Kỳ vọng từ dự án thủy lợi Pleikeo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình hình thời tiết trên địa bàn tỉnh Gia Lai diễn biến phức tạp, mùa khô kéo dài và hạn hán ngày càng khốc liệt hơn. Do đó, việc đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi, hồ chứa là cứu cánh cho rất nhiều diện tích đất đang “khát” nước, đáp ứng nguồn nước sinh hoạt ổn định cho nhân dân.
Đất cằn chờ nước
Xã Ayun, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai có 866 hộ với 3.803 nhân khẩu, hầu hết là người đồng bào dân tộc thiểu số, hơn 80% là hộ nghèo và cận nghèo, phát triển kinh tế chủ yếu là làm nông nghiệp. Tuy nhiên, do thiếu nước tưới nên nhiều diện tích đất không thể canh tác, một số diện tích được người dân tận dụng trồng các cây có khả năng chịu hạn như mì, điều... nhưng hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao. Hiện trên địa bàn xã có 2 kênh thủy lợi Ia Boong và Ia Pết nhưng các kênh thủy lợi này sử dụng đã lâu, hư hỏng, xuống cấp nên việc lấy nước để chủ động nước tưới vào mùa khô rất khó khăn. Với hệ thống thủy lợi hiện tại chưa đáp ứng được nhu cầu và thường xuyên xảy ra hạn hán đối với cây lúa nước; thiếu nước tưới cho cây cà phê, hồ tiêu đã gây ra thiệt hại rất lớn cho người dân. Do đó, người dân đang mong mỏi từng ngày dự án thủy lợi Pleikeo hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Ông Đinh Yeng, làng Kpaih, xã Ayun, huyện Chư Sê cho hay: Dân làng mình chỉ làm nông nghiệp thôi nhưng không có nước tưới. Mùa khô, cây trồng hầu như chỉ phó mặc cho mưa trời. Khi biết nhà nước có chủ trương đầu tư xây dựng thủy lợi Pleikeo, nhân dân địa phương rất phấn khởi và mong mỏi từng ngày công trình hoàn thành đưa vào sử dụng. Chúng tôi đều tin tưởng rằng, nhờ sự quan tâm đầu tư của nhà nước mà cuộc sống của nhân dân sẽ từng bước khấm khá, ấm no hơn.
Nhiều diện tích đất đai trên địa bàn xã Ayun đang phải bỏ hoang do không có nước tưới. Ảnh: Chí Hào
Nhiều diện tích đất đai trên địa bàn xã Ayun đang phải bỏ hoang do không có nước tưới. Ảnh: Chí Hào
Làm việc với P.V, ông Phạm Ngọc Thanh-Chủ tịch UBND xã Ayun cho biết: xã Ayun là địa phương có truyền thống cách mạng nhưng kinh tế còn nhiều khó khăn. Ngoài những bất lợi về khí hậu, đất đai, khó khăn nhất của người dân xã Ayun là thiếu nước tưới lẫn nước sinh hoạt nên một năm chỉ sản xuất được 1 vụ lúa. Trên địa bàn xã có khoảng 1.400 ha đất nông nghiệp, trong đó diện tích sản xuất lúa nước khoảng 700 ha. 2 kênh thủy lợi trên địa bàn xã chỉ đáp ứng nước tưới cho khoảng 150 ha vào mùa mưa và giảm xuống còn 50 ha vào mùa khô. Do đó, công trình thủy lợi Pleikeo là niềm mong mỏi của nhân dân địa phương và cũng là cơ hội để nhân dân địa phương “đổi đời”, làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.
Trao đổi với P.V về tình hình thiếu nước tưới và nước sinh hoạt tại xã Ayun, ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê cho hay: Tình hình khô hạn tại xã Ayun, huyện Chư Sê ngày càng nghiêm trọng và có dấu hiệu tăng lên theo từng năm. Do đó, dự án thủy lợi Pleikeo được kỳ vọng sẽ là nguồn chủ động nước tới cho 400 ha lúa 1 vụ thành lúa 2 vụ, 100 ha hoa màu và nhiều diện tích cây trồng khác, góp phần phát triển kinh tế, thúc đẩy sự phát triển của địa phương.
Kỳ vọng đổi thay
