Khẩn trương chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay diễn ra từ ngày 27 đến 30-6, sớm hơn gần 2 tuần so với năm 2022. Thời điểm này, toàn tỉnh Gia Lai đang khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cần thiết để kỳ “vượt vũ môn” của các sĩ tử đảm bảo an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.

Tăng cường cơ sở vật chất

Theo số liệu thống kê từ Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), đến thời điểm này, toàn tỉnh có 14.861 thí sinh đăng ký dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 (3.183 thí sinh người dân tộc thiểu số); trong đó có 14.246 thí sinh đang học lớp 12 và 615 thí sinh tự do. Căn cứ vào Quy chế thi và số lượng thí sinh đăng ký dự thi, Sở GD-ĐT đã chọn đặt 41 điểm thi ở 17 huyện, thị xã, thành phố với 656 phòng thi.

Tại mỗi điểm thi chính thức đều có các phòng thi dự phòng theo quy định; mỗi huyện, thị xã, thành phố có 1 điểm thi dự phòng. Ngành Giáo dục cũng dự kiến điều động 2.374 cán bộ, giáo viên, nhân viên làm nhiệm vụ trong các ban của Hội đồng thi.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh (thứ 2 từ trái sang)-Phó Trưởng ban Chỉ đạo cấp quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 kiểm tra công tác chuẩn bị cho kỳ thi tại Trường THPT Phan Bội Châu (TP. Pleiku). Ảnh: M.T

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh (thứ 2 từ trái sang)-Phó Trưởng ban Chỉ đạo cấp quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 kiểm tra công tác chuẩn bị cho kỳ thi tại Trường THPT Phan Bội Châu (TP. Pleiku). Ảnh: M.T

Những ngày này, các đơn vị trường học được chọn làm điểm thi đang gấp rút hoàn tất công tác chuẩn bị và bố trí cơ sở vật chất, trang-thiết bị kỹ thuật đảm bảo thực hiện nhiệm vụ tại kỳ thi. Thầy Cao Xuân Hà-Hiệu trưởng Trường THPT Phan Bội Châu (TP. Pleiku) cho biết: Năm nay, điểm thi có 539 thí sinh đăng ký dự thi, gồm 513 học sinh lớp 12 của trường và 26 thí sinh tự do. Căn cứ số lượng thí sinh, nhà trường đã bố trí 23 phòng thi chính thức, 2 phòng thi dự phòng và 2 phòng chờ. Các phòng chức năng khác và thiết bị phục vụ cho kỳ thi như: máy in, máy photocopy, điện thoại bàn, mạng internet, điện, quạt, dụng cụ y tế, hệ thống phòng cháy-chữa cháy, camera giám sát… cũng đã được trang bị đầy đủ. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là khu vực nhà xe không đảm bảo khoảng cách theo Quy chế thi. Vì vậy, nhà trường làm việc với Trường Mầm non Họa Mi để bố trí địa điểm để xe và lưu trữ các vật dụng không được phép mang vào phòng thi tại trường này.

Cũng theo thầy Hà, sau khi tổ chức tập huấn, phổ biến Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2023, nhà trường đã tiến hành cho tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh ký cam kết thực hiện. Hiệu trưởng cũng ký cam kết với Giám đốc Sở GD-ĐT về việc triển khai nghiêm túc công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục và quán triệt ý thức thực hiện đúng Quy chế thi; nhận trách nhiệm của người đứng đầu trong trường hợp có cán bộ, giáo viên, nhân viên hoặc học sinh vi phạm Quy chế thi. Đồng thời, nhà trường làm việc với Trường Mầm non Họa Mi và các hộ dân sống xung quanh điểm thi về việc cam kết hạn chế tiếng ồn và ngắt sóng wifi trong những ngày diễn ra kỳ thi.

Học sinh Trường THPT Phan Bội Châu (TP. Pleiku) tham gia đợt thi thử tốt nghiệp lần thứ 2 do nhà trường tổ chức. Ảnh: Mộc Trà

Học sinh Trường THPT Phan Bội Châu (TP. Pleiku) tham gia đợt thi thử tốt nghiệp lần thứ 2 do nhà trường tổ chức. Ảnh: Mộc Trà

Do thiếu phòng học nên những ngày qua, Trường THPT A Sanh (huyện Ia Grai) đã khẩn trương sắp xếp lại các phòng chức năng để đảm bảo cơ sở vật chất tại điểm thi cho 310 thí sinh dự thi (1 thí sinh tự do). Theo Hiệu trưởng Nguyễn Thành Danh, vì chỉ có 12 phòng học nên trường phải trưng tập 2 phòng thí nghiệm để đưa vào sử dụng làm phòng thi; sắp xếp lại nhà đa năng làm phòng chờ cho thí sinh. Phòng làm việc của Phó Hiệu trưởng được sử dụng làm phòng bảo quản đề thi, đã bố trí tủ đựng đề, tủ đựng bài thi và có khóa, camera và trang bị đồ dùng cá nhân cho lực lượng bảo vệ đề, bài thi. Các trang-thiết bị khác phục vụ kỳ thi cơ bản đảm bảo.

