Kông Chro quảng bá nông sản thông qua hội chợ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ đầu năm đến nay, huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) tổ chức thành công 4 hội chợ, phiên chợ và hội thi giới thiệu nông sản an toàn. Đây là dịp để các hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp và người dân kết nối cung cầu, quảng bá sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Nâng cao giá trị sản phẩm

Hội chợ nông sản an toàn và thương mại, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi huyện Kông Chro năm 2024 diễn ra trong 2 ngày 25 và 26-10 tại khu vực đường Lê Hồng Phong (thị trấn Kông Chro). Hội chợ thu hút 33 gian hàng của các HTX, hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn huyện; giới thiệu hơn 100 loại nông sản, sản phẩm OCOP, đồ thủ công mỹ nghệ, ẩm thực của địa phương.

kong-chro-quang-ba-nong-san-thong-qua-hoi-cho-bg.jpg
Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ xã Kông Yang bán được 6 tạ nhãn T6 tại hội chợ. Ảnh: N.M

Chị Đinh Thị Bé (tổ dân phố Plei Nghe, thị trấn Kông Chro) cho hay: Năm 2018, chị tham gia hội chợ giới thiệu một số sản phẩm do gia đình làm ra như: gạo, củ mì, bắp hạt, gà. 3 năm gần đây, chị giới thiệu đa dạng mặt hàng gồm: rượu cần, gùi, rổ, rá, váy áo, khăn thổ cẩm; đồng thời, chế biến món cơm lam, gà nướng, cá suối nướng, thịt heo nướng, ốc suối hấp sả ớt để phục vụ khách hàng.

“Được khách hàng góp ý và tin dùng sản phẩm truyền thống, tôi mở cửa hàng chuyên cung cấp các loại nông sản, thực phẩm của người Bahnar ở Kông Chro, mang lại nguồn thu nhập ổn định 10-15 triệu đồng/tháng”-chị Bé chia sẻ.

Tham gia hội chợ, HTX Nông nghiệp và dịch vụ xã Kông Yang trưng bày giống nhãn T6, ổi ruby ruột đỏ, ổi nữ hoàng, ổi lê, dứa mật và một số nông sản. Ông Trịnh Tuấn Anh-Giám đốc HTX-cho hay: Hợp tác xã hiện có 26 thành viên trồng gần 80 ha cây ăn quả. Qua các đợt tham gia hội chợ, người tiêu dùng ưa chuộng giống nhãn T6. Năm 2022, nhãn T6 được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh và đạt chứng nhận VietGAP năm 2023.

“Từ khi giống nhãn T6 đạt chứng nhận VietGAP, chúng tôi bán hàng thuận lợi hơn. Trong 2 ngày diễn ra hội chợ, các thành viên bán được 6 tấn nhãn T6, doanh thu 24 triệu đồng; chưa kể các loại trái cây, nông sản khác”-ông Trịnh Tuấn Anh nói.

Dành thời gian tham quan, mua sắm tại hội chợ, chị Đinh Thị Quỳnh (làng Hle Hlang, xã Yang Trung) chia sẻ: “Hàng hóa trưng bày tại hội chợ đa dạng về chủng loại, giá cả phải chăng. Cùng với mua sắm, tôi còn được thưởng thức các món ăn truyền thống, ẩm thực đặc trưng của địa phương”.

Ông Trần Văn Đấu-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kông Chro-khẳng định: Hội chợ không chỉ góp phần thúc đẩy tiêu thụ nông sản, sản phẩm vùng đồng bào DTTS mà còn quảng bá, xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm. Đồng thời, tạo việc làm và thu nhập ổn định kết hợp với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng DTTS.

“Sau 2 ngày diễn ra, hội chợ đã thu hút hơn 1.000 lượt người dân tham quan, mua sắm. So với hội chợ năm ngoái, doanh thu năm nay cao hơn và nhiều hơn 3 gian hàng”-ông Đấu thông tin.

Mở rộng quy mô

Những năm trước, mỗi lần tham gia hội chợ, thị trấn Kông Chro đăng ký 1-2 gian hàng. Năm nay, thị trấn đăng ký 5 gian hàng gồm: 2 gian hàng về ẩm thực, 1 gian hàng nông sản, 1 gian hàng thủ công mỹ nghệ và 1 gian hàng cây hoa cảnh. Các sản phẩm giới thiệu tại hội chợ đa dạng, phong phú hơn.

Phó Chủ tịch UBND thị trấn Nguyễn Văn Tuấn cho hay: Từ khi huyện ban hành kế hoạch tổ chức hội chợ, thị trấn xây dựng kế hoạch chi tiết gửi đến các hội, đoàn thể và các tổ dân phố thông báo rộng rãi tới người dân, hội viên, hộ sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp trên địa bàn nắm bắt và tham gia. Năm sau khi huyện tổ chức hội chợ, thị trấn sẽ đăng ký thêm một số gian hàng.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Huỳnh Ngọc Ẩn: Những năm gần đây, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của huyện tăng đáng kể; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa có giá trị.

2nm.jpg
Các gian hàng trưng bày đa dạng chủng loại nông sản và đóng gói, dán nhãn, thông tin giá cả sản phẩm chuyên nghiệp hơn. Ảnh: Ngọc Minh

Tuy nhiên, đầu ra các sản phẩm nông nghiệp và cách tiếp cận thị trường của các cơ sở sản xuất nông sản, nhất là người DTTS còn gặp nhiều khó khăn. Trước thực tế đó, từ năm 2018 đến nay, huyện đều đặn tổ chức hội chợ 1 lần/năm, thu hút đông đảo người dân, hộ sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm và quy mô hội chợ ngày một lớn hơn.

“Những năm tới, UBND huyện tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi; xây dựng các mô hình kinh tế nông nghiệp xanh theo chuỗi liên kết và tiêu thụ sản phẩm; đăng ký tham gia Chương trình OCOP, VietGAP.

Đồng thời, phối hợp tổ chức các hội chợ, phiên chợ, hội thi nhằm tạo điều kiện để bà con nông dân giới thiệu, quảng bá, tìm đầu ra cho sản phẩm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội địa phương”-ông Ẩn nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

Để kích cầu tiêu dùng dịp cuối năm, Siêu thị Co.op Mart Pleiku đang triển khai nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn hỗ trợ người tiêu dùng mua sắm. Ảnh: V.T

Chủ động nguồn hàng phục vụ Tết

(GLO)- Nhằm bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa trên thị trường, không để xảy ra tình trạng khan hàng, tăng giá đột biến trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, các doanh nghiệp tại Gia Lai đã chủ động nguồn hàng để phục vụ người tiêu dùng với mức giá bình ổn.

Các chủ thể OCOP đã lên thiết kế mẫu hộp quà tặng Tết. Ảnh: V.T

Sản phẩm OCOP vào mùa phục vụ Tết

(GLO)- Dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa, trong đó có các sản phẩm OCOP thường tăng rất cao. Thời điểm này, các chủ thể OCOP trên địa bàn tỉnh Gia Lai đang tập trung đẩy mạnh sản xuất, thiết kế mẫu mã bao bì phục vụ nhu cầu tiêu dùng và mua làm quà tặng dịp Tết.