Kỳ cuối: Bạt ngàn "vàng trắng" xứ Kampong Thom

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
“Nói là Công ty trách nhiệm hữu hạn nhiều thành viên nhưng kỳ thực qua mấy năm thành lập và hoạt động trên địa bàn mới này, từ nguồn vốn, nhân lực, kỹ thuật, phương tiện, thiết bị… phục vụ cho sản xuất gần như có xuất xứ từ “Công ty mẹ”- Công ty Cao su Chư Sê”- tôi nói vậy khi trao đổi với các anh lãnh đạo của Công ty TNHH Phát triển Cao su Chư Sê-Kampong Thom chắc là không sai, nên thấy các anh chỉ… cười.
Nhớ lại sự ra đời của Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Sê ngày trước khi mà chỉ có mấy chục con người gồng gánh từ một “Công ty mẹ” ở xứ cao su miền Đông Nam bộ lên “lập nghiệp” ở Chư Sê- nơi chưa có tiền lệ trồng cao su. Cái xứ mà nắng mưa, mùa nào cũng làm cho con người phải kính nể thiên nhiên, chưa nói đây là nơi mà một thời chiến tranh ác liệt đã để lại bao nhiêu hậu quả, bà con nông dân ở đây còn quá nghèo khổ và lạc hậu cả trong sản xuất và đời sống… Biết bao khó khăn chồng chất lên nhau, đã không ít người đôi khi nản chí. Thế mà, bây giờ một “Cao su Chư Sê” đứng vững trên vùng đất khốn khó ngày nào- không dông dài, chỉ thưa với bạn đọc là Công ty này cách đây trên mười năm trước đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý- đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Điều ấy đủ nói lên tất cả những gì mà đôi bàn tay và khối óc của những người “khởi đầu nan” năm xưa đã làm nên. “Mẹ nào con nấy”, được sinh ra từ “người mẹ” như thế, những “đứa con” đi “mở cõi” lần này mang theo bao niềm hy vọng…
Dưới những hàng cao su chưa khép tán là đậu đỗ các loại. Ảnh: Bích Hà
Đường đến Kampong Thom. Ảnh: Bích Hà
Tổng Giám đốc Nguyễn Duy Linh cho tôi hay, Công ty của anh đang thực hiện đầu tư hai dự án trồng mới cao su tại 2 huyện thuộc tỉnh Kampong Thom, đó là: 7.000 ha cao su đứng tại huyện Stoung và 4.000 ha ở huyện Brasat Blangk. Tổng vốn huy động cho hai dự án này lên đến 80 triệu đô la Mỹ. Hiện Công ty đã trồng được trong vòng hai năm qua là trên 5,5 ngàn ha, trong đó, năm nay trồng được 3.000 ha. Như phần đầu bài viết này chúng tôi đã nói, vùng đất mà Công ty TNHH Phát triển Cao su Chư Sê-Kampong Thom được Nhà nước Campuchia cho thuê là nơi vô cùng phù hợp cho cây cao su.