“Nhà trường đã phân công 22 cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia công tác thi. Về phía học sinh, trường có 12 em nhà cách xa điểm thi (ở các xã Ia O, Ia Khai, Ia Chía). Sau khi trực tiếp gặp gỡ, trao đổi, phụ huynh và học sinh có nguyện vọng tự chủ động đi lại nên nhà trường không bố trí chỗ ăn, ở như mọi năm; thay vào đó sẽ phối hợp với Đoàn xã Ia Krai và lực lượng Công an địa phương để hỗ trợ các em trong suốt quá trình thi”-thầy Danh nói.

Khác với những năm trước, tại điểm thi Trường THPT Lương Thế Vinh (huyện Kbang) chỉ có 367 học sinh đang học lớp 12 và 19 thí sinh tự do của trường dự thi. Các thí sinh của Trường THPT Anh Hùng Núp, Trường THCS và THPT Kon Hà Nừng, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện được chuyển về điểm thi Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (thị trấn Kbang).

“Thí sinh chủ yếu là học sinh của trường, cộng với số lượng giảm nên việc chuẩn bị cơ sở vật chất, hỗ trợ thí sinh trong kỳ thi năm nay tương đối thuận lợi. Nhà trường chỉ cần bố trí 17 phòng thi chính thức trên tổng số 24 phòng có thể sử dụng được. Nơi ăn, ở của học sinh đã ổn định trong 3 năm học nên không phải sắp xếp thêm. Đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị tại điểm thi đã cơ bản hoàn tất, sẵn sàng cho kỳ thi”-Hiệu trưởng Nguyễn Đình Thuận cho biết.

Sẵn sàng các phương án

Đến nay, các khâu chuẩn bị cho kỳ thi được Sở GD-ĐT triển khai theo đúng tiến độ, kế hoạch. Mọi phương án cần thiết cũng đã được các ngành, địa phương xây dựng nhằm đảm bảo kỳ thi tại tỉnh diễn ra thành công, an toàn, nghiêm túc và đúng quy chế. Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Duy Định-Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo cấp tỉnh kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023-cho biết: Sở GD-ĐT đã thành lập Hội đồng thi và các ban của Hội đồng thi theo đúng tiến độ tổ chức kỳ thi. Sở cũng đã phối hợp với Công an tỉnh xây dựng phương án đảm bảo an toàn, bí mật tuyệt đối cho khu vực tổ chức in sao đề thi (bố trí lực lượng bảo vệ, giám sát; bố trí thiết bị phá sóng điện thoại, phá sóng wifi; đảm bảo công tác phòng cháy-chữa cháy); đồng thời, xây dựng phương án vận chuyển, bảo quản, lưu trữ và bảo vệ đề thi.

Lực lượng chức năng kiểm tra hệ thống phòng cháy-chữa cháy tại điểm thi Trường THPT Phan Bội Châu (TP. Pleiku). Ảnh: Mộc Trà

Lực lượng chức năng kiểm tra hệ thống phòng cháy-chữa cháy tại điểm thi Trường THPT Phan Bội Châu (TP. Pleiku). Ảnh: Mộc Trà

Phó Trưởng phòng PA03 (Công an tỉnh) Trần Văn Trung thông tin thêm: Đến ngày 1-6, Công an tỉnh đã ban hành kế hoạch, hướng dẫn và phân công lực lượng đảm bảo an ninh trật tự trước, trong và sau kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Theo đó, dự kiến có gần 400 cán bộ, chiến sĩ của 15 đơn vị cấp phòng và 17 đơn vị Công an các huyện, thị xã, thành phố có điểm thi. Các khâu trọng yếu như: vận chuyển đề thi từ Bộ GD-ĐT về Hội đồng thi, in sao đề thi, vận chuyển đề thi đến các điểm thi, đảm bảo an toàn đề thi tại các điểm thi, vận chuyển bài thi từ điểm thi về khu vực chấm thi, làm phách chấm thi… đều có lực lượng Công an tham gia thường trực bảo vệ 24/24 giờ.

Bên cạnh đó, Công an các địa phương tùy theo chức năng nhiệm vụ sẽ triển khai các mặt công tác: phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kỳ thi; phối hợp đấu tranh với các hành vi buôn bán thiết bị công nghệ cao, gian lận thi cử; đảm bảo an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy tại các điểm diễn ra hoạt động của kỳ thi.

Để chuẩn bị tốt cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, vừa qua, Sở GD-ĐT cũng đã thành lập các đoàn kiểm tra về công tác chuẩn bị cho kỳ thi cũng như ôn thi tốt nghiệp của các trường THPT nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; đẩy mạnh hiệu quả ôn tập và chuẩn bị tâm lý cho học sinh lớp 12 trước khi bước vào kỳ thi chính thức.

