Lai tạo giống gia súc bước đột phá trong chăn nuôi nông hộ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời gian qua, ngành Nông nghiệp và PTNT Gia Lai đã triển khai nhiều chương trình, dự án nhằm nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ. Trong đó, ngành chú trọng lai cải tạo giống, phổ biến cho người dân các bộ giống vật nuôi chất lượng tốt, thích hợp để tạo đột phá nâng tầm vóc, chất lượng và giá trị sản phẩm.

Thực hiện Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành Quyết định số 879/QĐ-UBND về việc phê duyệt kế hoạch hỗ trợ phát triển chăn nuôi nông hộ trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2018 đến 2020, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã cấp 15.843 liều tinh bò đông lạnh các loại và 3.150 lít nitơ lỏng, 3.150 bộ dụng cụ phối giống cho 9/17 huyện, thị xã, thành phố để hỗ trợ phát triển chăn nuôi nông hộ. Ông Trịnh Quốc Việt-Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh-cho biết: Để đảm bảo cung cấp tinh và nitơ lỏng, Trung tâm yêu cầu đơn vị cung cấp cứ 20 ngày tiếp tinh và nitơ lỏng 1 lần cho các huyện đang thực hiện phối giống nhân tạo. Theo nhu cầu của các địa phương, Trung tâm đã cấp tinh các giống bò lai gồm: Brahman, Angus, Droughtmaster, BBB, Charolais. Đây là những giống đã được nuôi khảo nghiệm rất thích hợp với điều kiện khí hậu của tỉnh và có giá trị kinh tế cao gấp 2-3 lần so với giống bò địa phương.  

Đàn bò lai của gia đình ông Nguyễn Thôi (xã Nam Yang, huyện Đak Đoa). Ảnh: Lê Nam
Đàn bò lai của gia đình ông Nguyễn Thôi (xã Nam Yang, huyện Đak Đoa). Ảnh: Lê Nam
Giai đoạn 2018-2020, tỉnh đã hỗ trợ chăn nuôi nông hộ gần 4,8 tỷ đồng. Cụ thể, hỗ trợ 7.460 liều tinh heo, 15.843 liều tinh bò, 15.843 lít nitơ lỏng, 15.843 dụng cụ phối giống, 11 con heo đực giống, 223 con bò đực giống, 254 mô hình xử lý chất thải, đào tạo 13 dẫn tinh viên và hỗ trợ 17 bình nitơ.

Đak Đoa là một trong những địa phương triển khai rất hiệu quả chương trình lai cải tạo đàn bò và đạt tỷ lệ hơn 49% trong tổng đàn. Ông Nguyễn Thôi (thôn 5, xã Nam Yang) cho biết: Cuối năm 2019, ông đã liên hệ với cán bộ thú y của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đến thụ tinh nhân tạo cho 2 con bò của gia đình. Đến nay, bò đã sinh sản được 2 con bê lai giống Brahman. “Bê lai sinh ra có tầm vóc to lớn, phát triển rất nhanh. Hiện bê con nuôi được 15 tháng, nhưng có thương lái tới trả hơn 30 triệu đồng”-ông Thôi cho biết. Còn ông Hrưk (thôn 2, xã Glar) thì cho hay: “Thấy hiệu quả từ việc nuôi bò lai, tôi vừa liên hệ với cán bộ của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện xuống để thụ tinh nhân tạo cho con bò của nhà giống BBB. Hy vọng, bê sinh ra phát triển tốt và sẽ giúp gia đình có nguồn thu nhập cao hơn”.  

Theo ông Diệp Đại Quốc-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đak Đoa: Chương trình cải tạo đàn bò là hướng đi giúp nâng cao giá trị chăn nuôi, tăng thu nhập cho người dân. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, gia trại, hộ gia đình chăn nuôi theo quy mô lớn ở những nơi xa khu dân cư. Xúc tiến tìm kiếm thị trường tiêu thụ thịt bò để có đầu ra ổn định, giúp ngành chăn nuôi bò thịt phát triển.

