Khi nông cụ lên tiếng...

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Dựa vào điều kiện tự nhiên nơi cư trú mà cư dân nông nghiệp Việt Nam đã sáng tạo ra những nông cụ độc đáo, phù hợp với từng giai đoạn phát triển. Tại huyện Kbang, cộng đồng các dân tộc phía Bắc tại đây còn lưu giữ khá nhiều nông cụ phổ biến thời bao cấp.
 Máy tuốt lúa đạp bằng chân. Ảnh: Đ.T.M
Máy tuốt lúa đạp bằng chân. Ảnh: Đ.T.M
Trong đợt sưu tầm tháng 5-2018, tôi được phân công nhiệm vụ đi liên hệ công tác tại huyện Kbang. Tại làng Thái Sơn (xã Tơ Tung), nơi tôi lựa chọn để sưu tầm hiện vật dân tộc học, đa số người dân ở đây đều nhập cư từ miền núi phía Bắc vào sinh sống từ những năm 80 của thế kỷ trước, chủ yếu là dân tộc Tày, Nùng, Thái, Dao… Nơi đây còn lưu giữ khá nhiều dấu ấn truyền thống của dân tộc ở phía Bắc, trong đó có trang phục, âm nhạc, ẩm thực và cả các nông cụ. Một trong số đó là chiếc lõng, máy tuốt lúa và máy quạt thóc.
Lõng là công cụ đập lúa bằng tay. Hầu như cộng đồng cư dân ở đây đều sử dụng loại nông cụ này chứ không riêng dân tộc nào. Với hình dáng giống chiếc thuyền được chế tác thủ công từ một thân gỗ sung, có đặc tính bền, nhẹ, không mối mọt, không thấm nước… có những chiếc lõng đã đi cùng người dân xấp xỉ 40 năm. Gối lõng ở 2 đầu là nơi người nông dân đập trực tiếp bó lúa, những hạt lúa sẽ được tách ra từ bông và được giữ lại trong máng lõng bởi 2 tấm phên che chắn 2 bên, đòi hỏi 2-4 người cùng thực hiện. Theo người dân kể lại, chiếc lõng được tạo ra do yêu cầu thu hoạch lúa ở ruộng bậc thang miền núi phía Bắc. Với đặc điểm ruộng không bằng phẳng, việc thu hoạch lúa hết sức khó khăn, không thể sử dụng máy móc mà chủ yếu là lao động thủ công, chiếc lõng đã ra đời giúp người nông dân dễ dàng sử dụng, dễ di chuyển từ đám ruộng này qua đám ruộng khác, khắc phục những khó khăn của địa hình đang canh tác. Khi vào định cư tại vùng đất mới, cư dân nơi đây tiếp tục chế tác và sử dụng các nông cụ đã từng thân thuộc, trong đó có lõng.
Sau lõng là máy tuốt lúa. Khác với lõng, máy tuốt lúa phải dùng đến lực đạp của chân. Tác động mạnh khi dùng chân đạp vào bàn đạp sẽ khiến 2 ổ bi ăn khớp với nhau, tạo lực cho lõi quay nhanh. Lõi máy hình tròn có các răng cắm bằng sắt như một nửa hình oval, các răng được cắm so le với nhau trên các thanh liền kề nhằm tạo ra các vết răng liền nhau khi lõi quay. Đây là nhân tố chính tác động vào bông lúa làm tách hạt lúa ra từ bông, các hạt lúa được giữ lại bởi những tấm bạt hoặc phên chắn ở trước máy khoảng 1 m. Máy tuốt lúa ra đời đã giúp việc thu hoạch lúa của người nông dân thuận lợi hơn rất nhiều so với trước. Nông cụ này cho thấy sự chuyển giao giữa lao động thủ công với lao động có sử dụng máy móc hiện đại.
Một nông cụ khác cũng phục vụ cho thu hoạch vụ mùa là máy quạt lúa. Máy quạt lúa sử dụng để loại bỏ rơm, rạ, lúa lép, rác còn sót lại sau khi đã thu hoạch lúa về nhà và phơi khô. Toàn bộ chiếc máy này được làm bằng gỗ. Khi sử dụng, người nông dân đổ lúa đầy phễu ở trên cùng, tay phải quay quạt chong chóng theo chiều kim đồng hồ, tay trái điều chỉnh cần gạt ở đáy phễu nhằm điều chỉnh lượng thóc đưa xuống vừa đủ. Khi đó, sức gió được tạo ra từ cánh quạt sẽ đẩy rơm rác, hạt lép ra ngoài qua lỗ thoát phía ngoài, còn hạt chắc sẽ đi thẳng xuống hộc và được hứng bằng thúng ở phía dưới. 
Những nông cụ nói trên ra đời và đồng hành với cư dân nông nghiệp canh tác lúa tại Kbang hàng chục năm qua. Với những thay đổi qua từng thời kỳ lịch sử, nhiều máy móc hiện đại dần thay thế chúng. Nhưng lõng, máy tuốt lúa, máy quạt lúa vẫn mang trên mình nhiều giá trị về sự sáng tạo của người nông dân trong lao động ở một thời kỳ đầy gian khó của đất nước. Vì vậy, việc bảo quản, lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai những nông cụ truyền thống này mang nhiều ý nghĩa thiết thực, từ đó thế hệ sau thêm yêu và tự hào về những sáng kiến của người nông dân, biết yêu “hạt ngọc trời” và trân trọng những thành quả mà cha ông để lại.
Đậu Thị Mến

Có thể bạn quan tâm

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

(GLO)- Sáng 6-11, tại TP. Pleiku, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai tổ chức hội thảo khoa học di tích lịch sử “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947, xã Kông Bơ La, huyện Kbang” nhằm hoàn thiện hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền đề nghị xếp hạng di tích quốc gia.

Hội nghị góp ý Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND

Góp ý Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND

(GLO)- Ngày 8-11, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Gia Lai tổ chức góp ý Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Hội nghị do PGS. TS Nguyễn Danh-Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh chủ trì.

Lễ khánh thành lưới điện xã Tơ Tung đưa điện về quê hương Anh hùng Núp (ảnh ông Nguyễn Quang Hiền cung cấp).

Chuyện đưa điện lưới về làng Anh hùng Núp

(GLO)- Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, diện mạo làng Stơr (xã Tơ Tung, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) ngày càng khởi sắc. Một trong những yếu tố then chốt làm nên sự “thay da đổi thịt” trên quê hương Anh hùng Núp chính là quyết tâm đưa điện lưới quốc gia đến với Stơr từ năm 1996 của UBND tỉnh.

Kbang chú trọng gìn giữ, bảo vệ môi trường

Kbang chú trọng gìn giữ, bảo vệ môi trường

(GLO)- Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, chỉ đạo triển khai thực hiện thu gom, xử lý rác thải đảm bảo quy định, huyện Kbang cũng đã ưu tiên nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường (BVMT), góp phần gìn giữ cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp.

Rộn ràng trẩy Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô

Rộn ràng trẩy Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô

(GLO)- Từ sáng sớm ngày 2-11, nhiều du khách gần xa đã có mặt tại làng Dăng (xã Ia O, huyện Ia Grai) để đón xem Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô tranh cúp A Sanh năm 2024. Không khí "trẩy hội" nơi biên giới vô cùng rộn ràng, náo nhiệt. Dưới đây là một số hình ảnh P.V Báo Gia Lai ghi nhận được.