Khởi sắc vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Việc triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án hỗ trợ đã mang lại những thay đổi lớn ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) của huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai. Diện mạo nông thôn và đời sống của người dân nơi đây đang có nhiều khởi sắc.

Huyện Krông Pa có 77 thôn, buôn, tổ dân phố (44 thôn, buôn đặc biệt khó khăn). Dân số toàn huyện có hơn 94.420 người thuộc 19 dân tộc, trong đó, tỷ lệ người DTTS chiếm 71,5%. Những năm qua, các cấp, các ngành của huyện đặc biệt quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu ở vùng đồng bào DTTS như: điện chiếu sáng, đường giao thông, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa.

Đến nay, 98% đường liên xã được nhựa hóa, bê tông hóa; 88% đường thôn, buôn được cứng hóa đảm bảo cho người dân đi lại thuận tiện. Cuối năm 2023, toàn huyện còn 2.649 hộ nghèo, chiếm 12,55%; trong đó có 2.470 hộ nghèo người DTTS, chiếm 17,6% tổng số hộ DTTS. Trên địa bàn huyện hiện có 94% hộ dân vùng nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% thôn, buôn người DTTS được quy hoạch có nghĩa địa riêng hoặc tập trung. Huyện đã có 3 xã và 5 làng đồng bào DTTS đạt chuẩn nông thôn mới.

Buôn Bluk (xã Phú Cần) là 1 trong 5 làng đồng bào DTTS ở huyện Krông Pa đạt chuẩn nông thôn mới. Ảnh: L.N

Buôn Bluk (xã Phú Cần) là 1 trong 5 làng đồng bào DTTS ở huyện Krông Pa đạt chuẩn nông thôn mới. Ảnh: L.N

Để tạo thuận lợi cho người dân buôn Ia Sóa (xã Krông Năng) đi vào khu sản xuất tập trung, năm 2022, huyện đã đầu tư hơn 1,48 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách trung ương làm con đường giao thông nội đồng với chiều dài hơn 1 km. Năm 2023, huyện tiếp tục bố trí hơn 1,6 tỷ đồng làm thêm một tuyến đường khác vào khu sản xuất tập trung của người dân buôn Ia Sóa.

Với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, nhiều hộ dân đã tình nguyện hiến đất để hoàn thành hệ thống đường giao thông kiên cố, rộng rãi, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại.

Ông Nay Khing-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Ia Sóa-cho hay: “Ngoài đầu tư hạ tầng giao thông, Nhà nước còn hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo về con giống và làm nhà ở. Thời gian tới, chúng tôi mong muốn các cấp chính quyền tiếp tục quan tâm đầu tư để bà con có cuộc sống ấm no hơn”.

Trước đây, xã Đất Bằng thường xuyên xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô. Những năm gần đây, từ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự hỗ trợ, chia sẻ của các đơn vị tài trợ, một số công trình nước sạch đã được đầu tư xây dựng tại xã như: công trình nước sinh hoạt lấy nước từ hồ thủy lợi Ia Mlah về cho người dân buôn Ia Prong, Ia Rnho; Dự án cấp nước sinh hoạt tập trung phục vụ cho người dân buôn Ma Giai và Ia Rpua; Dự án “Nước sạch vùng cao” tại buôn Ia Rnho cung cấp nước miễn phí cho các em học sinh, hộ nghèo trong buôn.

Chị Sô Thị Xuân (buôn Ma Giai) phấn khởi nói: “Ngày trước, mình phải mua nước bình về dùng, mỗi tháng hết 100-200 ngàn đồng. Giờ được Nhà nước quan tâm làm công trình nước sạch về tận nhà rất tiện lợi và an tâm hơn về sức khỏe”.

Người dân buôn Ia Rpua phấn khởi khi nguồn nước sạch sinh hoạt được dẫn về tận nhà để sử dụng. Ảnh: L.N

Người dân buôn Ia Rpua phấn khởi khi nguồn nước sạch sinh hoạt được dẫn về tận nhà để sử dụng. Ảnh: L.N

Còn ông Rô Krik-Chủ tịch UBND xã Đất Bằng thì cho biết: Toàn xã có 4 buôn gồm: Ia Rnho, Ia Rpua, Ia Prong, Ma Giai với hơn 1.160 hộ và hơn 4.900 khẩu, chủ yếu là đồng bào DTTS. Trước đây, cứ vào mùa khô, người dân phải chịu cảnh thiếu nước sinh hoạt. Hàng năm, UBND xã phải hỗ trợ người dân đào các hố dưới lòng suối để tìm nguồn nước cho gia súc uống và phải dùng xe để chở nước sinh hoạt cung cấp cho bà con.

