Kông Chro kết nối tiêu thụ nông sản vùng dân tộc thiểu số

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong 2 ngày (11 và 12-8), UBND huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) tổ chức Hội chợ nông sản an toàn nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Hội chợ đã thu hút hàng ngàn lượt người dân và du khách đến tham quan, mua sắm các loại nông sản đặc trưng của địa phương.

Nhiều sản phẩm được khách hàng ưa chuộng

Sau một vòng tham quan hội chợ, chị Nguyễn Thị Như Mai (thị trấn Kông Chro) dừng tại gian hàng của xã Ya Ma để lựa chọn các nông sản như: rau rừng, đậu, mật mía nhà làm, ổi nữ hoàng, quýt đường, hoa đu đủ đực... Chị Mai cho hay: “Thông qua hội chợ lần này, tôi biết được nhiều sản phẩm chất lượng tốt, nhất là các loại đậu, rau rừng. Tôi đã chọn mua ổi nữ hoàng, các loại đậu, mật mía để gia đình sử dụng”.

Còn ông Nguyễn Hùng Cường (xã Kông Yang) tỏ ra thích thú với các sản phẩm nông sản sạch của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và dịch vụ Kông Yang. Ông chia sẻ: “Tôi chọn mua nhãn T6 của Hợp tác xã là sản phẩm đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh và na Thái. Ngoài ra, tôi mua 5 cây giống dừa xiêm lùn của HTX về trồng trong vườn nhà để vừa tạo bóng mát, vừa lấy quả. Tôi hy vọng hội chợ như thế này sẽ được tổ chức thường xuyên để người tiêu dùng có điều kiện lựa chọn những sản phẩm chất lượng”.

Người dân và du khách tham quan, mua sắm nông sản tại hội chợ. Ảnh: Đ.Y

Người dân và du khách tham quan, mua sắm nông sản tại hội chợ. Ảnh: Đ.Y

Theo ông Trịnh Xuân Anh-Giám đốc HTX Nông nghiệp và dịch vụ Kông Yang, đây là lần thứ 4 HTX tham gia hội chợ nông sản an toàn do huyện tổ chức. Ngoài sử dụng mạng xã hội để quảng bá sản phẩm, thông qua hội chợ, HTX đã kết nối nhiều hơn với người tiêu dùng. Tại hội chợ lần này, HTX trưng bày hơn 20 loại sản phẩm, trong đó có nhiều sản phẩm được khách hàng ưa chuộng như: nhãn T6, bưởi da xanh, ổi Ruby, na dai, sầu riêng hạt lép D6, cây giống dừa xiêm lùn… “Hợp tác xã hiện có 40 thành viên với trên 76 ha cây ăn quả được trồng theo hướng hữu cơ, VietGAP. Ngoài tiêu thụ ở thị trường trong và ngoài tỉnh, sản phẩm trái cây của HTX còn xuất khẩu sang một số nước Trung Đông và Trung Quốc”-ông Trịnh Xuân Anh thông tin.

Quảng bá, giới thiệu sản phẩm độc đáo

Ông Vũ Đặng Học (thôn 9, xã Chơ Long) mang bí quyết quay thịt heo gia truyền từ quê hương Lạng Sơn vào huyện Kông Chro hành nghề. Sản phẩm heo quay của gia đình ông dần nổi tiếng, được khách hàng khắp huyện tìm mua. Tham gia hội chợ, ông Học chia sẻ: “Tôi mừng vì sản phẩm heo quay của gia đình đã được người tiêu dùng tin tưởng, ưa chuộng. Bình quân mỗi ngày, tôi quay 2 con heo bán tại thôn. Ngoài ra, tôi còn quay thịt cho khách ở nhiều nơi gọi điện thoại đặt hàng. Có ngày, tôi quay đến hơn chục con heo”.

