Mùa hoa phượng cuối cùng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chúng tôi đã không giữ được lời hứa với bà ngoại: "Mai mốt lớn lên nên vợ nên chồng". Nhỏ lấy chồng trong mùa phượng cuối cùng của tuổi học trò, bỏ chân trời với những kỷ niệm ấu thơ.



Hai mươi năm trước, chỗ cây phượng cuối xóm Ngồng, tôi đứng ngẩn ngơ đợi cô bạn gái nhỏ nhắn, tóc cột hai chùm cùng đi đến trường. Ngoại nhỏ thấy vậy, cười trêu: "Đợi cháu ngoại đi học mỗi ngày, sau này lớn cưới cháu ngoại luôn đó nghen". Tôi cười tít mắt. Con nít hỉ mũi chưa sạch có biết gì đâu tới chuyện cưới xin.

Thời gian trôi qua, tôi lớn lên và cô bạn nhỏ cũng lớn dần theo năm tháng. Tôi vẫn đợi nhỏ dưới gốc cây phượng già. Cô bạn của tôi cũng không còn cột tóc cao, mặc váy ngang đầu gối nữa. Nhỏ bắt đầu biết để tóc dài, mặc áo dài trắng tinh khôi. Cách nhỏ ôm cặp cũng dịu dàng hơn và bao giờ nhỏ cũng đi lùi về sau tôi một vài bước.

Lần nào đứng dưới gốc phượng đợi nhỏ tôi cũng ngước mắt nhìn lên trên vòm cây, coi có bông hoa nào nở rộ hay chưa. Thường thì tôi chỉ vui khi phượng chưa nở, đến khi phượng nở lại buồn. Bởi lẽ phượng nở là hè sang, mà hè sang thì tôi không còn cớ gì để đứng đợi cô bạn nhỏ của mình dưới gốc phượng xóm Ngồng cạnh cánh đồng, có con đường quanh co dẫn lối đến trường. Tôi buồn khi mình không trông thấy nhỏ mặc áo dài, e lệ bước trên con đường rợp màu hoa cỏ. Tôi thương cái hình bóng trong sáng, hiền lành ấy mỗi lần ngồi nhặt hoa phượng đỏ ghép thành đôi bướm ép vào trong trang tập cuối cùng. Mái tóc dài xõa một bên vai, đôi mắt long lanh như bầu trời mùa hạ. Hoa phượng là hoa học trò, nhỏ nói với tôi như thế. Vì hoa phượng gắn liền với tuổi học trò cắp sách, với khung trời mơ mộng thanh xuân.


 

Hoa phượng luôn gắn với ký ức tươi đẹp của tuổi học trò Ảnh: IINI.NET
Hoa phượng luôn gắn với ký ức tươi đẹp của tuổi học trò Ảnh: IINI.NET



"Tháng sáu mùa thi, con đường học trò anh đưa em đi…". Cô bạn nhỏ hay hát cho tôi nghe những câu hát ngọt ngào, khơi nhắc những mùa phượng đỏ rực tháng năm, tháng sáu mà chúng tôi đã từng sánh bước cùng nhau. Mùa phượng rực rỡ. Mùa phượng hiền lành. Phượng đỏ rực như máu tim, như nhiệt huyết của tuổi trẻ. Trên vòm cây cao ngút ngàn, phượng nở vung lên như một mâm xôi đỏ rực. Tôi không biết ai đã trồng cây phượng này cuối xóm Ngồng? Ai đã chăm bón để cây phượng lớn lên, ôm ấp bao thế hệ học trò, giữ lấy trong tim chúng từng vệt ký ức đẹp và êm đềm như cổ tích. Ngoại tôi không biết và không ai trong xóm Ngồng này biết. Thắc mắc ấy cũng phai nhạt trong tôi cho đến một buổi chiều cuối cùng của mùa hạ, những chùm phượng vĩ cuối mùa nhợt màu, buồn bã trút xuống mặt đất tạm biệt một mùa hè trong bao nhiêu mùa hè tiễn đưa buồn bã. Tôi xót xa trong lòng, mùa hè trôi qua, tuổi học trò bay xa, chỉ còn phượng vĩ đứng nghiêng nghiêng đợi một mùa hè tiễn đưa kế tiếp. Phượng ơi, hãy giữ giùm tôi những ký ức đẹp, khoảnh khắc trong ngần và nồng ấm này. Tôi sợ một mai về lại xóm Ngồng tìm bóng dáng tuổi học trò xưa, chỉ còn phượng đứng lặng lẽ nhìn tôi chứ không còn cô bạn đồng hương năm cũ nữa…

