Sao ngăn được thời gian!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thực ra, mẹ tôi không có mái tóc dài, đen nhánh, mượt mà và thoang thoảng hương thơm như tôi đã viết trong bài tập làm văn tả về mẹ. Dẫu vậy, tôi vẫn rất yêu mái tóc ấy. Đúng là thời gian như bóng câu qua cửa sổ, tôi lớn lên còn mẹ già đi; tôi đã được dạy dỗ nên người nhưng mẹ vẫn chưa một ngày ngơi nghỉ. Hôm nay, ngồi nhìn tóc mẹ, tôi hỏi lòng sao có thể ngăn được thời gian?

Vừa mới đây thôi, khi cầm chiếc nhíp nhỏ trên tay để nhổ tóc sâu cho mẹ, tôi có vẻ lóng ngóng. Hình như ngày còn bé, tôi hiếm khi được nhổ tóc sâu cho bà, cho mẹ để “vòi” mấy trăm đồng mua kẹo như các bạn đồng trang lứa. Tôi luồn tay vào tóc mẹ, không có sợi nào trượt trên đôi tay, sợi nào cũng mỏng và xơ. Cảm giác như tôi vừa chạm phải cái rát bỏng của nắng hè, lại như có luồng gió rít ào ào trong buổi chợ sớm những ngày đông buốt giá len qua kẽ tay. Mỗi sợi tóc như kể một câu chuyện thật dài. À, thì ra có một mùa nữa cũng đẹp như bốn mùa của đất trời, đó là mùa tóc sâu của mẹ.

Tôi đã có những tháng ngày mải học hành, mải rong chơi bên cuộc đời mẹ tảo tần khuya sớm, thế mà lại thoáng bối rối khi vuốt ve từng sợi tóc của mẹ, vụng về rẽ từng lớp tóc rồi vụng về an ủi: “Tóc mẹ đâu đã bạc nhiều”… Chợt nảy ra ý định hay từ nay mình sẽ giành chải tóc, giành nhổ tóc sâu cho mẹ. Chỉ là tóc sâu thôi! Để mẹ không phải tự ngồi trước gương mà tìm tìm, kiếm kiếm những sợi tóc thay màu, để mẹ không phải nghĩ quá nhiều về “60 năm cuộc đời” có lẻ…

Cao nguyên đang vào mùa mưa. Tóc mẹ lại như mây-“Mây trôi lang thang cho hạ buồn”. Tôi bỗng nhiên cay cay sống mũi. Biết lấy gì nhuộm đen cho những sợi tóc gầy hao với những khung trời kỷ niệm? Biết lấy gì để níu thời gian ở lại với thời gian? Quả thực, chuyện ấy làm tôi lo sợ. Giá mà trên trái đất này có một không gian mà nơi ấy chẳng có… thời gian. Ở nơi ấy, vạn vật đều được ôm ấp và gần gũi với nhau. Tôi đang cố phác họa nên mảnh không gian mầu nhiệm đó bằng tình thương mẹ. Thầm kín và vẹn tròn trong tâm hồn!

Minh họa: HUYỀN TRANG
Minh họa: HUYỀN TRANG

Những hỗn độn của xúc cảm dường như rất riêng tư nhưng biết đâu niềm riêng này lại gần gũi với một niềm riêng khác, ở đâu đó chăng. Con đường phía trước của tôi có thể êm như nhung hay gập ghềnh sỏi đá, dù có thế nào đi nữa thì chắc chắn tôi đều sẽ đưa tay lên vuốt mái tóc bồng bềnh của mình mà nghĩ về tóc mẹ, để tự tin dấn bước. Trên mái tóc ấy, có vui buồn của một đời sống nhỏ, có day dứt và đôi điều hối tiếc, lại cũng có hy vọng và yêu thương. Tôi vờ như không hề hay biết từng chân tóc trên mái đầu của mẹ đã bắt đầu bạc trắng…

Tôi muốn thổ lộ với chính lòng mình một câu thương mẹ. Thế rồi bỗng thấy nhẹ nhõm, dù biết đâu đó trong cuộc đời của mẹ vẫn còn nhiều nỗi xót xa. Gần đây, tôi chú tâm nhổ tóc sâu cho mẹ nhiều hơn mà không “vòi” chuyện trả công dù đó chỉ là một lời đùa. Vì tôi hiểu, tất cả những điều tốt đẹp nhất trên thế gian này: chín tháng cưu mang, đồ chơi, thức ăn, quần áo, sách vở, chăm sóc và nguyện cầu… mẹ dành cho tôi đều là miễn phí.

Tôi sao ngăn được thời gian. Chỉ biết thương thầm tóc mẹ.

 LỮ HỒNG

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...

Văn hóa báo chí thời đại số

Văn hóa báo chí thời đại số

Từ điểm khởi đầu những năm 1925 cho đến ngày đất nước thống nhất năm 1975, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã đi qua nhiều giai đoạn lịch sử vinh quang, viết nên bao câu chuyện anh hùng của một dân tộc anh hùng.
Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Là người con của quê hương Kinh Bắc, bị cuốn hút bởi những hình ảnh mộc mạc, bình dị và rất đỗi thân quen qua những bản khắc gỗ tranh Đông Hồ, khi bén duyên với hội họa, họa sĩ Tú Duyên đã mày mò tìm hiểu và sáng tạo ra kỹ thuật thủ ấn họa.