Ký ức một thời mở đất

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ở cái tuổi 56, rất nhiều điều đã nhạt dần trong ký ức của ông Lê Đình Phi Long (thôn 3, xã Ia Nhin, huyện Chư Pah, Gia Lai), song những ngày đầu mở đất để gầy dựng những vườn cao su tăm tắp ở Nông trường Cao su Ninh Đức thì ông chẳng thể nào quên…
Nông trường Cao su Ninh Đức ngày ấy (xã Ia Nhin) chính là tiền thân của Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Pah bây giờ. Năm 1976, cái thời mà ông vừa tốt nghiệp Trường Cơ khí Nông nghiệp 3 và cùng 10 người nữa được Bộ Nông nghiệp điều vào đây, Nông trường này chỉ là một trại cây giống rộng chừng 8,3 ha. Cộng với 220 ha cao su trồng từ năm 1960 trong dinh điền của bà Trần Lệ Xuân bàn giao lại, trại cây giống được biên chế thành Nông trường. Ông cùng 10 người nói trên vào trở thành “cán bộ khung” của Nông trường.
“Ký ức máu”…
Bom cày đạn xới, rừng hoang bao quanh… chính là những hình ảnh đầu tiên của vùng đất này đập vào mắt ông lần đầu đặt chân đến. Phương tiện giao thông lại không có gì, mãi đến năm 1978, các trưởng phòng mới được cấp mỗi người một chiếc xe đạp Chiến Thắng, quý lắm, giá của nó đến giờ ông vẫn nhớ như in là 243 đồng. Tận dụng lực lượng lao động là anh em đi nghĩa vụ về và một số đối tượng hoạt động FULRO nay đã hối cải, Nông trường dần dần tập hợp được 76 công nhân. “Lúc đó chi bộ Đảng tại Nông trường chỉ có 8 người, chi đoàn cũng chỉ có 11 đoàn viên”- ông Long, lúc bấy giờ là Tổ trưởng Tổ Cơ khí, hồi tưởng.
Ông Trần Văn Đại ngậm ngùi bên tấm bia tưởng niệm có khắc tên vợ và con ông-những người đã bị FULRO giết hại cách đây 31 năm tại Nông trường Cao su Ninh Đức (nay là Nông trường Cao su Ia Nhin, huyện Chư Pah). Ảnh: P.D
Ông Trần Văn Đại ngậm ngùi bên tấm bia tưởng niệm có khắc tên vợ và con ông- những người đã bị FULRO giết hại cách đây 31 năm tại Nông trường Cao su Ninh Đức . Ảnh: P.D
Nông trường chỉ nhộn nhịp hơn khi một năm sau đó Bộ Nông nghiệp quyết định điều thêm 14 cán bộ nữa của Nông trường 3-2 (Nghệ An) vào; đồng thời tuyển thêm 46 công nhân từ Hưng Yên. Để có đất trồng hoa màu và ươm những cây giống đầu tiên, cán bộ và công nhân Nông trường phải vừa khai hoang, cải tạo đất, vừa tháo gỡ bom mìn sau chiến tranh. Chưa kể bọn phản động FULRO thỉnh thoảng lại phục kích, bắn giết… ở các khu vực xung quanh khiến tình hình an ninh trở nên hết sức bất an. Nguy hiểm vẫn cứ rình rập dù đã là những ngày hòa bình. Cán bộ, công nhân thời đó sống rất vất vả, nhiều ngày phải ăn củ mì, khoai thay cơm; đêm phải cắt cử người canh gác. Không có điện đóm, đời sống tinh thần và sinh hoạt văn hóa cũng rất nghèo nàn. Giữa chốn rừng thiêng nước độc và thiếu thốn trăm bề, nhiều người đã phải hy sinh vì bệnh tật, thương vong vì bom mìn, song những người còn lại vẫn luôn động viên nhau: “Phải bám trụ và giữ đất!”.

Mấy mươi năm đã trôi qua, song ký ức kinh hoàng của đêm 5-7-1980 vẫn còn ám ảnh tâm trí nhiều người. “Đầu năm 1979, Đội 6 được thành lập, mục tiêu là phát hoang thêm 700 m2 đất để mở rộng diện tích cao su. Có lẽ điều này khiến bọn FULRO bực tức nên tìm cách khống chế”- ông Long bần thần nhớ lại. Hôm ấy lại đúng vào tối thứ bảy, các đội được chia thịt heo để cải thiện bữa ăn sau nhiều tháng thiếu thốn. 19 giờ 15 phút, bất thần một nhóm FULRO ập đến với súng M72, M79 điên cuồng bắn vào các dãy nhà. Những ngôi nhà tạm bằng gỗ, tranh phừng phừng cháy. Nhiều người chạy thoát, nhưng có 7 người phụ nữ và trẻ em bị giết hại hoặc chết cháy; 21 người khác bị thương nặng. Cái đêm tưởng chừng sẽ vô cùng thanh nhàn, thảnh thơi ấy lại biến thành một đêm đẫm máu kinh hoàng.
...Và trùng trùng xanh
Quá trưa, ông Long, ông Đại và lãnh đạo Nông trường Cao su Ia Nhin đưa chúng tôi đến thăm bia tưởng niệm do Công ty xây nên để tưởng niệm những nạn nhân đã mất trong vụ thảm sát. Tấm bia nằm cách vị trí dãy nhà của Đội 6 (cũ) chỉ chừng vài trăm mét, nghiêm cẩn và ấm cúng, trên có khắc tên từng người đã mất. Hoa được thay mới, từng nén nhang thành kính được thắp lên. Ông Đại chỉ vào mấy dòng chữ trên tấm bia, giọng nói run run: “Đây là tên vợ và con trai tôi…”. Tất cả mọi người xung quanh đều lặng đi… 
Ký ức một thời mở đất ảnh 2
 
Nhưng dù cho ký ức có đau thương đến mấy, những ngôi nhà mới vẫn mọc lên ở vùng này, trong đó có rất nhiều gia đình là cán bộ, công nhân viên của Nông trường. Màu xanh ngút mắt của cà phê, cao su đã thay đổi vùng đất này, thay đổi cả cuộc sống của những con người nơi đây, một cách tích cực. “Cứ tưởng chỉ vào đây vài năm rồi quay về quê ở Quảng Trị, không ngờ ở lại đây đến 34 năm”- ông Long bất chợt “tổng kết” cuộc đời. Đoạn, ông lại nói: “Bây giờ thì tôi không đi đâu nữa, sẽ bám ở đây mãi”. Cũng như bố, 2 người con ông lớn lên, đi học xa rồi cũng quay về gắn bó với Gia Lai. Còn ông Đại cũng đã tìm được một chỗ dựa mới trong cuộc đời, rồi chọn Ia Nhin làm quê hương thứ hai. Cả 3 người con của ông nay đều đã trưởng thành và lập nghiệp trên chính vùng đất này.

Cùng chúng tôi đi trên phố phường nhộn nhịp của Ia Nhin hôm ấy, ông Long và ông Đại đều không khỏi bâng khuâng, so sánh: “Ngày xưa toàn rừng rậm, nay đã là phố phường như thế này, biết bao là gian khổ…”. Đã 34 năm rồi còn gì. Đó là thành quả của rất nhiều người, nhiều thế hệ, nhưng người ta sẽ luôn nhớ đến và biết ơn những người tiên phong. Họ không gian khổ, hy sinh thì đất này chẳng thể nào trùng trùng xanh đến thế…
Phương Duyên

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.