Vậy rồi, chúng tôi đã không giữ được lời hứa với bà ngoại: "Mai mốt lớn lên nên vợ nên chồng". Nhỏ lấy chồng trong mùa phượng cuối cùng của tuổi học trò. Nhỏ bỏ tôi và xóm Ngồng, bỏ con đường mùa hạ vắng tênh, thu - đông - xuân lại chầm chậm bước chân học trò, nhỏ bỏ chân trời với những kỷ niệm ấu thơ xưa cũ. Hôm nay tôi trở lại xóm Ngồng, hay tin cây phượng đã đổ trong một đêm mưa giông. Phượng đã sống bình an qua bao mùa mưa bão, vậy mà phượng bật gốc trong một đêm giông chẳng đáng kể gì. Cuộc đời đâu ai đoán trước được ngày mai, vui, buồn, hạnh phúc… mọi thứ đều nằm sau ô cửa thời gian đầy bí ẩn. Tôi chạy về phía cuối xóm. Cây phượng chỉ còn là những khúc gỗ nằm bên lề đường. Mắt tôi ươn ướt. Vậy là thứ duy nhất giúp tôi giữ lấy kỷ niệm cũ đã không còn nữa. Tôi thầm gọi nhỏ ơi, gọi tuổi thơ ơi!

Tôi ngồi đó, lặng im, thanh âm gió đồng quê mang hương phù sa thổi vào mắt tôi cay xè. Đâu đó trong tâm trí tôi vẳng hai lên hai tiếng: "Hồi sinh". Tôi nhìn xuống cái hố đất, nơi gốc phượng đã yên vị mấy mươi năm cuộc đời. Bỗng dưng tôi nhìn thấy một mầm xanh vừa nhú. Một cuộc đời mới chớm…

 


Tôi về thăm cây phượng trong một chiều mùa hạ mưa đổ, xác phượng rụng tơi bời. Hình như phượng cũng đang buồn, một nỗi buồn giống tôi. Tôi đứng dưới gốc phượng nhìn về phía xóm Ngồng. Nhà nhỏ đổ chái, cô bạn tôi “bỏ cuộc chơi”, đi lấy chồng xa. Không biết tiếng ru có buồn như lời bài hát tôi đã từng nghe trong những chiều mưa đổ: “Bướm vàng đã đậu trái mù u rồi - Lấy chồng sớm làm gì để lời ru thêm buồn…”. Nhưng tôi vẫn thầm mong cho nhỏ được hạnh phúc. Xóm Ngồng vắng cô bạn cũ, cây phượng cũng uể oải theo thời gian và tôi thì chất chồng thêm nỗi nhớ.



Theo HOÀNG KHÁNH DUY (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

(GLO)- 

Cảnh vật trên đỉnh Nghĩa Lĩnh cũ xưa như nghìn năm vẫn thế. Tác giả như lạc về nghìn xưa ấy và cảm nhận được bước luân chuyển vần vũ của thời gian. Vật đổi sao dời, chỉ có những buổi chiều nơi đây luôn mãi trong xanh…

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).
Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

(GLO)- "Hoàng hôn" của nhà thơ Nguyễn Tấn Hỷ là tác phẩm nhiều cảm xúc trước bóng chiều hoàng hôn. Trong tia nắng le lói cuối ngày, những cánh chim mải miết tìm về tổ ấm, những đôi chân lam lũ mải miết về nhà...
Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

(GLO)- Hoàng Vũ Thuật thuộc thế hệ nhà thơ đàn anh của tôi, cùng lứa với các tài hoa như Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Khắc Thạch, Thạch Quỳ... ở miền Trung. Dẫu lớn tuổi nhưng ông luôn có ý thức tìm tòi, cách tân thơ cả hình thức và nội dung.
Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

(GLO)- Nắng hòa cùng bốn mùa xuân, hạ, thu, đông thành những gam màu khác nhau. Trong bài thơ mới của tác giả Nguyễn Ngọc Hưng, nắng được hóa thân thành "cô bé" với những tính cách nhí nhảnh, đáng yêu...
Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

(GLO)- Tôi quen và chơi với Nguyễn Ngọc Tư đã mấy chục năm và cũng hết sức bất ngờ khi mới đây chị công bố... thơ, mà tới 2 tập liên tiếp và bán tơi tới. Thì cả nước đều biết Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn nổi tiếng, nhất là sau khi “Cánh đồng bất tận” xuất hiện.
Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

(GLO)- "Cỏ mây" của nhà thơ Lê Từ Hiển như một khúc tự tình của hoa dại, của mây trời, thỏa sức sống đời thảnh thơi nơi triền sông, cô độc trong sự ngọt ngào, hồn nhiên, ngất ngưởng...
Gương mặt thơ: Bùi Quang Thanh

Gương mặt thơ: Bùi Quang Thanh

(GLO)- Nhà thơ Bùi Quang Thanh quê Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, tuổi Canh Dần (1950). Năm 1971, ông là lính của Mặt trận Tây Nguyên, đã từng tham gia chiến dịch giải phóng Đăk Tô-Tân Cảnh 1972 và suýt nữa thì nằm lại giữa rừng “cánh Trung” vì sốt rét.