Làm giàu từ nuôi bò lai Sind

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau 15 năm nuôi bò lai Sind, gia đình ông Trần Ngọc Anh (làng Grang, xã Ia Phìn, huyện Chư Prông, Gia Lai) không những thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu với thu nhập hàng năm gần 300 triệu đồng.
Năm 2004, nhận thấy nuôi bò lai Sind có giá trị kinh tế cao, ông Trần Ngọc Anh đã mạnh dạn vay vốn đầu tư xây dựng chuồng trại và mua 5 con bò lai Sind (mỗi con trị giá 15 triệu đồng) về nuôi. “Trước đó, gia đình tôi chỉ nuôi giống bò địa phương nhưng hiệu quả không cao. Vì vậy, tôi đã tìm đến một số trang trại bò giống trong và ngoài tỉnh để tham quan, học hỏi kinh nghiệm nuôi bò lai Sind-giống bò khi ấy mang lại hiệu quả kinh tế cao ở một số địa phương khác”-ông Anh kể.
 Ông Trần Ngọc Anh (làng Grang, xã Ia Phìn) chăm sóc đàn bò lai Sind của gia đình. Ảnh: T.D
Ông Trần Ngọc Anh (làng Grang, xã Ia Phìn) chăm sóc đàn bò lai Sind của gia đình. Ảnh: T.D

Ông Hoàng Xuân Thanh-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Phìn: “Mô hình nuôi bò lai Sind của gia đình ông Trần Ngọc Anh đạt hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện khí hậu tại địa phương. Học tập cách làm của ông Anh, nhiều gia đình trên địa bàn xã đã mạnh dạn đầu tư nuôi giống bò này để phát triển kinh tế, góp phần vào việc xóa đói giảm nghèo tại địa phương”.

Theo ông Anh, bò lai Sind là kết quả tạp giao giữa bò Red Sindhi hoặc bò Sahiwal với bò vàng Việt Nam. Tỷ lệ máu của bò lai Sind thay đổi rất lớn giữa các cá thể, do đó mà ngoại hình và sức sản xuất cũng thay đổi tương ứng. Bò lai Sind lúc trưởng thành đạt trọng lượng 350-450 kg/con; có thể phối giống lần đầu lúc 18-24 tháng tuổi; khoảng cách giữa các kỳ sinh sản khoảng 15 tháng. Đặc biệt, giống bò này chịu đựng kham khổ tốt, khả năng chống bệnh tật cao, thích nghi tốt với khí hậu nóng ẩm…
Nhờ được chăm sóc đúng kỹ thuật nên đàn bò của gia đình ông luôn sinh trưởng và phát triển tốt, sinh sản được nhiều bê con. Bà Hồ Thị Thanh (vợ ông Anh) cho biết: “Vợ chồng tôi quyết định không đầu tư vào cà phê hay các cây trồng khác nữa mà chỉ tập trung trồng 2 sào cỏ, 5 sào lúa để phục vụ cho việc chăn nuôi đàn bò lai Sind. Từ 5 con bò giống, mấy năm sau, đàn bò đã được nhân lên gấp 3 rồi gấp 5, gấp 6 lần. Vợ chồng tôi rất phấn khởi vì mình đã đi đúng hướng”. Cứ như vậy, có thời điểm, đàn bò của vợ chồng ông Anh lên tới 35 con, trong đó có 20 con bò sinh sản và 15 con bò vỗ béo. Mỗi năm, gia đình ông có nguồn thu nhập gần 300 triệu đồng từ bán bê con và bò thịt. Ngoài ra, gia đình ông còn tận dụng phân bò để bón cho cây trồng, giúp tiết kiệm một khoản đáng kể chi phí phân bón. 
Ông Anh chia sẻ: “Để bò lai Sind khỏe mạnh, một ngày, tôi cho chúng ăn 3 lần vào sáng, trưa và tối. Tôi cũng thường xuyên vệ sinh sạch sẽ chuồng trại, máng ăn, môi trường xung quanh và cơ thể bò. Việc tẩy uế định kỳ khu vực xung quanh chuồng nuôi, khơi thông cống rãnh, phát quang bụi rậm, thu gom xử lý chất thải, diệt ruồi, muỗi, gián, hạn chế tối đa các động vật trung gian truyền bệnh vào khu vực chăn nuôi bò cũng là việc hết sức quan trọng. Đối với bò đang trong độ tuổi sinh sản, ngoài khẩu phần ăn là cỏ, rơm… thì cần cho ăn thêm củ quả tươi hoặc tinh bột để chúng tăng khả năng tiết sữa nuôi con”. Cũng theo ông Anh, trong thực tế, bò lai Sind chỉ nuôi khoảng 6 tháng sẽ đạt trọng lượng 100-120 kg/con và có thể bán được. Trong khi đó, nuôi bò địa phương phải mất hơn 1 năm mới có thể xuất bán, trọng lượng lại đạt thấp. Với bò lai Sind khoảng từ 6 tới 15 tháng tuổi, gia đình ông đã bán được với giá 15-20 triệu đồng/con. Chia sẻ về dự định, vợ chồng ông Anh cho biết sẽ nhân rộng mô hình nuôi bò lai Sind nhốt chuồng và nuôi thêm giống bò BBB để nâng cao thu nhập cho gia đình.
TRẦN DUNG

Có thể bạn quan tâm

Đại diện xã Chư Drăng và Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa kiểm tra các diện tích đất rừng giao cho người dân tại xã Chư Drăng. Ảnh: Lê Nam

Krông Pa tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

(GLO)- Qua 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HU ngày 5-11-2021 của Huyện ủy Krông Pa về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Nhiều hội viên nông hội mong muốn được tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển sản xuất, kinh doanh. Ảnh: H.D

Tăng khả năng tiếp cận vốn cho nông hội

(GLO)- Mô hình nông hội trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã góp phần giúp nông dân chuyển dần từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, nâng giá trị các sản phẩm.

Những triệu phú trồng mắc ca ở Sơn Lang

Những triệu phú trồng mắc ca ở Sơn Lang

(GLO)- Mắc ca là loại cây “kén” khí hậu nhưng khi trồng ở xã Sơn Lang (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) lại cho năng suất và chất lượng hạt vượt trội so với vùng đất khác và mang lại giá trị kinh tế cao, giúp nhiều nông dân địa phương trở thành triệu phú.

Thành phố Kon Tum vào vụ hoa Tết

Thành phố Kon Tum vào vụ hoa Tết

Còn hơn 2 tháng nữa mới tới Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nhưng thời điểm này, người dân trồng hoa tại thành phố Kon Tum đang tất bật gieo trồng, chăm sóc cây hoa để phục vụ thị trường, với hy vọng sẽ có một vụ hoa Tết thành công.

Gia Lai được cấp mới 15 mã số vùng trồng xuất khẩu

Gia Lai được cấp mới 15 mã số vùng trồng xuất khẩu

(GLO)- Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, năm 2024, toàn tỉnh có 15 mã số vùng trồng xuất khẩu được cấp mới với diện tích 332,09 ha xuất khẩu trên thị trường Trung Quốc và 4 mã số cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu với tổng công suất 155 tấn quả tươi/ngày.

Cà phê là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hà Duy

Liên kết sản xuất phục vụ xuất khẩu

(GLO)- Việc liên kết sản xuất đang được các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh Gia Lai chú trọng nhằm tạo nguồn nông sản chất lượng phục vụ xuất khẩu. Nhờ đó, nông sản của tỉnh đã thâm nhập thị trường của gần 50 quốc gia trên thế giới.