Gần 10 năm qua, cựu chiến binh Trần Hồng Nghiêm tự bỏ tiền để mở đường, xây cầu cống giúp dân, mong muốn bù đắp một phần mất mát cho đồng đội, các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc
Đến xã Tân Thành, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông, hỏi tên ông Trần Hồng Nghiêm (68 tuổi; ngụ thôn Đắk Na, xã Tân Thành) ai cũng biết. Nhiều người ví ông là "Lục Vân Tiên" giữa thời bình.
10 năm, làm 42 km đường
Ông Nghiêm quê ở Hà Tĩnh. Theo tiếng gọi của đất nước, ông xin vào bộ đội, trải qua các chiến trường từ Bắc vào Nam và cả nước bạn Lào. Sau khi đất nước giải phóng, ông về quê lập gia đình; đến năm 1989 vào Tây Nguyên sinh sống.
Nhờ sự cần cù, chịu khó làm ăn, dành dụm nên gia đình ông Nghiêm cũng có của ăn của để, lo cho con cái trưởng thành. Đó cũng là lúc ông Nghiêm nghĩ đến chuyện làm đường giúp dân. "Thấy bà con khổ cực, đường sá đi lại khó khăn nên tôi cứ trăn trở mãi, mong mỏi làm đường cho bà con" - ông Nghiêm bộc bạch.
Nghĩ là làm, ông rong ruổi khắp nơi để khảo sát rồi vận động nhà hảo tâm chung tay làm đường cho bà con. Người dân địa phương đã quen hình ảnh ông Nghiêm với nước da cháy nắng, mang dép tổ ong, khoác trên mình bộ quân phục cựu chiến binh đi khắp nơi đo đếm, tính toán cách mở đường.
Đoạn đường liên thôn Đắk Na với Đắk Rí của xã Tân Thành vốn có độ dốc lớn, suối chảy băng qua đường, mùa mưa nước dâng cao, chảy xiết, làm xói lở, tạo thành vực sâu. Đường không được bồi đắp, tu sửa nên nhiều người đã bị tử nạn do xe công nông lao xuống vực hay nước cuốn trôi. Trước tình cảnh này, ông Nghiêm đã bỏ hàng trăm triệu đồng tiền túi và huy động một phần đóng góp của người dân để san ủi, tu sửa đường.
Có đường nhưng cầu Cháy làm bằng mấy cây gỗ đã hư hỏng, một người dân cũng phải bỏ mạng khi qua đây nên ông Nghiêm quyết định xây cầu mới. Mới đây, sau khi vận động người trong gia đình hỗ trợ, ông bán 10 con bò và 11 con dê, bán cả cà phê non và vay ngân hàng để làm cầu với tổng mức đầu tư 200 triệu đồng.
Gần 10 năm nay, ông Nghiêm đã bỏ ra hơn 1 tỉ đồng để xây 3 chiếc cầu, 2 cống, san ủi tu sửa tổng cộng 45 km đường.
Trong câu chuyện làm đường giúp dân, ông Nghiêm hồi tưởng thời chiến tranh, ban ngày, Mỹ rải bom khắp Trường Sơn phá đường, còn ban đêm bộ đội ta cùng thanh niên xung phong sửa đường để xe ta tiến vào Nam. Ký ức thời chiến in sâu trong cuộc đời ông và chuyện làm đường cũng là cách mà ông muốn bù đắp mất mát cho đồng đội, các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc.
|
Người lính già Trần Hồng Nghiêm bên tuyến đường do ông tự bỏ tiền làm |
Để lại tiếng thơm cho đời
Anh Y Đắk (ngụ xã Tân Thành) nhớ lại, trước đây con đường này rất xấu, 3 người dân trên đường đi làm rẫy bị tử nạn do rơi xuống vực, nước cuốn trôi. Thấy vậy, ông Nghiêm tự bỏ tiền ra làm, rồi huy động mọi người cùng chung tay đóng góp thêm khoảng 500 triệu đồng. Giờ đây, đoạn đường này thông thoáng, cầu được xây xong, bà con không còn lo như trước.