Từ TP. Hồ Chí Minh trở về thăm quê ở thị trấn Kông Chro, chị Nguyễn Thị Hạnh cũng ghé thăm hội chợ. Sau khi ăn thử nhãn lồng và na dai tại gian hàng nông sản xã Chơ Long, chị quyết định mua 50 kg nhãn và 50 kg na dai gửi vào cho gia đình ở TP. Hồ Chí Minh. Cùng với đó, chị còn mua gạo, măng le khô để về dùng trong gia đình và làm quà tặng bạn bè. “Tôi không ngờ trái cây ở vùng đất Kông Chro lại ngon, ngọt như thế. Ngoài ra, các loại gạo, đậu, măng le, rau rừng được bà con mang đến hội chợ đều là sản phẩm sạch, mua dùng rất yên tâm”-chị Hạnh bộc bạch.

Cơ sở hàng thủ công mỹ nghệ của anh Hoàng Hữu Công trưng bày tại Hội chợ. Ảnh: Đinh Yến

Cơ sở hàng thủ công mỹ nghệ của anh Hoàng Hữu Công trưng bày tại Hội chợ. Ảnh: Đinh Yến

Hội chợ lần này còn trưng bày các sản phẩm đồ gỗ, đá mỹ nghệ được anh Hoàng Hữu Công (tổ 7, thị trấn Kông Chro) tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương để chế tác như cóc ngậm vàng, đá phong thủy. Anh Công cho biết: “Từ hình thù con cóc, tôi sáng tạo ra nhiều loại cóc ngậm vàng theo dáng gỗ. Tôi cũng tìm kiếm đá phong thủy ở địa bàn về chế tác ra những sản phẩm lạ, độc đáo để bán. Hiện nay, sản phẩm của tôi bán qua hội chợ, mạng xã hội được khách hàng trong nước đặt mua”.

Hội chợ nông sản an toàn năm nay có sự tham gia của 34 gian hàng với trên 100 sản phẩm của các xã, thị trấn và một số cơ sở kinh doanh, hợp tác xã trên địa bàn huyện. Các gian hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm đạt tiêu chuẩn hữu cơ, chứng nhận OCOP gồm: rau củ quả, thịt gia súc, gia cầm, trứng gia cầm, trái cây sấy, thịt chế biến, gạo, đậu đỗ các loại; cây giống, con giống, hoa cảnh và các món ăn truyền thống như cơm lam gà nướng, các loại bánh được làm thủ công...

Ông Huỳnh Ngọc Ẩn-Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban tổ chức hội chợ-nhấn mạnh: Hội chợ giúp người tiêu dùng tiếp cận được nông sản đảm bảo chất lượng, an toàn, mang tính chất đặc trưng của huyện. Qua 2 ngày diễn ra, hội chợ đón hàng ngàn lượt khách hàng tham quan, mua sắm. Đây cũng là cơ hội kết nối giữa người sản xuất, doanh nghiệp với khách hàng, giúp đưa những sản phẩm sạch và chất lượng cao đến gần hơn với người tiêu dùng.

Có thể bạn quan tâm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

(GLO)-Ngày 14-1, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp ký ban hành Quyết định số 28/QĐ-UBND về việc công nhận kết quả đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm đợt II-2024.

Trung Quốc ra cảnh báo với sầu riêng, mít Việt Nam

Trung Quốc ra cảnh báo với sầu riêng, mít Việt Nam

Liên tiếp các lô hàng trái cây tươi của Việt Nam xuất khẩu bị nhiều nước nhập khẩu cảnh cáo vì không tuân thủ yêu cầu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Hệ thống kênh nhánh dẫn nước tại thủy lợi Plei Keo về làng Vơng Chép (xã Ayun). Ảnh: N.D

Chư Sê chủ động ứng phó với nguy cơ thiếu nước tưới

(GLO)- Trước thông tin dự báo về thời tiết diễn biến khắc nghiệt, cộng với việc công trình hồ thủy lợi Ia Ring gặp sự cố, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã chủ động xây dựng phương án ứng phó với nguy cơ thiếu nước tưới cuối vụ Đông Xuân 2024-2025 nhằm giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp.

“Làng yến” trên cao nguyên

“Làng yến” trên cao nguyên

(GLO)- Năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Phố Yến (thôn Thắng Lợi 3, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) bắt đầu triển khai xây dựng mô hình “làng yến” với nhiều nhà nuôi yến được quy hoạch bài bản, khoa học. Mô hình mới này bước đầu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.