Dẫn chúng tôi đi thăm “vườn”, các anh lãnh đạo doanh nghiệp đã đưa chúng tôi lạc vào những cánh rừng cao su tăm tắp bạt ngàn, xanh thẳm; dưới những hàng cây chưa khép tán là những luống đậu đỗ các loại, là những hàng bắp lai tươi xanh mơn mởn và ở đó lác đác màu áo xanh nâu của công nhân tại chỗ đang cần mẫn với công việc chăm sóc vườn cây được nhận khoán của mình. Chỉ với một năm tuổi thôi mà cây cao su đã cao vượt tầm người trung bình. Cùng với những vườn cây, hệ thống đường, cầu cống nội bộ được đầu tư xây dựng bài bản từ một doanh nghiệp do Nguyễn Đình Tiên- người gốc của Công ty Chư Sê ra làm Giám đốc- với một khối lượng xe máy đủ mạnh để thi công. Có được vùng đất hàng vạn ha lý tưởng cho loại “cây vàng” này, được biết những người đi tiên phong “mở cõi” cho nó đã tiêu tốn hàng trăm ngày ròng rã lội rừng, băng suối, hội thảo, hội nghị, đàm phán từ nhiều phía…
Khác với vụ trồng năm ngoái, mưa ít và hạn nhanh, với trên 2 ngàn ha vừa mới trồng vụ đầu lập tức gặp nắng, Công ty phải huy động nhân công, phương tiện và kinh phí khá lớn để đem nước từ sông về tưới cho vườn cây. Năm nay thời tiết thuận lợi, Công ty huy động lao động tại chỗ, có ngày lên đến 1,4 ngàn người ra đồng và trong chính vụ trồng, Công ty đã hoàn thành đúng tiến độ và nhiệm vụ giao 3,5 ngàn ha. “Dư thời gian (10-8-2011 đã trồng xong cao su), dư đất nên chúng tôi cho trồng thêm 500 ha mì”- anh Linh cho biết thêm. Chỉ 500 ha thôi mà mắt chúng tôi đã hết tầm nhìn khi đứng về một bên của ngút ngàn màu xanh của những luống mì đang vươn lên trên vùng đất màu mỡ, thẳng băng, tít tắp…
Dưới những hàng cao su chưa khép tán là đậu đỗ các loại. Ảnh: Bích Hà
Dưới những hàng cao su chưa khép tán là đậu đỗ các loại. Ảnh: Bích Hà
Dự kiến của doanh nghiệp trong tương lai mà Tổng Giám đốc Nguyễn Duy Linh vạch ra, chúng tôi thấy viễn cảnh vùng đất này sẽ giống như một Chư Sê giàu có thứ hai. Anh nói: Tới đây sẽ làm việc thống nhất với lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và các cơ quan, đơn vị chức năng phía Campuchia để thực hiện các thủ tục tô nhượng những vùng đất đã khảo sát và khẳng định về mặt khoa học cho cây cao su, phấn đấu phát triển diện tích cây cao su đứng từ 25 ngàn ha đến 30 ngàn ha. Đi đôi với đó là một hệ thống hoàn chỉnh về mặt hạ tầng phục vụ cho sản xuất và dân sinh mà số vốn huy động để đầu tư lên đến nhiều trăm triệu đô la Mỹ. Điều ấy cho ta thấy một tương lai “Chư Sê thứ hai” trên vùng đất bạn là điều không có gì phải bàn cãi. 
Cái ra đời sau bao giờ cũng tiến bộ hơn cái trước đó. Công ty TNHH Phát triển Cao su Chư Sê-Kampong Thom ra đời muộn hơn so với những đồng nghiệp của mình trên đất bạn, nhưng bù vào đó, một vùng dự án được khảo sát, điều tra kỹ lưỡng và quy hoạch khoa học, cụ thể, chi tiết từ vùng sản xuất đến những nhà máy chế biến, hệ thống giao thông nội bộ và đặc biệt là hạ tầng xã hội, những khu dân cư, trường học, trạm y tế, khu vui chơi giải trí… được tính đến ngay từ khi đặt cây cao su trên vùng đất này. Lao động tại chỗ (hiện bình quân 800 người có việc làm/tháng theo phương thức được doanh nghiệp vận dụng là khoán công việc, tận dụng hết công suất của người lao động) là vấn đề Công ty đặc biệt quan tâm. Đứng chân trên địa bàn của nhiều thôn làng, ngay những ngày đầu đặt chân đến, lãnh đạo doanh nghiệp đã lo đến công tác dân vận- một thế mạnh và truyền thống của doanh nghiệp từ Chư Sê qua mấy chục năm phát triển. Thứ đến, sự tôn trọng và phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương cũng được “đầu tư” đúng mức. Những ngày đầu gặp không ít khó khăn, gian khổ, gần một trăm anh chị em- chủ yếu là những người làm công tác quản lý, cán bộ khoa học, kỹ thuật, chuyên môn, nghiệp vụ… các anh các chị luôn chia sẻ, gắn bó, đùm bọc lẫn nhau, chi bộ Đảng và tổ chức Công đoàn đã hình thành- nơi làm chỗ dựa tinh thần cho mọi người lao động.