Ngày 31-10-2016, UBND tỉnh Gia Lai ban hành quyết định số 809a/QĐ-UBND phê duyệt chủ trương đầu tư dự án thủy lợi Pleikeo. Triển khai thực hiện quyết định của UBND tỉnh, UBND huyện Chư Sê đã lập thủ tục phê duyệt thiết kế, lựa chọn nhà thầu...theo quy định. Dự án thủy lợi Pleikeo là công trình cấp IV theo quy chuẩn 04-05:2012 công trình thủy lợi. Quy mô đầu tư là xây dựng thủy lợi cụm đầu mối công trình thủy lợi Pleikeo, xã Ayun, huyện Chư Sê để cấp nước tưới cho 400 ha lúa và 100 ha hoa màu. Quy mô cụm đầu mối gồm phần đập không tràn và đập tràn xả lũ, cống lấy nước, cống xả cát. Kết cấu các hạng mục đầu mối bằng bê tông cốt thép. Tổng mức đầu tư dự án hơn 41,5 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương hỗ trợ 30 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 6 tỷ đồng, kinh phí còn lại UBND huyện Chư Sê huy động từ nhân dân và các nguồn vốn hợp pháp khác. Ngoài ra, cơ quan chuyên môn huyện Chư Sê đang lập thủ tục đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT phê duyệt thiết kế, bản vẽ thi công dự án “Hệ thống kênh dẫn thuộc dự án thủy lợi Pleikeo”, tổng mức đầu tư hơn 77,7 tỷ đồng.
Đơn vị thi công đang rất rút hoàn thiện các hạng mục dự án thủy lợi Pleikeo. Ảnh: Chí Hào
Đơn vị thi công đang rất rút hoàn thiện các hạng mục dự án thủy lợi Pleikeo. Ảnh: Chí Hào
Trao đổi với P.V về tiến độ công trình và kỳ vọng của địa phương đối với dự án thủy lợi Pleikeo, ông Nguyễn Hồng Linh-Chủ tịch UBND huyện Chư Sê chia sẻ: Dự án thủy lợi Pleikeo là công trình trọng điểm giúp phát triển nông nghiệp tại địa phương. Hiện nay, đơn vị thi công đã thực hiện hoàn thành bờ đập tả và đang trong quá trình triển khai thi công hoàn thiện bờ đập hữu, khối lượng đã hoàn thành khoảng 80% giá trị hợp đồng xây lắp. Dự kiến công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng vào cuối năm 2019.
Ông Linh cho biết thêm, do nguồn vốn hạn chế nên với chiều dài hệ thống kênh dẫn hơn 15,6 km, dự án chỉ đảm bảo tưới cho 270 ha. Do vậy, để tưới được 500 ha lúa và hoa màu thì cần tiếp tục nối dài hệ thống kênh cấp 1 của dự án và toàn bộ kênh nội đồng với chiều dài ước tính khoảng 7 km kênh cấp 1 và 9,6 km kênh nội đồng. “Chỉ cần có nước tưới, đời sống nhân dân chắc chắn sẽ khấm khá hơn. Công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ góp phần chủ động nguồn lương thực tại chỗ, giúp nhân dân từng bước vươn lên, thoát nghèo”-ông Linh nhấn mạnh.
Cách đây chưa lâu, đồng chí Dương Văn Trang-Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai đã có buổi làm việc với lãnh đạo huyện Chư Sê, đơn vị thi công, giám sát và kiểm tra thực tế tiến độ thực hiện dự án đầu tư xây dựng thủy lợi Pleikeo. Tại buổi làm việc, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đồng ý với đề xuất của đơn vị chủ đầu tư về việc gia hạn thi công dự án thủy lợi Pleikeo thêm 4 tháng vì mùa mưa 2018 kéo dài. Đồng thời, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu đến hết quý I năm 2019, đơn vị thi công phải hoàn thành bờ đập để ngăn dòng tích nước; tính toán đảm bảo vừa tiết kiệm vừa nâng cao chất lượng công trình, tránh lãng phí. Chậm nhất đến tháng 12-2019, công trình thủy lợi phải có nước tưới cho các cánh đồng trên địa bàn xã Ayun để người dân canh tác, tạo điều kiện cho nhân dân tại xã Ayun ổn định cuộc sống, từng bước thoát nghèo.
Tháng 4-2017, trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Gia Lai, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất trăn trở về việc xã Ayun có đường sá đi lại thuận tiện, chỉ cách trung tâm huyện 14 km nhưng lại là xã nghèo, kinh tế nhân dân gặp nhiều khó khăn. Sau khi xem xét các đề xuất của lãnh đạo địa phương, đồng chí Tổng Bí thư thống nhất tiếp tục đầu tư xây dựng công trình thủy lợi Pleikeo tại xã Ayun; đồng thời, chỉ đạo các bộ ngành tính toán, hỗ trợ kinh phí để tỉnh Gia Lai tiếp tục triển khai dự án.
Chí Hào

