Kỳ họp bất thường lần thứ nhất Quốc hội khóa XV: Chính sách tài khóa, tiền tệ cần có trọng tâm, trọng điểm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 7-1, kỳ họp bất thường lần thứ nhất Quốc hội khóa XV đã dành phần lớn thời gian thảo luận trực tuyến về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

 Quang cảnh kỳ họp bất thường thứ nhất Quốc hội khóa XV phía đầu cầu tỉnh Gia Lai. Ảnh: Quang Tấn
Quang cảnh kỳ họp bất thường thứ nhất Quốc hội khóa XV tại điểm cầu Gia Lai. Ảnh: Quang Tấn

Phát biểu tại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị đại biểu cần tập trung thảo luận vào các nội dung đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và một số nội dung trọng tâm như: các nhóm giải pháp về tài khóa tiền tệ đã đảm bảo mục tiêu phục hồi phát triển kinh tế-xã hội và có đánh giá tác động đầy đủ hay chưa; quy mô gói hỗ trợ chính sách tài khóa, mức bội chi, khả năng huy động, khả năng giải ngân, quy mô, mức độ các chính sách thuế đề nghị miễn, giảm hoãn, các nội dung chi đã đảm bảo trọng tâm, tối ưu hóa nguồn lực, đảm bảo khả năng hấp thụ và triển khai chủ yếu trong năm 2022-2023 hay không; về quy mô, mức độ gói hỗ trợ chính sách tiền tệ đã rõ ràng, đủ lớn, đã được đánh giá tác động đầy đủ hay chưa; phương án huy động đã bao quát hết nguồn lực, đảm bảo tiết kiệm, khả thi, đảm bảo các cân đối vĩ mô hay chưa…

Tại phiên thảo luận, các đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết việc sớm ban hành và triển khai chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình kịp thời, triển khai nhanh, đúng đối tượng, phù hợp với tình huống đặc biệt sẽ giúp sớm phục hồi nền kinh tế và tạo nền tảng thúc đẩy sự phát triển cho cả giai đoạn 2021-2025 cũng như các năm tiếp theo. Theo ý kiến các đại biểu, dự thảo Nghị quyết này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để đối phó với dịch Covid-19, khắc phục những thiệt hại, phục hồi và phát triển bền vững kinh tế-xã hội, phục hồi thị trường lao động, giải quyết các vấn đề an sinh, phúc lợi xã hội… Ngoài ra, các đại biểu cũng lưu ý việc triển khai cần đưa ra tiêu chí, nguyên tắc rõ ràng, có các ưu tiên, phân nhóm cụ thể nội dung cần làm ngay, nội dung cần triển khai từng bước để bảo đảm khả thi. Các chính sách hỗ trợ cần rà soát để có sự tiếp nối, kế thừa các chính sách đã triển khai trước đây; cần chú trọng khâu thanh tra, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn để không xảy ra sai sót, vi phạm, nhất là trong bối cảnh bố trí nguồn lực rất lớn trong khoảng thời gian ngắn.

Tham gia thảo luận tại Hội trường Diên Hồng (Nhà Quốc hội, Hà Nội), đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai Lê Hoàng Anh-Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội-cho rằng: Gia Lai là tỉnh có diện tích, dân số lớn, tỷ lệ người dân tộc thiểu số lớn; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao nhưng dự kiến không đầu tư cho Trung tâm Y tế huyện mà chỉ đầu tư 43 Trạm Y tế xã. Trong khi đó, một tỉnh khác trong khu vực, có dân số, diện tích bằng 1 nửa, hộ nghèo, cận nghèo cũng bằng 1 nửa và số người bị nhiễm Covid-19 chỉ bằng 1/10 so với Gia Lai thì lại được đầu tư 4 Trung tâm Y tế huyện và 66 Trạm Y tế xã là chưa phù hợp. Theo đó, đại biểu Lê Hoàng Anh đồng tình với ý kiến của một số đại biểu là cần tiếp tục rà soát và xác định nguyên tắc, tiêu chí trong việc xác định các danh mục đầu tư của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trong đại dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, đại biểu Lê Hoàng Anh cũng cho rằng, việc dành vốn đầu tư công, đặc biệt là đầu tư cho hạ tầng giao thông rất lớn, điều này cũng rất phù hợp. Dù Chính phủ có trình một số giải pháp đặc thù để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, tuy nhiên để giải ngân được 55% tổng vốn bố trí cho đường cao tốc Bắc-Nam (giai đoạn 2021-2025) và 5 tuyến cao tốc khác trong 2 năm (2022-2023) là rất khó. “Do đó, Chính phủ cần cân nhắc và rà soát để bố trí nguồn lực hợp lý. Nên chăng, chúng ta có thể bố trí một phần vốn ở đây cho các tuyến đường giao thông mà một số tỉnh đề nghị với số vốn vừa phải và khả năng thi công, giải ngân vốn trong năm 2022-2023 như tuyến đường tránh phía Tây TP. Pleiku… Ngoài ra, dù Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt những vẫn chưa đạt được mục tiêu mà Quốc hội yêu cầu và vẫn còn những hạn chế, yếu kém trong giải ngân vốn đầu tư công. Tôi cho rằng, cần bổ sung vào Nghị quyết của Quốc hội về việc xử lý trách nhiệm những người đứng đầu không hoàn thành việc giải ngân và chậm tiến độ thực hiện dự án”-đại biểu Lê Hoàng Anh kiến nghị.  

Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai Lê Hoàng Anh-Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội tham gia góp ý tại Hội trường Diên Hồng. Ảnh: Quang Tấn
Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai Lê Hoàng Anh-Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội tham gia góp ý tại Hội trường Diên Hồng. Ảnh: Quang Tấn


Một số đại biểu cũng đã đóng góp ý kiến về việc triển khai các chính sách hỗ trợ về thuế, chính sách hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, chính sách an sinh xã hội. Trong đó, đối với lao động, việc làm và an sinh, xã hội, các đại biểu đề nghị cần có chính sách hợp lý hỗ trợ tiền thuê nhà trọ đối với nhóm lao động phi chính thức; bổ sung chính sách thu hút lao động quay trở lại làm việc cũng như chính sách hỗ trợ phát triển việc làm tại các địa phương. Về phân bổ nguồn lực, đối với mở cửa nền kinh tế gắn với phòng-chống dịch bệnh, cần rà soát, ưu tiên nguồn lực cho các dự án đã có đầy đủ thủ tục đầu tư, có thể thực hiện và giải ngân ngay.

Cũng trong ngày làm việc 7-1, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Cần Thơ. Các đại biểu cho rằng, việc Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Cần Thơ là phù hợp với chủ trương của Ðảng, pháp luật của Nhà nước và xu thế phát triển của đất nước. Qua đó, tạo cơ chế thu hút đầu tư, nâng cao đời sống Nhân dân, xây dựng TP. Cần Thơ thành trung tâm của vùng đồng bằng sông Cửu Long, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển của đất nước trong thời gian tới. Các đại biểu đề nghị, Chính phủ quan tâm chỉ đạo quy hoạch phát triển các khu đô thị ven biển; có chính sách hỗ trợ thêm, nhất là kinh phí đối ứng để thành phố thu hút đầu tư trên các lĩnh vực; có cơ chế, chính sách ưu đãi cho các chuyên gia đầu ngành làm việc trên địa bàn thành phố.

 

QUANG TẤN

Có thể bạn quan tâm

Cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1/9 phấn khởi khi được đoàn công tác đến thăm, chúc Tết. Ảnh: Q.T

Quà Tết đến với lính nhà giàn DK1

(GLO)- Dù phải đối mặt với không ít khó khăn, vất vả trong hải trình dài ngày vượt sóng to, gió lớn nhưng toàn bộ hàng hóa, quà Tết đã được đoàn công tác tàu Trường Sa 21 đưa đến các nhà giàn DK1 an toàn.

Bí thư Thành ủy Pleiku Trịnh Duy Thuân thăm, chúc Tết gia đình nguyên lãnh đạo Tỉnh ủy và người có công

Bí thư Thành ủy Pleiku Trịnh Duy Thuân thăm, chúc Tết gia đình nguyên lãnh đạo Tỉnh ủy và người có công

(GLO)- Nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, sáng 16-1, đoàn công tác do Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Pleiku Trịnh Duy Thuân làm trưởng đoàn đã đến thăm, chúc Tết, tặng quà nguyên lãnh đạo Tỉnh ủy và các gia đình có công trên địa bàn TP. Pleiku.