Những năm gần đây, một số công trình nước sạch đã được xây dựng. Ngoài ra, huyện đang triển khai Dự án “Sắp xếp, bố trí ổn định các hộ DTTS du canh, du cư buôn Ma Giai, xã Đất Bằng” nhằm sắp xếp, bố trí ổn định dân cư tập trung cho 62 hộ dân.

“Đến nay, 100% hộ dân trên địa bàn đã sử dụng nước sạch sinh hoạt. Các công trình còn góp phần cải thiện đời sống dân sinh, bảo vệ môi trường, giảm bệnh tật và tạo điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của địa phương”-Chủ tịch UBND xã Đất Bằng chia sẻ.

Buôn H’Lang (xã Chư Rcăm) có gần 400 hộ dân, hầu hết là đồng bào Jrai. Mỗi khi đến mùa mưa, hơn 100 hộ dân có nhà ở sát bờ sông Ba thường xuyên đối mặt với tình trạng ngập lụt, sạt lở đất. Năm 2021, huyện triển khai Dự án sắp xếp, ổn định dân cư buôn H’Lang về nơi ở mới tại buôn Du.

Khu tái định cư nằm gần quốc lộ 25 có tổng diện tích gần 4,5 ha, bình quân mỗi hộ được cấp hơn 400 m2 đất ở và đất vườn. Tại đây, hạ tầng cơ sở được đầu tư hoàn chỉnh, hệ thống giao thông, thoát nước, điện chiếu sáng, nước sinh hoạt đều đầy đủ.

Anh Rah Lan Bay vui vẻ nói: “Từ khi chuyển đến nơi ở mới, tôi thấy thoải mái hơn, không còn nơm nớp lo sợ sạt lở đất khi mùa mưa đến”.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Tiến Đãng-Phó Chủ tịch UBND huyện-cho biết: “Thời gian tới, huyện tiếp tục triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia: giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Trong đó, tập trung nguồn lực giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt cho người DTTS. Tiếp tục triển khai các dự án đầu tư về kết cấu hạ tầng, giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế đảm bảo theo tiêu chí nông thôn mới và phục vụ nhu cầu sản xuất, đời sống của người dân. Quan tâm triển khai nguồn vốn để hỗ trợ cho người dân, đặc biệt là các hộ DTTS; trao sinh kế để người dân có việc làm ổn định, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi nhằm tăng thu nhập và từng bước nâng cao đời sống người dân vùng đồng bào DTTS”.

Có thể bạn quan tâm

Hội nghị góp ý Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND

Góp ý Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND

(GLO)- Ngày 8-11, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Gia Lai tổ chức góp ý Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Hội nghị do PGS. TS Nguyễn Danh-Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh chủ trì.

Lễ khánh thành lưới điện xã Tơ Tung đưa điện về quê hương Anh hùng Núp (ảnh ông Nguyễn Quang Hiền cung cấp).

Chuyện đưa điện lưới về làng Anh hùng Núp

(GLO)- Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, diện mạo làng Stơr (xã Tơ Tung, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) ngày càng khởi sắc. Một trong những yếu tố then chốt làm nên sự “thay da đổi thịt” trên quê hương Anh hùng Núp chính là quyết tâm đưa điện lưới quốc gia đến với Stơr từ năm 1996 của UBND tỉnh.

Kbang chú trọng gìn giữ, bảo vệ môi trường

Kbang chú trọng gìn giữ, bảo vệ môi trường

(GLO)- Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, chỉ đạo triển khai thực hiện thu gom, xử lý rác thải đảm bảo quy định, huyện Kbang cũng đã ưu tiên nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường (BVMT), góp phần gìn giữ cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp.

Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô tranh cúp A Sanh diễn ra vô cùng hấp dẫn. Ảnh: PHẠM QUÝ

Hội tụ bản sắc văn hóa vùng biên

(GLO)- Qua 5 lần tổ chức, Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô tranh cúp A Sanh và Liên hoan văn hóa cồng chiêng huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đã trở thành sự kiện tôn vinh, quảng bá bản sắc văn hóa đặc trưng của vùng đất nơi biên cương Tổ quốc.