Ký sự Điện Biên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cách đây 10 năm, tôi cùng đoàn nhà báo đến Điện Biên Phủ nhân kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên. Những ngày đầu tháng 4 này, tôi lại có dịp trở lại vùng đất chiến trường xưa. Những chứng nhân lịch sử già hơn nhưng cảnh sắc thì lại tươi mới, trẻ trung hơn trong ánh nhìn và nụ cười. Trời Điện Biên mây trắng hơn và những tấm thổ cẩm của miền Tây Bắc cũng đa sắc màu hơn.

Từ  đèo Pha Đin đến “rừng Đại Tướng”

Chúng tôi lên Điện Biên lần này đi theo đường số 6 qua Hòa Bình, Sơn La. Cảm giác đầu tiên của miền đất Tây Bắc tất cả đều bảng lảng và đắm đuối. Bảng lảng sương mờ giăng, chập chùng đèo dốc. Các bản làng xa mờ tít tắp như được treo vào lưng đồi những nếp nhà sàn lặng lẽ. Và đắm đuối mùa hoa ban nở.

 

Một góc thành phố Điện Biên, nhìn từ tượng đài Chiến thắng. Ảnh: Nguyễn Ngọc Phú
Một góc thành phố Điện Biên, nhìn từ tượng đài Chiến thắng. Ảnh: Nguyễn Ngọc Phú

Khi xe đến đèo Pha Đin, ai cũng háo hức bởi câu thơ của Tố Hữu: “Dốc Pha Đin chị gánh anh thồ, đèo Lũng Lô anh hò chị hát”. Đèo Pha Đin dài 32 km. Pha Đin chính là Phạ Đin theo nghĩa tiếng Thái: Phạ là trời, Đin là đất là chỗ tiếp giáp giữa trời và đất. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đèo Pha Đin là một trong huyết mạch quan trọng chuyển vũ khí đạn dược và lương thực với hơn 8 ngàn thanh niên xung phong mở đường tiếp viện. Giặc Pháp cho máy bay oanh tạc liên tục suốt 49 ngày đêm. Đèo Pha Đin với ngã ba Cò Nòi (huyện Mai Sơn-Sơn La) hứng chịu bom đạn nhiều nhất. Trên đỉnh dèo còn có tấm bia ghi lại dấu ấn lịch sử. Xe dừng lại trên đỉnh đèo mù sương, một dãy hàng quán đơn sơ bán đặc sản của vùng Điện Biên. Tôi đứng ngẩn ngơ nhìn xuống lưng chừng đèo. Thật lạ, trên đỉnh cao lồng lộng sương gió này lại có những khóm hoa hồng rực rỡ đỏ tươi làm ấm lại lòng người. Tôi lại hồi tưởng cách đây 60 năm bao nhiêu người ngã xuống nơi này, máu của họ thấm vào đất này. Và những bông hồng khoe sắc kia hình như cũng tươi thắm hơn, những nụ hoa bé nhỏ thật kiêu hãnh và thức dậy hồi sinh của một quá khứ bi tráng. Dưới chân đèo là bản làng lác đác có thung lũng Mường Quài trải rộng với ngút ngàn màu xanh. Hai bên đường thỉnh thoảng tôi bắt gặp những chiếc xe máy cũ kỹ của người đi làm nương dựng vào sườn dốc. Đâu rồi vó ngựa thung xa, tiếng mõ trâu chiều thủng thẳng. Một Tây Bắc đã bừng lên sức sống mới hơi hướng của thời hiện đại đã len lỏi thổi vào đây như ngọn gió đẫm ướt sương rừng, khí núi.