Còn anh Lê Khắc Doãn (ngụ cùng xã) hồ hởi: "Trước đây, máy cày cũng rất khó đi lại chứ đừng nói là xe máy. Mùa thu hoạch nông sản như tiêu, cà phê, mì, bắp, hầu hết người dân để lại trong rẫy. Nhờ có bác Nghiêm, giờ đường sá thuận tiện, bà con vận chuyển dễ dàng, mang về nhà phơi khô, bảo đảm được giá cả".
Bà Phan Thị Mến (vợ ông Nghiêm) cho hay khi biết chồng bán đàn bò, dê, bà rất tiếc bởi đây là những vật nuôi do bà tự tay chăm sóc bao năm qua. Nhưng khi nghe ông nói về chuyện làm đường, làm cầu để giúp dân, bà đồng thuận và hết lòng ủng hộ. Thế là ông toàn tâm toàn ý đi thuê kỹ sư khảo sát địa chất, thăm dò, thiết kế kỹ thuật để làm cầu. Sau nhiều tháng thi công, cây cầu Cháy vừa được hoàn thành. "Trước đoạn đường này là độc đạo để dân địa phương vận chuyển nông sản về xuôi. Việc làm đường, làm cầu không ai ép buộc nhưng tôi thấy mình phải có trách nhiệm với bà con. Trong những năm tới, tôi vẫn sẽ đến những nơi người dân có nhu cầu vận chuyển nông sản để làm đường, mở lối. Tôi cũng đã lớn tuổi nên mong muốn có thêm nhiều người đồng hành cùng giúp sức" - ông Nghiêm bày tỏ.
Ông Cao Văn Tính, Chủ tịch UBND xã Tân Thành, đánh giá cao nghĩa cử tốt đẹp của ông Nghiêm khi dốc hết tiền bạc, tâm sức để cùng chính quyền lo cho người dân. "Chúng tôi ghi nhận những việc làm của ông Nghiêm và hy vọng có thêm nhiều người tốt như ông để người dân bớt khổ, cuộc đời thêm tươi đẹp" - ông Tính nói.
Cựu binh 32 lần hiến máu cứu người Ông Nguyễn Tấn Chờ (ngụ xã Quảng Tiến, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) đã trải qua 32 lần hiến máu nhân đạo, cứu giúp những hoàn cảnh khó khăn. Năm 1987, trong một lần đi công tác tại một tiểu đội trinh sát, có một đồng chí mất máu nhiều, rơi vào tình trạng nguy kịch nên ông Chờ tình nguyện tiếp máu. Sau lần đó, lúc phục viên trở về địa phương, ông thường xuyên đến các bệnh viện để hiến máu cứu người. Hễ biết tin bệnh viện nào thông báo có bệnh nhân cần máu là ông gác mọi việc, tức tốc chạy đến để kịp thời cho máu. | Cựu binh Nguyễn Tấn Chờ 32 lần hiến máu cứu người | Không chỉ hiến máu cứu người, ông Chờ cùng một số người bạn đã thành lập bếp cháo tình thương, phát cháo miễn phí cho bệnh nhân nghèo. Đến nay, bếp cháo tình thương của ông đã có 40 người tình nguyện tham gia. Nhận thấy việc làm ý nghĩa của ông Chờ, UBND huyện Cư M’gar đã giúp ông xây một bếp cháo ngay trong khuôn viên Bệnh viện Đa khoa huyện Cư M’gar để các thành viên thuận lợi trong việc nấu và phát cháo cho bệnh nhân. "Khi nào còn sức, tôi sẽ tiếp tục hiến máu, làm những việc ý nghĩa để chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn" - ông Chờ tâm sự. |
Cao Nguyên (nld)