"Không để ai bị bỏ lại phía sau"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Bắt đầu từ ngày 1-4, dịch vụ xổ số kiến thiết tạm ngừng phát hành trong 15 ngày. Đời sống của những người bán vé số dạo vì thế cũng trở nên khó khăn do tạm thời mất việc. Vì vậy, các cơ quan, đơn vị cũng như Mạnh Thường Quân đã trao đến họ những phần quà hỗ trợ với tinh thần “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Những ngày khó khăn
Có “thâm niên” bán vé số gần 20 năm, bà Nguyễn Thị Tiến (tổ 3, phường Yên Thế, TP. Pleiku) đã đi hầu khắp các con đường, ngõ hẻm ở Phố núi. Hàng ngày, bà bắt đầu công việc từ 6 giờ sáng và trở về nhà vào lúc chiều muộn. Những ngày bán đắt, bà cũng kiếm được hơn 100.000 đồng. Bà Tiến trải lòng: Chồng mất cách đây gần 10 năm, một mình bà gồng gánh mưu sinh để nuôi 2 con. Thương mẹ, cậu con trai Nguyễn Quang Huy (SN 1996) nghỉ ngang từ năm lớp 6 để phụ mẹ lo cho em gái ăn học. Cách đây 7 năm, khi đang làm công nhân tại một xưởng gỗ ở TP. Pleiku, anh Huy bị tai nạn lao động mất đi bàn tay phải. Khó khăn chồng chất khó khăn, anh nghỉ làm ở xưởng gỗ rồi cùng đi bán vé số với mẹ. Số tiền 2 mẹ con bà Tiến kiếm được cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống, chắt chiu, tằn tiện lắm mới đủ để lo cho cô con gái Nguyễn Thị Hương đang học năm thứ nhất Trường Đại học Duy Tân (TP. Đà Nẵng). “Bán vé số là công việc duy nhất của tôi. Bây giờ, Nhà nước tạm dừng hoạt động xổ số, tôi hoang mang lắm vì không biết lấy đâu ra tiền để lo cho cuộc sống gia đình. Mong rằng sẽ có sự hỗ trợ để những người như tôi vượt qua khó khăn lúc này”-bà Tiến tâm sự.
Nhà hảo tâm phát quà cho người bán vé số trên địa bàn phường Yên Thế (TP. Pleiku). Ảnh: H.P
Nhà hảo tâm phát quà cho người bán vé số trên địa bàn phường Yên Thế (TP. Pleiku). Ảnh: H.P
Từ ngày vé số dừng phát hành, vợ chồng ông Thái Văn Bình (SN 1959) và bà Trương Thị Phương Mai (SN 1963) cũng hoang mang, lo lắng khi cuộc sống của gia đình đều phụ thuộc vào tờ vé số. Ông Bình thì ốm yếu, còn bà Mai bị dị tật mắt bẩm sinh nên bán vé số là chiếc “cần câu cơm” duy nhất của gia đình suốt 10 năm qua. Sáng nào bà Mai đạp xe ngược ra xã Biển Hồ, còn ông Bình thì xuôi về thành phố. Đến trưa, 2 ông bà ăn vội miếng cơm rồi lại tiếp tục đi bán “tăng” 2. Ngày nào bán đắt họ cũng kiếm được khoảng 200.000 đồng. Từ tỉnh Bình Định lên Gia Lai mưu sinh nên ông bà thuê nhà trọ tại xã Trà Đa, tiền nhà mỗi tháng gần 900.000 đồng. Bà Mai buồn rầu nói: “Con cái đều đã có gia đình riêng nhưng cũng khó khăn lắm. Giờ còn đi bán được thì cứ đi, không phải cậy nhờ phiền lòng con cái. Mấy ngày nay, chúng tôi đã thử xin việc rửa bát, bưng bê nhưng tất cả hàng quán đều đóng cửa. Tôi mong sao dịch bệnh sớm qua nhanh”.
Hiện trên địa bàn tỉnh có 34 đại lý của Công ty Xổ số kiến thiết Gia Lai và 10 đại lý của Công ty Xổ số kiến thiết các tỉnh với hơn 1.000 người bán vé số dạo. Ông Nguyễn Hoàng Nam-Giám đốc Công ty TNHH Xổ số kiến thiết tỉnh-cho hay: “Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Công ty rất cảm thông trước những khó khăn của người bán vé số dạo. Bắt đầu từ ngày 1-4, Công ty đã xuất quỹ phúc lợi 140 triệu đồng để mua 10 tấn gạo hỗ trợ người bán vé số dạo trên địa bàn tỉnh, bình quân 10 kg gạo/người; chuyển 9.000 chiếc khẩu trang y tế và 300 chai nước rửa tay kháng khuẩn đến các đại lý nhằm hỗ trợ người bán vé số”.
Từ khi tạm dừng bán vé số, bà Hồ Thị Lựu (SN 1968) nhận thêu tranh chữ thập thuê. Gia đình ở tận huyện Phú Vang (tỉnh Thừa Thiên-Huế), bà Lựu vào Gia Lai mưu sinh được gần 10 năm nay và thuê trọ ở đường Phùng Hưng (tổ 7, phường Hội Thương, TP. Pleiku). Không chồng con nên hễ dành dụm được ít tiền là bà Lựu lại gửi về quê để anh chị lo cho bố mẹ, thành ra không có khoản dư để dự phòng. “Tôi hiểu việc tạm ngưng hoạt động bán vé số là điều cần thiết, vì mỗi ngày chúng tôi tiếp xúc với rất nhiều người nên nguy cơ lây nhiễm rất cao nếu có dịch bệnh. Nhưng từ hôm nghỉ bán tới giờ, tôi không ngủ được vì lo lắng, không có tiền để trang trải cuộc sống. Muốn về quê thăm bố mẹ cũng không còn xe để về”-bà Lựu chia sẻ.
“Một miếng khi đói bằng một gói khi no”
Trước hoàn cảnh khó khăn của người nghèo, người yếu thế, trong những ngày qua, các tổ chức, cá nhân đã có nhiều hỗ trợ thiết thực. Hàng trăm phần quà là những nhu yếu phẩm cần thiết đã được trao tận tay những người bán vé số, giúp vơi bớt phần nào nỗi lo lắng, nhọc nhằn.
Xúc động trước sự quan tâm giúp đỡ của cộng đồng, bà Lựu nói: “Mỗi tháng tôi phải trả 800.000 đồng tiền phòng trọ, nhưng chủ nhà trọ thương tình nên đã miễn phí cho tôi 2 tháng, bắt đầu từ tháng 4. Đại lý vé số thì hỗ trợ 1 thùng mì tôm và 1 bao gạo. Hội Nông dân và Đoàn phường Hội Thương cũng đã hỗ trợ 1 thùng mì tôm và 10 kg gạo. Chúng tôi hy vọng dịch bệnh sẽ qua nhanh để lại được đi bán vé số. Được vậy thì mừng lắm”.
Bà Đào Thị Lài-Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường Hội Thương (TP.Pleiku) trao quà hỗ trợ cho bà Hồ Thị Lựu. Ảnh: T.B
Bà Đào Thị Lài-Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường Hội Thương (TP.Pleiku) trao quà hỗ trợ cho bà Hồ Thị Lựu. Ảnh: T.B
Cũng như bà Lựu, bà Tiến cũng nhận được sự hỗ trợ, sẻ chia của UBND phường Yên Thế cùng những phần quà như gạo, mì tôm... Ông Trần Đại Trí-Chủ tịch UBND phường Yên Thế-cho biết: “Trên địa bàn phường có 22 hộ bán vé số. Chúng tôi đã cử người đến từng nhà để tiếp tế nhu yếu phẩm giúp bà con vượt qua khó khăn trước mắt. Những ngày tới, chúng tôi tiếp tục kêu gọi sự chung tay từ các Mạnh Thường Quân, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thiếu đói đối với các hộ này”.
Chung tay cùng với chính quyền, các Mạnh Thường Quân cũng đã có nhiều cách hỗ trợ kịp thời dành cho người bán vé số dạo trong thời gian tạm nghỉ việc. “Nếu khó khăn cứ lấy một phần. Nếu bạn ổn, xin nhường cho người khác”-hình ảnh những phần quà nhỏ được gói sẵn cùng dòng chữ ý nghĩa ấy được các Mạnh Thường Quân, cửa hàng đặt tại nhiều nơi đã gây xúc động mạnh mẽ. Ông Bình và bà Mai cũng đã được nhận những phần quà này. “Nhà nước đã ra thông báo rồi, chúng tôi cứ tạm ở nhà đã. Có người quan tâm tặng quà, chúng tôi yên tâm cùng cả nước đẩy lùi dịch bệnh”-ông Bình bộc bạch.
Nhằm chung tay cùng cộng đồng hỗ trợ người nghèo trong mùa dịch Covid-19, Quỹ từ thiện Hỷ Liên Tâm (TP. Hồ Chí Minh) vừa tổ chức phát gạo cho 250 hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn TP. Pleiku (10 kg gạo/hộ) với tổng trị giá 30 triệu đồng.
Hồng Ngọc
HÀ PHƯƠNG-THỦY BÌNH

Có thể bạn quan tâm

Bếp ăn 0 đồng-Trao yêu thương, nhận niềm vui

Bếp ăn 0 đồng-Trao yêu thương, nhận niềm vui

(GLO)- Chỉ sau hơn 2 tuần hoạt động, "Bếp ăn 0 đồng" bên hông Bệnh viện Nhi Gia Lai của đôi bạn thân Phạm Thị Diễm và Huỳnh Thị Trúc Lâm đã trở thành nơi sẻ chia yêu thương và mang lại những suất cơm miễn phí giúp ấm lòng những người bệnh và gia đình khó khăn.

Ngày hội hiến máu tình nguyện thu hút đông đảo người dân huyện Phú Thiện tham gia. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện tiếp nhận 554 đơn vị máu an toàn

(GLO)- Sáng 14-11, Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện huyện Phú Thiện phối hợp với Khoa Huyết học và Truyền máu-Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai và Bệnh viện Quân y 211 tổ chức Ngày hội hiến máu tình nguyện đợt 2 năm 2024.

Tặng “Phòng tin học cho em” tại Trường Tiểu học Đak Tơ Ver điểm trường làng Krăh

Tặng “Phòng tin học cho em” tại Trường Tiểu học Đak Tơ Ver điểm trường làng Krăh

(GLO)- Ngày 28-10, Chương trình “Phòng Tin học cho em” do Trung tâm tình nguyện Quốc gia (trực thuộc Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh) triển khai phối hợp cùng Huyện Đoàn Chư Păh tặng 1 “Phòng Tin học cho em” tại Trường Tiểu học Đak Tơ Ver điểm trường làng Krăh (xã Đak Tơ Ver, huyện Chư Păh).

Buổi hiến máu thu hút đông đảo người dân huyện Ia Pa tham gia. Ảnh: Vũ Chi

Ia Pa tiếp nhận 316 đơn vị máu an toàn

(GLO)- Sáng 28-10, Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Khoa Huyết học-Truyền máu Bệnh viện Đa khoa tỉnh tổ chức hiến máu nhân đạo đợt 2 năm 2024.