Với quyết tâm không để học sinh nào phải bỏ thi vì gặp khó khăn về điều kiện kinh tế hay đi lại, Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố và các ngành liên quan (Giao thông-Vận tải, Công an...) tạo điều kiện tốt nhất để hỗ trợ cho thí sinh về phương tiện đi lại trong những ngày diễn ra kỳ thi; vận động các tổ chức, cá nhân giúp đỡ các thí sinh có hoàn cảnh khó khăn. Sở Tài chính hướng dẫn các địa phương rà soát, xem xét, hỗ trợ kinh phí cho thí sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số, thuộc gia đình chính sách, hộ nghèo, học sinh ở vùng sâu, vùng xa. Tỉnh Đoàn và Đoàn Thanh niên các địa phương có phương án tiếp sức mùa thi để giúp thí sinh “vượt vũ môn” thuận lợi.

Trên địa bàn huyện Ia Grai có 3 điểm thi đặt tại các trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (thị trấn Ia Kha), Phạm Văn Đồng (xã Ia Sao) và A Sanh (xã Ia Krai) với gần 900 thí sinh dự thi (bao gồm cả thí sinh tự do). Ông Đỗ Văn Đông-Phó Chủ tịch UBND huyện-cho hay: “Để chuẩn bị tốt cho kỳ thi, UBND huyện đã ban hành kế hoạch phối hợp tổ chức kỳ thi trên địa bàn; đồng thời, các cơ quan, ban, ngành, địa phương, đơn vị liên quan cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch, phương án triển khai thực hiện. Huyện cũng chỉ đạo bố trí 1 điểm thi dự phòng tại Trường THCS Hùng Vương (thị trấn Ia Kha) và đảm bảo đầy đủ các điều kiện như điểm thi chính thức. Trên cơ sở đề nghị của các trường, huyện cũng đang xét duyệt hỗ trợ kinh phí cho học sinh dân tộc thiểu số ở thôn, làng đặc biệt khó khăn và học sinh nghèo, cận nghèo tham gia kỳ thi”.

Công tác ôn thi cũng được các trường tăng tốc ở giai đoạn cuối, đặc biệt chú trọng đến việc phân luồng, phụ đạo và bồi dưỡng riêng cho những học sinh có nguy cơ hỏng tốt nghiệp sau các lần thi thử. Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh cho biết: “Nhà trường đã tổ chức 3 đợt thi thử tốt nghiệp cho học sinh lớp 12 vào đầu tháng 4, giữa tháng 5 và giữa tháng 6. Ở đợt thi thử đầu tiên, toàn trường có 22 em chưa đạt điểm đậu; đợt 2 rớt 7 em và đợt 3 vừa tổ chức, hiện đang chấm thi. Căn cứ kết quả sau mỗi đợt thi, nhà trường họp bàn, phân tích nguyên nhân và đề ra giải pháp để giúp những em còn yếu tăng cường, củng cố kiến thức để có thể vượt qua kỳ thi cuối cấp quan trọng”.

Cùng với công tác chuẩn bị của các cấp, ngành, các em học sinh cũng bước vào giai đoạn ôn tập “nước rút”. Em Nguyễn Thị Hồng Trang-học sinh lớp 12C4, Trường THPT Phan Bội Châu (TP. Pleiku) chia sẻ: “Sau các lần kiểm tra cuối học kỳ và 2 lần thi thử tốt nghiệp, kết quả làm bài của em tương đối khả quan. Em cũng nhận ra được những kiến thức mà bản thân còn thiếu hụt và kịp thời bổ khuyết, củng cố, nhất là ở môn Hóa học để đạt được số điểm cao tại kỳ thi chính thức”.

Có thể bạn quan tâm

406 thí sinh dự thi đánh giá năng lực chuyên biệt của Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai

406 thí sinh dự thi đánh giá năng lực chuyên biệt của Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai

(GLO)- Ngày 4 và 5-5, tại Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai, Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt đợt 2 năm 2024. Kết quả bài thi này là một trong những phương thức dành cho thí sinh muốn xét tuyển vào các ngành đào tạo chính quy của trường.

Học trò nông trường năm ấy

Học trò nông trường năm ấy

(GLO)- Tôi được chuyển từ Trường Sư phạm Mẫu giáo Gia Lai-Kon Tum (đóng ở Kon Tum) về Trường Phổ thông cơ sở xã Ia Grai, huyện Chư Păh (nay là xã Ia Tô, huyện Ia Grai) từ đầu năm học 1977-1978. Sau đó, nhà trường điều tôi vào dạy lớp 1 tại điểm trường làng Delung. 
Giáo dục lịch sử bằng “mắt thấy, tai nghe”

Giáo dục lịch sử bằng “mắt thấy, tai nghe”

(GLO)- Những con số của sử liệu thường khô cứng, vì thế không gì dễ đi vào lòng người bằng bài học lịch sử trực quan, sinh động, bằng “mắt thấy, tai nghe”. Một khi tình yêu quê hương đất nước được bồi đắp, trách nhiệm của mỗi công dân với Tổ quốc cũng được nhân lên.