Khoa Nội-Nhi-Nhiễm (Bệnh viện Quân y 15): Địa chỉ tin cậy của người bệnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nghe tôi hỏi về công việc, bác sĩ Nguyễn Đức Nam (Khoa Nội-Nhi-Nhiễm, Bệnh viện Quân y 15) dừng tay khám cho bệnh nhân rồi cho biết: Cái khó của Khoa là ở nhóm bệnh nhân trẻ em, sự hợp tác với bác sĩ không được như người lớn.

Ở người lớn, nhờ sự mô tả bệnh lý rõ ràng giúp cho bác sĩ có sự hình dung rất nhanh về bệnh, nhiều khi chưa cần chỉ định cận lâm sàng đã chẩn đoán được 90%. Nhưng ở trẻ em, nhất là các cháu từ 3 tuổi trở xuống không có khả năng tiếp xúc bằng lời nói với bác sĩ, phải khám qua hỏi thăm người nhà, người chăm sóc bé hoặc qua thăm khám lâm sàng trực tiếp, đôi khi phải kết hợp với các phương tiện cận lâm sàng mới rõ tình trạng bệnh để có thể chẩn đoán tương đối chính xác. Thái độ tiếp xúc với bệnh nhân cũng phải hết sức nhẹ nhàng, từ tốn. Vì người bệnh vào Khoa đa số là bệnh cấp tính nên nếu có thái độ không tốt rất dễ gặp phải phản ứng của người bệnh và gia đình họ. Nhiều trẻ em vừa thấy bóng áo trắng đã khóc, khám rất khó, bác sĩ phải dành thời gian trấn an bé. Trong chăm sóc phải kết hợp chặt chẽ giữa bác sĩ, điều dưỡng và người nhà.

 Y-bác sĩ Khoa Nội-Nhi-Nhiễm (Bệnh viện Quân y 15) thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: N.D
Y-bác sĩ Khoa Nội-Nhi-Nhiễm (Bệnh viện Quân y 15) thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: N.D

Cũng theo bác sĩ Nam, có 2 nhóm bệnh phổ biến nhất (ở cả trẻ em và người lớn) là bệnh đường hô hấp và đường tiêu hóa. Ngoài ra có các dịch bệnh khác diễn biến theo mùa như: bệnh tay chân miệng (ở trẻ em), sốt xuất huyết (cả trẻ em và người lớn), các bệnh lý về thận, gan, tiết niệu (ở người lớn)... Thời gian gần đây, có nhiều bệnh nhân bị sốt xuất huyết vào điều trị tại Khoa, hiện có 8 ca, trong đó có 2 ca trẻ em. Công việc nhiều, anh em làm việc vất vả hơn, áp lực hơn nhưng ai cũng thấy phấn khởi vì được nhân dân tin tưởng. Trung bình mỗi tháng, Khoa tiếp nhận 280 lượt bệnh nhân đến điều trị, cá biệt có tháng lên đến 381 lượt. Từ đầu năm đến nay, Khoa đã thu dung điều trị 2.174 lượt bệnh nhân, tăng gần 200 ca so với cùng kỳ năm ngoái; chuyển viện 12 ca; điều trị khỏi 97%.

Gỡ tấm chăn nỉ ra khỏi người cháu Lê Quốc Gia Khang và căn dặn người nhà lưu ý chăm sóc đúng cách khi cháu bị sốt, chị Nguyễn Thị Oanh-cử nhân điều dưỡng âu yếm nói: “Khang chịu khó ăn nhiều vào cho mau khỏe để còn đi chơi với các bạn nhé!”. Quay qua tôi, chị bảo: “Bé vào viện trong tình trạng sốt cao, bà nội cho cháu uống thêm nước Oresol theo chỉ dẫn của bác sĩ nhưng cháu dứt khoát không chịu. Tôi vừa phải dỗ ngọt, vừa phân tích mãi cháu mới chịu hợp tác, nhờ đó cơ thể cháu được bù nước kịp thời, giúp cho quá trình điều trị tiến triển tốt hơn”.

Bà Phan Thị Dục (thôn Tân An, xã Ia Sao, huyện Ia Grai)-bà nội cháu Khang, hồ hởi kể: Tôi đã đi nhiều bệnh viện nhưng thấy tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ, nhân viên ở Bệnh viện Quân y 15 tốt hơn nên đã mua bảo hiểm y tế cho cả gia đình khám và điều trị tại đây. Các con tôi ở TP. Hồ Chí Minh cũng về bệnh viện này mổ đẻ. Người bệnh nằm điều trị ở đây đều được các bác sĩ hỏi thăm thường xuyên. Gia đình có thắc mắc gì đều được các y-bác sĩ nhẹ nhàng giải đáp.