Qua ngã ba Tuần Giáo, chúng tôi rẽ vào Mương Phăng thăm lại bản doanh của Bộ Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. Con đường đi tắt đã được rải nhựa nhanh hơn nhiều so với đường chính dài đến 25 km mà cách đây 10 năm tôi đã đi. Lúc đó, nhiều chỗ còn đường đất lắm ổ gà xóc nảy. Mường Phăng bây giờ đã khác trước nhiều. Bản làng như được thay da đổi thịt bởi những nếp nhà sàn khang trang lợp ngói đỏ với những nét hoa văn chạm trổ cầu kỳ. Nếp nhà sàn đồng bào Thái liên quan đến câu chuyện cổ tích về loài rùa gợi ý cho con người hình dáng cái mái vòm “khung mai rùa” (tụp cống). Ở Khu Du lịch Mường Phăng có nhiều kỷ vật, đặc biệt là những bộ sách và đĩa phim, đĩa ca nhạc về chiến thắng Điện Biên Phủ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Người dân Mường Phăng hiền hòa và hiếu khách. Họ bán các sản phẩm làm ra còn tươi rói như: măng rừng, khoai mài, dược liệu, đặc biệt là lan rừng. Khu rừng nguyên sinh xanh tốt còn gọi là “Rừng Đại tướng” ngút ngàn hoa ban và hoa trẩu trắng. Rừng có linh khí tốt, không gian mát mẻ. Tình cờ, chúng tôi gặp một đoàn khách nước ngoài. Tôi hỏi qua anh phiên dịch:

- Ấn tượng của ông về Mường Phăng?

Một người còn rất trẻ nghe nói là giáo sư một trường đại học của Pháp sôi nổi trả lời và giơ cả cánh tay khoáng đạt như muốn ôm cánh rừng thân yêu vào lòng mình.

- Thật tuyệt vời. Rừng nguyên sinh rất xanh tốt, không khí trong lành, cảnh quan sạch đẹp. Một tướng không quân của chúng tôi đến thăm Mường Phăng và nói rằng: “Người Pháp thua là đúng! Thua bộ áo giáp xanh rừng che mắt máy bay. Vũ khí hiện đại của người Pháp bất lực trước hoang sơ bí ẩn và ý chí của người Việt dẻo dai như thớ gỗ rừng càng giông bão càng lớn càng xoắn càng chắc”.

Chúng tôi đi trên con đường xếp bằng đá khoảng 200 mét. Trước mắt là khu lán của bộ phận thông tin liên lạc. Đi khoảng 800 mét là đến Sở Chỉ huy. Ngôi lán làm việc của Đại tướng thật đơn giản, vách tre, mái lợp lá. Giường nghỉ và bàn làm việc cũng bằng tre, cạnh phòng Đại tướng là gian ở của người lính cận vệ. Chỉ vào cây hoa ban trắng trước lán Đại tướng, cô Cà Thị Minh-người dân tộc Thái đen-hướng dẫn viên thốt lên: “Hoa nở đẹp quá! Hoa trước lán Đại tướng là hoa của tình yêu” và hoa trẩu rắc trắng li ti thơm ngát. Tôi bắt gặp cây bưởi trước cửa hầm của Đại tướng. Đó là 3 cây bưởi được gieo từ hạt của ba quả bưởi Đoan Hùng mà tỉnh Phú Thọ tặng. Đúng dịp Tết Giáp Ngọ năm 1954, Đại tướng cho gọi ông Đỗ Hải-Đại đội trưởng Cảnh vệ bảo vệ Sở Chỉ huy đến giao cho nắm hạt bưởi: “Đồng chí đem những hạt bưởi này gieo xuống chỗ đất tốt để thế hệ sau được ăn quả”.

Cà Thị Minh chỉ vào đường hầm cạnh cây bưởi: “Đây chính là công trình vĩ đại của người lính công binh tài hoa. Không có la bàn hướng dẫn, họ đào từ hai phía nghe tiếng cuốc đào mà định hướng chỉ có chệch nhau chừng nửa mét. Đường hầm Đại tướng hình thang trần lát bằng gỗ cây dài 69 mét. Đường hầm của cố vấn Trung Quốc hình vòm quả trứng không lát cây nhưng cũng rất chắc chắn, dài 25 mét. Tất cả đều được kiến tạo bằng đôi tay của những người lính vốn xuất thân từ dân đào mỏ than ở Quảng Ninh.

Có một Điện Biên huyền thoại

Trong nghĩa trang Điện Biên, ngoài bốn ngôi mộ có tên, còn 640 mộ mà tấm bia nào cũng chỉ ngời lên ngôi sao không tuổi tên, không quê quán. Chúng tôi gọi các anh bằng cái tên chung: Chiến sĩ Điện Biên! Hút trên vòm trời xanh trong Điện Biên một đàn chim bay về phía núi như vong linh của các anh trở lại rừng. Mỗi ngôi mộ là một phím đàn trắng trong bản hợp âm của sự sống.

 

 Trên đồi A1. Ảnh: Nguyễn Ngọc Phú
Trên đồi A1. Ảnh: Nguyễn Ngọc Phú

Lên Điện Biên lần này, chúng tôi gặp rất nhiều đoàn cựu chiến binh và đặc biệt là du khách nước ngoài. Trong lần trò chuyện với anh bạn phóng viên giỏi tiếng Pháp với một nhà báo phương Tây, tôi được biết những chi tiết rất thú vị quanh tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đó là một tập đoàn quân sự mạnh, được trang bị vũ khí tối tân với những binh đoàn lính lê dương thiện chiến lừng danh của nước Pháp nhưng tên đặt các cứ điểm quân sự lại bằng tên các phụ nữ mĩ miều, quý tộc và duyên dáng đúng với phép lịch sự văn minh của người Pháp: bản Kéo tên là Anne marie; đồi Độc Lập và cô nàng Gabrielle, Hồng Cúm là Isabella… liên tưởng đến sự ngọt ngào, mềm mại không ngờ lại là những mồ chôn ác mộng.

Có một điều trùng hợp kỳ lạ như là số mệnh của tướng Na Va. Ông nhận lệnh Tổng Chỉ huy Quân đội Pháp ở Đông Dương vào ngày 7-5-1953 thì 365 ngày sau đúng tròn 1 năm ngày 7-5-1954 Điện Biên Phủ thất thủ chấm dứt sự nghiệp nhà binh sáng chói của viên tướng này. Lúc tham quan hầm Đờ-cát-tơ-ri, tình cờ chúng tôi gặp đoàn cựu chiến binh trong đó có đồng đội với Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật-người dẫn đầu một tổ 5 xung kích chọc thẳng mũi nhọn về chỉ huy sở của tướng giặc Đờ-cát-tơ-ri. Người bạn đồng đội của anh Luật kể lại: Lúc đó đại liên của địch từ các đồn, lựu đạn của địch từ các giao thông hào vẫn bắn, ném ra như mưa. Bốn chiếc tăng lớn kiểu Mỹ vẫn lồng lộn chạy quanh chỉ huy sở bắn lung tung. Nhiều cờ trắng của địch đã bắt đầu  mọc trên giao thông hào, trước lỗ châu mai giặc. Hầm  chỉ huy của Đờ-cát-tơ-ri ở sâu dưới đất ngang dọc tới 10, 20 thước, có hai lối lên xuống. Bọn giặc ngoan cố ở dưới hầm ném lựu đạn lên. Quả thủ pháo đầu tiên của chiến sĩ Nhỏ ném lọt vào cửa hầm nổ vang. Trong khi đó cửa hầm thứ hai đã bị ta bịt chặt. Khói lựu đạn chưa tan, một tên sĩ quan giặc đã giơ tay từ dưới bò lên mặt xám ngắt. Hắn run run nói với chiến sĩ ta: “Toàn bộ Tư lệnh Điện Biên Phủ chúng tôi xin hàng”. Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật và hai đồng chí xuống một cửa hầm, hai đồng chí khác xuống cửa hầm thứ 2. Trong hầm giặc máy điện vẫn chạy rầm rầm, đèn điện vẫn sáng. Vừa thấy bóng quân ta, Đờ-cát-tơ-ri và Bộ Tham mưu hơn 20 người tất cả xếp hai hàng giơ tay. Cạnh bàn giấy tướng giặc một đống giấy còn đang âm ỉ cháy. Trên bàn rượu bày lỏng chỏng. Đờ-cát-tơ -ri nói: “Tôi hạ lệnh cho quân lính tôi ra hàng và phi cơ không được ném bom nữa”.

Tạm biệt thành phố Điện Biên Phủ, chúng tôi được biết một tin vui là HĐND tỉnh Điện Biên trong phiên họp ngày 31- 3-2014 đã quyết định đổi tên đường 7-5 thành đường mang tên Võ Nguyên Giáp-vị Đại tướng huyền thoại. Đây là con đường đẹp nhất, có quy mô lớn nhất địa bàn thành phố đi qua nhiều điểm di tích quần thể chiến trường Điện Biên Phủ. Trên đồi cao có dựng Tượng đài chiến sĩ Điện Biên.

Nguyễn Ngọc Phú

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.