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

(GLO)- Thời điểm này, nông dân các huyện phía Tây tỉnh Gia Lai đang nhộn nhịp thu hoạch cà phê niên vụ 2024-2025. Đây cũng là lúc hàng ngàn người lao động từ khắp nơi trong và ngoài tỉnh đổ về các địa phương nhận khoán vườn cây cùng thu hái để kiếm thêm thu nhập, chuẩn bị cho một cái Tết đủ đầy.

Đại diện xã Chư Drăng và Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa kiểm tra các diện tích đất rừng giao cho người dân tại xã Chư Drăng. Ảnh: Lê Nam

Krông Pa tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

(GLO)- Qua 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HU ngày 5-11-2021 của Huyện ủy Krông Pa về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Đak Pơ hỗ trợ hộ nghèo phát triển chăn nuôi

Đak Pơ hỗ trợ hộ nghèo phát triển chăn nuôi

(GLO)- Thực hiện Tiểu dự án 1-Dự án 3 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, từ năm 2022 đến nay, các xã, thị trấn của huyện Đak Pơ chủ động xây dựng dự án hỗ trợ bò lai sinh sản theo nhóm cộng đồng để giúp hộ nghèo và cận nghèo phát triển chăn nuôi.

Nhiều hộ dân xã Tơ Tung (huyện Kbang) phát triển kinh tế, làm giàu từ chăn nuôi trâu. Ảnh: N.M

Nuôi trâu làm giàu cơ nghiệp

(GLO)- Cách đây hơn 40 năm, các hộ dân tộc Tày, Nùng từ một số tỉnh phía Bắc vào xã Tơ Tung (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) lập nghiệp đã mang theo tập quán chăn nuôi trâu để phục vụ sản xuất. Về sau, người dân chuyển sang nuôi trâu thương phẩm để phát triển kinh tế gia đình.

Những triệu phú trồng mắc ca ở Sơn Lang

Những triệu phú trồng mắc ca ở Sơn Lang

(GLO)- Mắc ca là loại cây “kén” khí hậu nhưng khi trồng ở xã Sơn Lang (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) lại cho năng suất và chất lượng hạt vượt trội so với vùng đất khác và mang lại giá trị kinh tế cao, giúp nhiều nông dân địa phương trở thành triệu phú.

Với 29 ha, được sản xuất theo cánh đồng lớn, ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa đã giúp gia đình chị Vũ Thị Nhung-tổ 9 (thị trấn Phú Túc) (ở giữa), thu lợi nhuận khoảng 1,5 tỷ đồng. Ảnh: Lê Nam

Krông Pa hiệu quả ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất

(GLO)- Từ năm 2021 đến nay, thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/HU Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Krông Pa khóa XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 về đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất, ngành nông nghiệp địa phương đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và tăng thu nhập cho người dân.

Tái canh cà phê không đạt kế hoạch

Tái canh cà phê không đạt kế hoạch

(GLO)- Theo kế hoạch năm 2024, toàn tỉnh Gia Lai tái canh 2.370 ha và ghép cải tạo 30 ha cà phê. Mặc dù mùa mưa đã qua gần hết nhưng đến nay, diện tích cà phê tái canh và ghép cải tạo mới được hơn 1.840 ha, đạt 76,7% kế hoạch.