Làng "đại gia" ở vùng biên giới Đức Cơ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- “Nông dân mà ở nhà lầu, đi xe hơi hạng sang, thu nhập tiền tỷ mỗi năm thì ai không thích, không mê. Ở làng Poong hiện có nhiều hộ giàu như thế”-ông Huỳnh Công Thành-Bí thư Đảng ủy xã Ia Dơk (huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) vui vẻ nói.
Càng giàu càng ham làm
Đúng như lời Bí thư Đảng ủy xã Ia Dơk, làng Poong trù phú hơn hẳn so với làng khác trong xã. Hai bên đường nhựa dẫn vào làng là những ngôi nhà tầng được xây khang trang xen giữa những vườn cây ăn quả xanh tốt. Làng có khoảng 50% số hộ có giá trị tài sản 1 tỷ đồng, khoảng 40% số hộ có từ 10 ha cây trồng các loại trở lên, trong đó có nhiều hộ sở hữu trên dưới 20 ha cây trồng lâu năm, khoảng 35% số hộ có nhà cửa kiên cố...
Trưởng thôn Ksor Choi tự hào nói: “Làng mình có 245 hộ nhưng chỉ còn 25 hộ nghèo và cận nghèo. Thấy dân làng giàu có, bà con trong vùng thường nói làng Poong là làng... đại gia. Càng giàu, bà con càng hăng hái làm việc để giàu hơn, không nghe lời kẻ xấu bỏ bê ruộng rẫy, không vượt biên”. 
Đến thăm gia đình ông Kpui Ơi, chúng tôi thấy ngôi nhà kiên cố 2 tầng cao to, xung quanh là không gian sân vườn rộng rãi, nhiều cây cảnh giá trị và vật dụng đắt tiền như: xe máy đời mới, ti vi thông minh màn hình rộng, tủ lạnh... “Nhà này rộng hơn 250 m2, mình xây gần 1 tỷ đồng từ năm 2011. Có tiền thu hoạch từ 5 ha cà phê, 3 ha cao su, 9 ha điều, hơn 1 ha ao cá, 5 sào lúa nước 2 vụ, chăn nuôi 15 con trâu bò... nên mình thừa sức xây nhà, mua sắm phương tiện phục vụ sản xuất, đồ đạc cho con cháu”-ông Kpui Ơi vui vẻ nói.
Vợ chồng tỷ phú Rơ Mah Mrao (làng Poong, xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ). Ảnh: Hoàng Cư
Vợ chồng tỷ phú Rơ Mah Mrao (làng Poong, xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ). Ảnh: Hoàng Cư
Cách đó khoảng 1 km là nhà của ông Rơ Mah Mrao bề thế hơn cả nhà của ông Kpui Ơi. Ông Rơ Mah Mrao còn sắm 1 xe ô tô 5 chỗ ngồi, 1 xe du lịch 12 chỗ ngồi, xe tải, xe công nông từ năm 2013. Khi đó, giá mủ cao su khá cao, gia đình ông thu nhập trên 10 triệu đồng từ bán mủ mỗi ngày của 20 ha cao su tiểu điền. Ngoài ra, gia đình ông còn có 3 ha cà phê, hơn 2 sào hồ tiêu, 6 sào lúa nước 2 vụ, hơn 20 con bò... Có ngày cao điểm trúng giá, ông xuất bán các loại nông sản thu tới 500 triệu đồng.
Bà Rơ Lan H’Len (vợ ông Mrao) bộc bạch: “Bây giờ, gia đình cũng thu hơn tỷ đồng mỗi năm. Thu nhập ít hơn trước đây nhưng gia đình vẫn thích làm nông, vẫn yêu cái làng này”.   
Nghĩa tình làng Poong
Xưa nay, người Jrai ở làng Poong nổi tiếng nghĩa tình và vì cộng đồng. “Cũng có người ở các làng: Ghè, Dơk Lăh, Dơk Ngo… lén lút vào làng tuyên truyền những điều xấu, nhưng bà con chỉ tin tưởng vào Đảng, Nhà nước. Những nhà giàu có thì chia sẻ cho nhà còn khó khăn hơn. Nhờ truyền thống tương thân tương ái mà bà con thêm đoàn kết, giúp đỡ nhau làm ăn, xây dựng làng ngày một giàu mạnh, văn minh”-ông Kpui Ươnh-Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Ia Dơk-chia sẻ.
Nhiều người cao tuổi ở làng Poong vẫn còn nhớ như in ngày khó khăn trước đổi mới. “Thời đó, dân làng Poong đói khổ, bệnh dịch liên miên. Đến đầu năm 1996, dân làng mới nghe và làm theo già làng Rơ Mah Klum (sau này, ông Klum được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới) tích cực khai hoang, khơi nguồn nước, đổi công cho nhau gieo sạ lúa nước 2 vụ, trồng cao su, cà phê, hồ tiêu... Từ đó, gia đình mình cũng như bà con trong làng mới có nhiều đất, nhiều việc làm xóa được đói, giảm được nghèo, vươn lên làm giàu”-bà Rơ Mah H’Din hồi nhớ.
Đời sống phát triển, tình làng nghĩa xóm càng sâu đậm. Gia đình các ông: Rơ Mah Mrao, Rơ Mah Kỳ, Rơ Mah Lớ, Ksor An... mua sắm xe chở hành khách, ô tô riêng không chỉ sử dụng trong gia đình mà còn sẵn lòng chở miễn phí bà con mỗi khi có dịp cưới hỏi, học hành, tham quan học tập mô hình kinh tế để về áp dụng tại địa phương.
Bà Rơ Lan H’Len giải thích: “Nay nhà mình sắm được ô tô, có việc giúp bà con là thêm niềm vui. Được việc, bà con không quên mình, vui vẻ giúp công thu hoạch, bảo vệ nương rẫy”. Còn ông Kpui Ơi thì cho biết: “Lúc đói cũng như lúc no, dân làng Poong đều đoàn kết, sẵn lòng giúp đỡ, chia sẻ những buồn vui trong cuộc sống. Nhà có thì san sẻ cho nhà thiếu thốn, chật vật hơn. Nhà mình sẵn sàng giúp đỡ nhà khó trong làng lúa gạo, cá mắm. Người tốt-việc tốt ở làng này kể không hết”.
HOÀNG CƯ