Khi hỏi về tiền lương, thu nhập…, anh chị em lao động tại đây tỏ ra vui mừng phấn khởi, cho hay với mức thu nhập hiện có là ổn rồi. Người lao động phổ thông có mức thu nhập bình quân 450.000 riel mỗi tháng đã như là điều mơ ước bao năm, nay thành hiện thực; còn các cán bộ lãnh đạo, quản lý, tùy người có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, thấp và nhiệm vụ cụ thể được giao mà thu nhập của họ cũng khá, tính ra cũng đến vài chục triệu VND mỗi tháng/người.
Công ty TNHH Phát triển Cao su Chư Sê- Kampong Thom (CRCK) được thành lập từ tháng 9-2009 do 3 cổ đông sáng lập là: Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Sê với 51% số vốn điều lệ; Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam góp 48%; 1% còn lại là của Công ty cổ phần Kiến thiết Xây dựng cơ bản và Địa ốc. Hiện Công ty có cơ cấu tổ chức và bộ máy: 1 Tổng Giám đốc, 2 Phó Tổng Giám đốc; 5 phòng chuyên môn; 3 nông trường (hiện đã thành lập 1); sẽ thành lập tiếp hai công ty trực thuộc, bao gồm: CRCK2 và Công ty Đầu tư BEANHEACK; trong tổng số 83 lao động gián tiếp có 11 người quốc tịch Campuchia; Công ty đứng chân trên địa bàn tỉnh Kampong Thom- Vương quốc Campuchia.
Thế nhưng, “buồn lắm chú ạ, xa nhà, xa bạn bè, quê hương…”- một trong 5 nữ cán bộ ở đây còn rất trẻ và đang là… “phòng không” sau khi tốt nghiệp đại học sang đây làm việc chia sẻ với tôi như vậy. Nhớ đến hồi cách đây trên 20 năm trước, tôi có dịp ở mấy ngày với người dân Ozadav (Rattanakiri) trong một chuyến công tác mà sau đó về mắc phải căn bệnh sốt rét và đã nằm viện ở Gia Lai gần cả tháng. Tôi chia sẻ điều này với các bạn ở đây thì được biết, bây giờ căn bệnh này đã không còn hoành hành nữa, nó đã được đẩy lùi từ lâu. Và vì thế tình hình sức khỏe và chăm sóc sức khỏe cho người lao động ở doanh nghiệp này cũng khá ổn. Các thầy thuốc của Công ty luôn chú ý tuyên truyền nhắc nhở người lao động tự chăm lo, giữ gìn sức khỏe cho chính mình.
Theo chân những người đi làm “vàng trắng” của Công ty Phát triển Cao su Chư Sê-Kampong Thom là những ngày cho tôi thêm nhiều ấn tượng, từ vùng đất, con người, cuộc sống và lao động… và hơn cả là sự tin tưởng vào cung cách đầu tư, với đội ngũ “ra đi lập nghiệp” từ mảnh đất- “cái nôi” Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới ấy sẽ làm nên chuyện lớn, mà cụ thể là góp phần cho việc di thực cây “vàng trắng” đến vùng đất bạn xa xôi, cùng với những người anh em bản xứ đưa cuộc sống của người dân nơi đây ngày thêm phát triển, ấm no và hạnh phúc, làm cho nghĩa tình bè bạn, anh em láng giềng ngày thêm được vun đắp bền chặt dài lâu…
Bích Hà


 

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.