Nhận xét về Khoa Nội-Nhi-Nhiễm, Đại tá Lê Thiếu Quân-Giám đốc Bệnh viện, cho hay: Tuy là bệnh viện quân đội nhưng do đặc thù của Binh đoàn 15 là phục vụ công nhân viên quốc phòng và người lao động nên gia đình và người ăn theo nhiều, nhất là các cháu nhỏ. Vì vậy, Bệnh viện phải có Khoa Nhi để phục vụ con em cán bộ, công nhân-viên chức, người lao động trong Binh đoàn và nhân dân trên địa bàn. Là một trong 2 khoa có đông bệnh nhân nhất Bệnh viện nên Khoa Nội-Nhi-Nhiễm được Ban Giám đốc tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, trang-thiết bị và ưu tiên sắp xếp đội ngũ có tay nghề vững, có kỹ năng chăm sóc người bệnh tốt. Các bác sĩ ở Khoa hầu hết còn trẻ, rất năng nổ, nhiệt tình, hết lòng vì người bệnh, được nhân dân trên địa bàn đánh giá cao. Những năm gần đây, Ban Giám đốc cử đội ngũ bác sĩ của Khoa đi học thêm chuyên khoa Nhi. Nhờ đó, công tác phục vụ thực hiện rất tốt. Số người bệnh  vào Khoa rất đông, thường xuyên từ 50 đến 60 người/ngày.

Khoa Nội-Nhi-Nhiễm (Bệnh viện Quân y 15) hiện có 14 cán bộ, nhân viên, gồm: 3 bác sĩ (trong đó có 1 bác sĩ chuyên khoa I), 1 cử nhân điều dưỡng, 4 y sĩ, 4 điều dưỡng viên, 1 hộ lý và 1 trợ lý công nghệ thông tin. Khoa làm nhiệm vụ điều trị các bệnh về nội khoa, trong đó có 2 nhóm đối tượng gồm: các bệnh lý nội khoa của trẻ em và các bệnh truyền nhiễm ở người lớn.

 Nguyễn Dung

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai thêm 2 huyện được công nhận loại trừ sốt rét

Gia Lai thêm 2 huyện được công nhận loại trừ sốt rét

(GLO)- Ngày 11-12, tại Trung tâm Y tế Mang Yang (tỉnh Gia Lai), ông Nguyễn Văn Đồng-Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) đã trao quyết định của CDC về việc công nhận huyện Mang Yang đạt tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét năm 2024 cho đại diện lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện.

Cán bộ y tế TP. Pleiku tuyên truyền về phòng-chống sốt rét đến người dân. Ảnh: N.N

Pleiku loại trừ sốt rét

(GLO)- Ngày 6-12 vừa qua, TP. Pleiku được công nhận đạt tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét năm 2024. Đây là thành quả cho những nỗ lực của địa phương trong công tác phòng-chống một trong những căn bệnh tồn tại dai dẳng trong cộng đồng.

Gia Lai: Triển khai vắc xin Rota tiêm chủng mở rộng

Gia Lai: Triển khai vắc xin Rota tiêm chủng mở rộng

(GLO)- Ngày 11-12, tại TP. Pleiku, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai tổ chức tập huấn triển khai vắc xin Rota cho trẻ dưới 1 tuổi trong chương trình tiêm chủng mở rộng tại tỉnh Gia Lai năm 2024- 2025 cho 28 cán bộ y tế phụ trách chương trình tiêm chủng mở rộng tại tỉnh.

4 lợi ích sức khỏe khi chạy bộ 2 km/ngày

4 lợi ích sức khỏe khi chạy bộ 2 km/ngày

Chạy bộ là một trong những hình thức tập luyện phổ biến nhất. Lợi thế của bài tập này là không cần thiết bị tập luyện và bất kỳ ai cũng có thể tập. Tùy vào thể lực của từng người mà có thể chạy với cự li bao xa.

Cảnh báo lây nhiễm HIV kiểu mới tại Gia Lai

Cảnh báo lây nhiễm HIV kiểu mới tại Gia Lai

(GLO)- Nhân Tháng hành động Quốc gia Phòng-chống HIV/AIDS năm 2024, phóng viên Báo Gia Lai đã phỏng vấn ông Bá Tường Đăng Phong-Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh về tình hình và công tác phòng-chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh.