Kông Chro hướng đến mục tiêu phát triển nhanh, bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng huyện Kông Chro đã có bước phát triển vượt bậc trên tất cả các lĩnh vực sau 35 năm thành lập (30/5/1988-30/5/2023). Những kết quả đáng tự hào ấy là động lực để Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc trong huyện tiếp tục nỗ lực vượt khó xây dựng Kông Chro phát triển nhanh, mạnh và bền vững.

Những thành tựu đáng tự hào

Phó Chủ tịch UBND huyện Huỳnh Ngọc Ẩn cho hay: Khi mới thành lập, Kông Chro gặp nhiều khó khăn như sản xuất còn lạc hậu, manh mún, nhỏ lẻ; cơ sở vật chất, hạ tầng kinh tế-xã hội, giao thông, thủy lợi rất khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 90%; dân trí thấp, đội ngũ cán bộ vừa thiếu, vừa yếu về trình độ chuyên môn nghiệp vụ...

Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền trong 35 năm qua, từ một huyện nghèo nàn, lạc hậu, Kông Chro đã từng bước khắc phục khó khăn và đạt được những thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực.

Cảnh quan đô thị thị trấn Kông Chro ngày càng xanh-sạch-đẹp. Ảnh: Q.T

Cảnh quan đô thị thị trấn Kông Chro ngày càng xanh-sạch-đẹp. Ảnh: Q.T

Đến nay, bộ mặt từ đô thị đến nông thôn ngày càng đổi mới, đời sống người dân được cải thiện rõ nét. Trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế qua các giai đoạn được duy trì ở mức cao, quy mô nền kinh tế ngày càng lớn, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực và đúng hướng. Năm 2022, tổng giá trị sản xuất tăng trưởng ở mức 13,65%, vượt 0,04% so với nghị quyết đề ra. Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) được triển khai sâu rộng.

Đến cuối năm 2020, huyện có 1 xã và 3 làng đạt chuẩn NTM. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cũng được quan tâm triển khai thực hiện với 4 sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân giai đoạn 2015-2020 giảm 7,57%/năm; đến cuối năm 2022 giảm 6,63% (hiện còn 36,69%); chất lượng cuộc sống người dân được nâng lên rõ rệt.

Chia sẻ niềm vui trước sự đổi thay của quê hương, ông Hoàng Đình Dũng (thôn 2, xã Kông Yang) cho biết: Trước đây, đời sống của gia đình cũng như người dân trong xã gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân do đất đai cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt nên mùa màng thường thất bát, làm không đủ ăn. Nhờ được Nhà nước quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông, thủy lợi cũng như hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp nên cuộc sống người dân ngày được cải thiện.

“Riêng gia đình tôi, sau khi chuyển đổi 1,5 ha mía kém hiệu quả sang trồng nhãn T6 và tham gia Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Kông Yang, được hỗ trợ về vay vốn đầu tư sản xuất, kỹ thuật canh tác nên năng suất cây trồng tăng, thu nhập được nâng lên đáng kể. Năm 2022, sau khi trừ chi phí đầu tư, tôi thu được gần 200 triệu đồng từ cây nhãn T6”-ông Dũng vui vẻ nói.

Đề cập đến những đổi thay của địa phương, ông Đào Quốc Định-Chủ tịch UBND xã Kông Yang-thông tin: Bộ mặt nông thôn của xã ngày càng khởi sắc, giao thông thuận tiện, nhà cửa khang trang hơn. Đặc biệt, người dân đã dần thay đổi tư duy từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung, quy mô lớn, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cũng như liên kết hình thành các chuỗi giá trị. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh qua các năm, từ một xã có tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 80% dân số, nay giảm còn 27,95%; thu nhập bình quân đầu người tăng dần qua các năm và đạt 28,34 triệu đồng vào năm 2022.

Còn ông Chu Văn Thuần-Chủ tịch UBND thị trấn Kông Chro thì cho hay: “Những năm qua, nhiều tuyến đường nội thị được đầu tư mở rộng, nâng cấp, làm vỉa hè, điện chiếu sáng, điện trang trí… đã từng bước tạo điểm nhấn cho đô thị. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, chuyển dần từ sản xuất nông nghiệp sang thương mại-dịch vụ. Đời sống kinh tế của người dân cũng từng bước được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm giảm 5%, hiện còn 35%”.

Bên cạnh đó, chất lượng giáo dục và đào tạo cũng được huyện chú trọng và không ngừng nâng cao. Đến nay, toàn huyện có 14/32 trường đạt chuẩn quốc gia. Công tác chăm sóc sức khỏe người dân được chú trọng, cơ sở vật chất của ngành Y tế được đầu tư, nâng cấp. Toàn huyện đã có 13 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, du lịch, thông tin truyền thông đều chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân.

Quốc phòng được củng cố, an ninh chính trị được giữ vững, trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo. Hệ thống chính trị hoạt động đồng bộ từ cấp huyện đến cơ sở; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước không ngừng được nâng cao. Đặc biệt, khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng được củng cố, dân chủ được phát huy, người dân phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo và công cuộc đổi mới của Đảng, vào sự đổi thay của quê hương, đất nước.

Huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển

Dù có nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng huyện Kông Chro chưa khai thác triệt để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Kông Chro vẫn còn là huyện nghèo, trình độ dân trí của một bộ phận người dân còn hạn chế, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, sản xuất phụ thuộc vào thời tiết, đầu ra bấp bênh, giá thấp… Điều đó đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc trong huyện phải tiếp tục đoàn kết, ra sức phấn đấu hơn nữa, cùng nhau vượt qua mọi khó khăn để phát triển.

Nhờ chuyển đổi cây trồng phù hợp, cuộc sống của gia đình ông Hoàng Đình Dũng (thôn 2, xã Kông Yang) ngày càng ổn định. Ảnh: N.S

Nhờ chuyển đổi cây trồng phù hợp, cuộc sống của gia đình ông Hoàng Đình Dũng (thôn 2, xã Kông Yang) ngày càng ổn định. Ảnh: N.S

Chủ tịch UBND thị trấn Kông Chro cho biết: “Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 trở thành đô thị loại IV, chúng tôi tiếp tục quản lý tốt quy hoạch; huy động mọi nguồn lực đầu tư hoàn thiện hạ tầng đô thị. Cùng với đó, thị trấn chú trọng thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nhất là ngành thương mại-dịch vụ”. Còn ông Đào Quốc Định-Chủ tịch UBND xã Kông Yang thì cho hay: “Xã sẽ tiếp tục củng cố, thành lập các tổ nhóm sản xuất tại các thôn, làng để hướng dẫn người dân phát triển sản xuất; triển khai nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả cao như chuyển sang trồng cây ăn quả. Đồng thời, huy động mọi nguồn lực xây dựng NTM, phấn đấu đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2025”.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Huỳnh Ngọc Ẩn: Phát huy truyền thống của quê hương cách mạng, thời gian tới, Đảng bộ và Nhân dân huyện Kông Chro quyết tâm thực hiện tốt công cuộc đổi mới, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân, khai thác tốt tiềm năng, huy động mọi nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế bền vững, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ, xây dựng NTM, đô thị văn minh, chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ VIII đã đề ra. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư và khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển.

Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe người dân; đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, thông tin, thể dục thể thao, bảo vệ môi trường; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững. Tập trung giải quyết các vấn đề xã hội, cải thiện đời sống người dân, tăng cường quốc phòng-an ninh, giữ vững trật tự, an toàn xã hội, an ninh nông thôn; tăng cường công tác phòng-chống các loại tội phạm. Triển khai thực hiện tốt 3 chương trình mục tiêu quốc gia và chú trọng công tác thu ngân sách.

Người dân huyện Kông Chro sống khỏe nhờ trồng rừng. Ảnh: Tấn Sang

Người dân huyện Kông Chro sống khỏe nhờ trồng rừng. Ảnh: Tấn Sang

“Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện Kông Chro sẽ tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết, sáng tạo, phát huy nội lực, chủ động khắc phục khó khăn, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ công tác của năm 2023 và kế hoạch 5 năm (2021-2025). Theo đó, tiếp tục phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy dân chủ, nâng cao chất lượng hoạt động của cả hệ thống chính trị, huy động mọi nguồn lực để phát triển kinh tế-xã hội. Tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”-Phó Chủ tịch UBND huyện Huỳnh Ngọc Ẩn nhấn mạnh.

Huyện Kông Chro được thành lập trên cơ sở tách ra từ huyện An Khê (nay là thị xã An Khê). Lúc đó, huyện có 8 đơn vị hành chính cấp xã, dân số trên 17,5 ngàn người, diện tích tự nhiên trên 143 ngàn ha, toàn Đảng bộ huyện có 370 đảng viên với 20 tổ chức cơ sở Đảng. Đến nay, huyện có 14 đơn vị hành chính, dân số trên 56 ngàn người, toàn Đảng bộ có 2.535 đảng viên và 44 tổ chức cơ sở Đảng.

Với những nỗ lực phấn đấu, Đảng bộ, quân và Nhân dân huyện Kông Chro đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhất, nhì, ba; được Chính phủ tặng cờ thi đua năm 2016 và nhiều năm được UBND tỉnh tặng cờ đơn vị dẫn đầu xuất sắc trong các phong trào thi đua của tỉnh.

Có thể bạn quan tâm

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.
Thăm vườn nho hữu cơ ở Ia Grai

Thăm vườn nho hữu cơ ở Ia Grai

(GLO)- Cách TP. Pleiku chừng 15 km, vườn nho Gia Lai (ở tổ dân phố 7, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) của anh Đặng Đại Dương đã bắt đầu cho thu hoạch những lứa quả đầu tiên và đón khách đến tham quan, trải nghiệm.
Pleiku lan tỏa phong trào hiến máu tình nguyện

Pleiku lan tỏa phong trào hiến máu tình nguyện

(GLO)- Hưởng ứng phong trào hiến máu tình nguyện (HMTN) với thông điệp "Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại", nhiều người dân ở TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) đã tích cực tham gia HMTN. Việc làm của họ đã góp phần đáp ứng nhu cầu máu cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân.