiku phối hợp với Khu Kinh tế tỉnh kiểm tra chủ sử dụng lao động thực hiện các quyền lợi, chế độ cho người lao động. Ảnh: Hà Tây
Ông Tăng Ngọc Trai-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Đức Cơ-cho biết: Toàn huyện có khoảng 32.800 người trong độ tuổi lao động, trong đó có trên 25.000 LĐTD. Họ chủ yếu làm thuê cho chủ thầu xây dựng, bốc vác cho các đơn vị trung chuyển hàng hóa ở Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh... Do phần lớn LĐTD làm việc không có giao kết hợp đồng lao động nên khi sự cố tai nạn lao động xảy ra, cơ quan chức năng không nắm được vì chủ sử dụng lao động cũng như người lao động thường không khai báo. Điều này đã gây khó khăn cho cơ quan có thẩm quyền khi đứng ra bảo vệ quyền lợi chính đáng cho họ. “Những năm gần đây, Nhà nước đã thực hiện không ít chính sách hướng về nhóm LĐTD. Chẳng hạn, BHXH tự nguyện và BHYT toàn dân đã tạo điều kiện cho LĐTD được chăm sóc sức khỏe, hưởng chế độ hưu trí, tử tuất… Vì thế, chúng tôi đẩy mạnh tuyên truyền để LĐTD tiếp cận với các chế độ như: tham gia BHXH tự nguyện, hưởng bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện do Nhà nước hỗ trợ về mức đóng theo quy định”-ông Trai chia sẻ.
Trao đổi với P.V, bà Rcom Sa Duyên-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội-thông tin: “Thời gian tới, Sở chỉ đạo phòng chuyên môn phối hợp với các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền đến LĐTD nắm bắt và thực hiện để được hưởng thụ các chính sách an sinh xã hội hiện có. Bên cạnh đó, Sở tăng cường công tác thanh-kiểm tra chủ sử dụng LĐTD nhằm phát hiện các sai phạm và kịp thời chấn chỉnh, xử lý trong lĩnh vực này”.
HÀ TÂY

Có thể bạn quan tâm

Năm 2025 là cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát

Năm 2025 là cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát

(GLO)- Đó là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp trực tuyến toàn quốc lần thứ hai của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước vào chiều 12-1 để đánh giá tình hình, kết quả thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.