Với những cảm nhận rất riêng, họ có những tác phẩm xuất sắc, trong đó không ít tác phẩm đã giành giải cao tại các cuộc thi nhiếp ảnh trong nước, quốc tế.
1. Là tay máy gạo cội, có nhiều chuyến thực tế sáng tác ở biển song nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Ngọc Sơn, Chi hội trưởng Chi hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tỉnh Gia Lai (cũ) thừa nhận bản thân bị hấp dẫn bởi tiếng gọi của những con sóng vỗ bờ. Nơi đó, ông luôn được chạm vào những cảm xúc mạnh mẽ, mới lạ. “Có vậy mới tạo nên những góc nhìn mới, những cú bấm máy chất lượng”-ông Sơn chia sẻ.

Gần đây nhất, từ ngày 8 - 13.5.2025, ông tham gia cùng đoàn nghệ sĩ nhiếp ảnh thuộc Chi hội Nhiếp ảnh - Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Gia Lai (cũ) có chuyến đi thực tế sáng tác tại 2 tỉnh Khánh Hòa (cũ) và Phú Yên (cũ). Tại Khánh Hòa, các nghệ sĩ đã có nhiều trải nghiệm lý thú khi dạo chợ Hòn Rớ, tìm hiểu nghề làm muối truyền thống ở Hòn Khói, ghi lại khung cảnh bình minh trên biển cũng như các hoạt động thường ngày của ngư dân… Tại Phú Yên, đoàn hào hứng dậy từ 2 - 3 giờ sáng để chụp ảnh ngư dân được mùa cá cơm, làng nghề làm nước mắm truyền thống…
Từ chuyến đi này, các nghệ sĩ đã chọn ra những bức ảnh tốt nhất để gửi tham dự Cuộc thi và Triển lãm ảnh nghệ thuật cấp quốc gia “Tổ quốc bên bờ sóng” do Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức nhằm thực hiện kế hoạch tuyên truyền về biển, đảo năm 2025.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Ngọc Sơn kể: Từ cảm hứng dạt dào với biển, tôi từng có một số tác phẩm đạt giải cao tại các cuộc thi trong nước, quốc tế. Đơn cử là tác phẩm Chung sức bảo vệ môi trường biển đạt HCV tại cuộc thi ảnh nghệ thuật “Chrysalis Photo Circuit”, do Hiệp hội Nhiếp ảnh gia châu Á tổ chức tại Thái Lan năm 2023. Tiếp đó, tác phẩm ghi lại vẻ đẹp lao động của diêm dân cũng xuất sắc đạt HCV tại cuộc thi ảnh nghệ thuật “4 th Circular Exhibition of Photography”, do Liên đoàn Nhiếp ảnh Nghệ thuật Quốc tế (FIAP) bảo trợ, tổ chức vào năm 2024.

Ngoài những bức ảnh đẹp về thiên nhiên, con người và văn hóa vùng duyên hải Nam Trung Bộ, các tay máy phố núi còn được kết nối, giao lưu, học hỏi với nghệ sĩ các tỉnh bạn, được hướng dẫn, hỗ trợ nhiệt tình trong thực tế sáng tác. Đặc biệt, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Ngọc Sơn cho hay, mỗi chuyến đến với biển xa luôn mang lại niềm tự hào về biển đảo của Tổ quốc khi chứng kiến đời sống sinh hoạt, lao động của ngư dân ngày một phát triển.
“Trang bị của ngư dân không còn thô sơ như ngày xưa; làng nghề sản xuất nước mắm có dây chuyền hiện đại, chất lượng được kiểm định nghiêm ngặt; nhiều lực lượng chung tay bảo vệ môi trường biển… Từ tài nguyên biển, đời sống ngư dân đang dần đi lên”-ông Sơn bày tỏ.
2. Lần đầu tiên tác nghiệp ở biển, tay máy trẻ Phạm Công Quý, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Gia Lai vẫn chưa thôi ngỡ ngàng khi mới đây được chứng kiến “khoảnh khắc vàng” của cả gia đình cá voi đang săn mồi ở các vùng biển của tỉnh Gia Lai. “Gặp được cá voi, loài cá ngư dân tôn thờ, đã là may mắn. Gặp cả gia đình thì phải gọi là siêu may mắn!”-anh Quý hào hứng nói.

Đầu tháng 7.2025, khi tình cờ có mặt ở phường Quy Nhơn, nghe nói cá voi Bryde xuất hiện ở vùng biển Đề Gi, Quý thuê thuyền ra săn ảnh. Háo hức thì có thừa nhưng tay máy xứ núi lập tức bị thử thách bởi cái nắng nóng như thiêu đốt và những cơn say sóng đến vật vờ. Ngay cả việc ôm máy, lấy nét cũng trở nên khó khăn. Chưa kể, con thuyền dập dềnh liên tục khiến thiết bị bay flycam gặp khó khi cất cánh lẫn thu về.
Thế nhưng, đến ngày thứ 3, khi cả gia đình cá voi bất ngờ xuất hiện, cá bố bơi vòng ngoài lùa đàn cá liệt vào cho cá mẹ và cá con săn mồi, Quý và các đồng nghiệp không còn nhớ gì đến cơn say sóng. Anh say sưa chụp, say sưa quay lại cảnh tượng kỳ vỹ lần đầu tiên được chứng kiến trong đời. Đó là những góc máy đậm chất điện ảnh với những chú cá khổng lồ vẫy vùng trong làn nước xanh thẳm; phía trên, đàn chim nhạn đông vô kể đang chao liệng để “ăn theo” kiếm mồi. Chim trời - cá nước cùng giao hòa trong mối quan hệ cộng sinh ở nơi bao la trời, mênh mông biển.
Sau đó, tay máy trẻ này tiếp tục tham gia chuyến săn ảnh tương tự ở vùng biển Nhơn Lý với các nghệ sĩ nhiếp ảnh có tiếng của “Gia Lai núi” như Hòa Carol, Nguyễn Linh Vinh Quốc, Hoàng Quốc Vĩnh. Trong 10 ngày (từ ngày 1 đến 10-7), tổng số file ảnh mà Quý chụp về chủ đề này lên đến gần 2.000 file, ngoài ra còn có cả trăm clip với nhiều góc máy mới mẻ, background (cảnh nền) đẹp lung linh. Quý cho hay, chuyến tác nghiệp trên đã ghi dấu những khoảnh khắc đáng nhớ nhất anh từng trải nghiệm trong đời cầm máy.