Còn ông Mai Bá Hậu (thôn Phú Hà, xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh) cho biết: “Vừa rồi, gia đình tôi được xã hỗ trợ 2 con dê sinh sản để phát triển kinh tế. Hiện 1 con đã sinh con, tôi sẽ để lại nhân đàn. Hy vọng đàn dê này sẽ giúp cho gia đình có nguồn thu nhập ổn định hơn”. Ông Nguyễn Công Trình-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Pưh-cho hay: Thời gian qua, bên cạnh hỗ trợ dê giống, huyện đã hỗ trợ 17 con bò đực giống đạt tiêu chuẩn cho các hộ thuộc vùng kinh tế đặc biệt khó khăn để giúp người dân lai tạo đàn bò. Đồng thời, hỗ trợ 683 liều tinh heo và xây dựng công trình xử lý chất thải trong chăn nuôi cho 27 hộ dân khác. Chính sách hỗ trợ chăn nuôi nông hộ theo Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã góp phần nâng cao chất lượng đàn vật nuôi, xử lý chất thải trong chăn nuôi, vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra chất đốt từ các công trình khí sinh học.


Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT, đến nay, toàn tỉnh có hơn 82.550 hộ chăn nuôi trâu, bò; 41.600 hộ chăn nuôi heo; hơn 130.000 hộ chăn nuôi gia cầm; 404 hộ chăn nuôi trang trại; 2 chuỗi liên kết cung ứng nông sản trong lĩnh vực chăn nuôi. Giai đoạn 2016-2020, giá trị sản xuất chăn nuôi của tỉnh tăng bình quân 12%/năm. Riêng năm 2020, giá trị sản xuất chăn nuôi đạt 4.313 tỷ đồng (tăng 50,4% so với năm 2016). Đến thời điểm này, toàn tỉnh có hơn 14.100 con trâu, 417.000 con bò, hơn 425.200 con heo, gần 3,5 triệu con gia cầm. Ngoài ra, Trung tâm Giống vật nuôi tỉnh đang duy trì, chăm sóc và nuôi dưỡng 280 con heo nái, 40 con heo đực giống, 200 con bò sinh sản để cung cấp con giống chất lượng cao.  

Trao đổi với P.V, ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: Ngành chăn nuôi đang chuyển dịch theo hướng từ nhỏ lẻ, phân tán sang quy mô trang trại, gia trại, tập trung theo chuỗi khép kín, an toàn sinh học, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao. Chính sách hỗ trợ chăn nuôi nông hộ, trong đó có hỗ trợ trâu, bò đực giống và hỗ trợ tinh bò, heo ngoại đã góp phần nâng cao chất lượng đàn vật nuôi, tăng thu nhập cho người dân. Việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong chăn nuôi đã góp phần giảm nghèo bền vững và mở ra cơ hội làm giàu cho nông dân.

 

LÊ NAM

Có thể bạn quan tâm

“Làng yến” trên cao nguyên

“Làng yến” trên cao nguyên

(GLO)- Năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Phố Yến (thôn Thắng Lợi 3, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) bắt đầu triển khai xây dựng mô hình “làng yến” với nhiều nhà nuôi yến được quy hoạch bài bản, khoa học. Mô hình mới này bước đầu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhờ ứng dụng công nghệ trong chế biến, sản phẩm yến sào của Công ty TNHH một thành viên Sản xuất-thương mại-xuất nhập khẩu yến sào Win Nest Alpha được người tiêu dùng đánh giá cao. Ảnh: V.C

Yến sào Đông Nam tỉnh Gia Lai khẳng định vị thế

(GLO)- Khu vực Đông Nam tỉnh Gia Lai có số lượng nhà nuôi yến lớn với chất lượng tổ yến rất tốt. Khai thác lợi thế này, cùng với quy hoạch vùng nuôi, nhiều cơ sở sản xuất yến sào đã chủ động đăng ký thương hiệu, đa dạng hóa sản phẩm nhằm khẳng định vị thế trên thị trường.

Ông Nguyễn Văn Thuận (thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh) chặt bỏ gần 40 cây cà phê để hiến đất mở rộng mặt đường. Ảnh: N.D

Đòn bẩy phát triển vùng nguyên liệu cà phê bền vững

(GLO)- Sau 2 năm triển khai hợp phần 5 của Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông-lâm-thủy sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025, nhiều tuyến đường nội đồng ra vùng nguyên liệu sản xuất cà phê được đầu tư xây dựng.