Khung cửa sổ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mỗi sớm, tôi thích nán lại bên cửa sổ, thả tầm nhìn ra bên ngoài, ngẩng mặt lên nhìn bầu trời xanh mênh mông, cao vợi, ngắm những sợi nắng mảnh mai rớt xuống sân nhà, xiên xiên qua khung cửa. Tôi đưa tay hứng nắng, nắng ướp lên bàn tay tôi hương vị yên bình của buổi sớm mai. Tôi hít căng lồng ngực không khí thơm lành, đưa mắt nhìn cành hồng vươn lên, những chiếc nụ hoa bé xíu từ từ nhả giọt sương đêm khi nắng lên. Ngoài kia, những em bé Jrai tíu tít gọi nhau đến trường trên con đường ngang qua trước nhà… Và chân trời, chân trời xa xa diệu vợi. Chân trời như mở ra trước mắt, ngút ngàn xanh mà cũng rất gần!

Mỗi chiều, khi tôi từ công sở trở về, như đã hẹn sẵn, đôi bồ câu nhà hàng xóm lại ghé qua khung cửa sổ, chụm đầu vào nhau rúc rích. Tôi tưởng tượng đó là cuộc hẹn hò yêu đương. Chim chóc, muông thú cũng như con người, cũng có bạn, có gia đình và có cả những cuộc làm quen, hò hẹn… Biết vậy nên tôi cố giữ yên lặng nhất có thể để khỏi làm xao động đến cuộc gặp gỡ của đôi chim câu.

Nơi góc nhỏ có khung cửa sổ, tôi kê chiếc bàn để mỗi tối thoải mái ngồi đấy viết những gì mình thích hay chìm đắm trong cuốn sách bạn tôi tặng, thi thoảng lại nhìn ra ngoài. Bầu trời đêm gió lùa xạc xào, gió len qua khung cửa táp vào da thịt. Lạnh, nhưng tôi vẫn mở cửa để đón nhận mùi vị của đêm, rồi đôi khi lười biếng cứ thế cuộn mình lại trong chiếc chăn và gục đầu xuống bàn ngủ quên.

Nhà tôi ở vùng ven thành phố nên ánh trăng đêm không bị lấn át bởi ánh đèn đường. Mùa hè, những đêm trăng chiếu rọi xuống sân nhà, con trai tôi chạy nghịch dưới ánh sáng vằng vặc. Từ trong nhà, ngắm nhìn con chơi qua khung cửa sổ, tôi như trở về với những ngày thơ bé của mình.

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Ngày còn bé, tôi vẫn thường vờ ngủ trưa, khi mẹ ngủ thì lén leo qua khung cửa sổ để cùng chúng bạn tham gia trò con trẻ. Có hôm chị em tôi ngồi vắt vẻo trên cửa sổ, nhìn ra con đường phía sau nhà ngóng mẹ đi chợ về, chỉ cần thấy mẹ đằng xa là hai chị em nhảy xuống chạy ra đón mẹ để chia nhau túm kẹo ú, mớ bỏng ngô hay những món quà vặt mẹ mang về để làm niềm vui cho con trẻ... Những đêm mùa hè, chúng tôi vẫn thường giành nhau nằm sát cửa sổ để gió từ bên ngoài lùa vào được mát hơn, nhưng bao giờ tôi cũng thua em trai vì mẹ bảo con gái không được ngủ cạnh cửa sổ. Đã có lần tôi giận mẹ thiên vị em trai nên đêm ngủ quay lưng về phía mẹ. Giữa đêm, tôi cựa mình tỉnh giấc, thấy mẹ đang dùng quạt mo cau quạt mát cho tôi. Và từ đó, tôi không bao giờ tranh giành với em nữa.

Chiều nay, Phố núi đổ mưa, cành hồng trước sân ướt sũng nước, đôi chim câu không ghé vào ô cửa tự tình. Tôi tự pha cho mình ly cà phê rồi ngồi bên khung cửa sổ nhìn những hạt mưa rơi, nhẩn nha theo giai điệu của một bản nhạc phát ra từ máy tính. Mỗi người ai cũng có những sở thích và ưu ái dành riêng cho mình. Với tôi, mỗi ngày trở về nhà, được chính tay mở toang cánh cửa sổ đã là niềm vui rất đỗi dịu dàng.

PHÚC AN

Có thể bạn quan tâm

Thơ Nguyễn Ngọc Phú: Tấm áo Điện Biên

Thơ Nguyễn Ngọc Phú: Tấm áo Điện Biên

(GLO)- Tấm áo trấn thủ đã trở thành biểu tượng gắn liền với người chiến sĩ Điện Biên trong suốt 56 ngày, đêm "đánh lấn từng thước đất". Ngắm nhìn tấm áo ấy được trưng bày trong bảo tàng, tác giả Nguyễn Ngọc Phú bồi hồi, tưởng như được sống lại phút giây chiến đấu hào hùng của cha anh.
Thơ Hà Hoài Phương: Tự khúc

Thơ Hà Hoài Phương: Tự khúc

(GLO)- "Tự khúc" của tác giả Hà Hoài Phương là những chiêm nghiệm rất thực về cuộc đời. Sau cơn mưa trời lại sáng, không có điều gì tồn tại mãi, dù đó có là những niềm vui, hạnh phúc hay khổ đau...
Xếp sách nghệ thuật

Xếp sách nghệ thuật

(GLO)- Như một kiến trúc sư với nguyên vật liệu là sách, các nhân viên Thư viện tỉnh Gia Lai đã dày công sáng tạo và mô phỏng thành công nhiều công trình văn hóa-lịch sử đẹp mắt nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền về văn hóa đọc.
Thơ Ngô Thanh Vân: Vào hội

Thơ Ngô Thanh Vân: Vào hội

(GLO)- Đất trời Tây Nguyên trong bung biêng thanh âm cồng chiêng, men cay rượu cần nồng nàn, vấn vít, nhịp xoang quyến luyến, tay nắm tay chẳng rời... được nhà thơ Ngô Thanh Vân một lần nữa nhắc đến trong bài thơ "Vào hội".

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

(GLO)- Biết bao nhiêu người đã ngã xuống, đổi máu xương cho đất nước, quê hương thanh bình. Thương xót và biết ơn, những dòng thơ của nhà thơ Phạm Đức Long cũng trở nên da diết: "Xin người hóa núi hóa sông/Ngàn năm mây trắng phiêu bồng bóng quê!"...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...