Có thể bạn quan tâm

Hội chợ hoa Xuân Ất Tỵ 2025 sẽ được tổ chức ở khu vực Công viên Kpă Klơng (thị trấn Chư Sê). Ảnh: M.K

Sẵn sàng Hội chợ hoa Xuân Ất Tỵ 2025

(GLO)- Hội chợ hoa xuân không chỉ tạo điều kiện cho các nhà vườn tiêu thụ sản phẩm mà còn là điểm đến hấp dẫn của người dân, du khách mỗi khi Tết đến xuân về. Chính vì vậy, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã tập trung triển khai các phương án nhằm tổ chức Hội chợ hoa Xuân Ất Tỵ 2025 an toàn, vui tươi.

Khởi sắc Ia Mơ Nông

Khởi sắc Ia Mơ Nông

(GLO)- Tuy xuất phát điểm thấp, tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm đa số nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng sự chung sức của người dân, diện mạo xã Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh) đang từng ngày khởi sắc.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Trần Minh Sơn (bìa phải) tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ Trại giam Gia Trung. Ảnh: Hoàng Hoài

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Trại giam Gia Trung và các gia đình có công tiêu biểu ở huyện Mang Yang

(GLO)- Sáng 10-1, đoàn công tác do Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai Trần Minh Sơn làm trưởng đoàn đã đến thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Trại giam Gia Trung và các gia đình có công tiêu biểu ở huyện Mang Yang.

UBND tỉnh ban hành 7 thủ tục mới thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND các huyện, thị xã, thành phố trong lĩnh vực quản lý nhà nước về quỹ

Gia Lai công bố 14 thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực quản lý nhà nước về quỹ

(GLO)- UBND tỉnh Gia Lai vừa ban hành Quyết định số 29/QĐ-UBND công bố danh mục gồm 7 thủ tục hành chính mới, 9 thủ tục bị bãi bỏ thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Nội vụ; 7 thủ tục mới, 9 thủ tục bị bãi bỏ thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp huyện trong lĩnh vực quản lý nhà nước về quỹ.