Vụ mùa năm nay, 31 hộ dân ở các làng Mơ Tôn, Kgiang, Mơ Hven-Ôr và Kdâu thuộc Nông hội trồng lúa năng suất cao xã Kông Lơng Khơng tham gia trồng giống lúa Đài Thơm 8 theo mô hình cánh đồng lúa một giống. Các hộ này được hướng dẫn kỹ thuật canh tác và được hỗ trợ 70% giống, 10 kg phân Ure/sào. Tổng kinh phí thực hiện mô hình hơn 376,6 triệu đồng, trong đó, huyện hỗ trợ 55 triệu đồng.
Ông Ngô Văn Thược (làng Kdâu) cho biết: Gia đình có 2 ha đất lúa. Ông từng trồng lúa Đài Thơm 8, là giống lúa hội tụ đặc tính tốt như cứng cây, kháng sâu bệnh, năng suất 6,5 tấn/ha, chất lượng gạo thơm ngon. Tuy nhiên, do trên cánh đồng có nhiều giống lúa khác dẫn đến việc thụ phấn chéo làm giảm chất lượng gạo.
“Khi xã triển khai cánh đồng lúa một giống, tôi đăng ký ngay. Đến nay, cánh đồng lúa Đài Thơm 8 sinh trưởng, phát triển tốt”-ông Thược nói.
Ông Ngô Văn Thược (bên trái, làng Kdâu, xã Kông Lơng Khơng) chia sẻ tình hình chăm sóc ruộng lúa Đài Thơm 8 tại cánh đồng lúa một giống. Ảnh: Ngọc Minh |
Ông Trần Văn Nhơn-Chủ tịch UBND xã Kông Lơng Khơng-cho hay: Mỗi năm, người dân trong xã gieo trồng 123 ha lúa, năng suất đạt khoảng 4-4,5 tấn/ha. Thời gian qua, người dân thường gieo trồng các giống lúa như: Khang Dân, Bao Thai, HT1, ĐV108… trên cùng một cánh đồng. Việc này khiến cho sâu bệnh sinh sôi. Vì vậy, xã đã xây dựng mô hình cánh đồng lúa một giống Đài Thơm 8 nhằm giúp nông dân chuyển từ tư duy sản xuất tự phát, nhỏ lẻ sang hợp tác sản xuất thông qua các hình thức kinh tế tập thể.
“Thời gian tới, xã tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân nhân rộng mô hình cánh đồng lúa Đài Thơm 8, hướng đến xây dựng thương hiệu gạo Đài Thơm 8 làng Kdâu và đăng ký sản phẩm OCOP”-ông Nhơn thông tin.
Xã Kon Pne có 120 ha lúa nước 2 vụ. Lâu nay, bà con quen với các loại giống lúa truyền thống đã thoái hóa, năng suất thấp, chất lượng kém. Để thay đổi tập quán canh tác, vụ mùa 2022, huyện hỗ trợ giống lúa ADI168 và hướng dẫn kỹ thuật cho 31 hộ ở làng Kon Hleng, Kon Ktonh gieo trồng theo cánh đồng lớn một giống.
Nhờ chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên lúa phát triển tốt, năng suất bình quân đạt 5,5 tấn/ha; một số diện tích đạt 6-6,5 tấn/ha, cao hơn so với một số giống lúa trên địa bàn như: Thiên Ưu 8 (3,9 tấn/ha), HT1 (3,7 tấn/ha).
Theo ông Dương Quốc Điệp-Chủ tịch UBND xã Kon Pne: Từ kết quả đạt được, năm 2023, người dân tiếp tục gieo trồng giống lúa ADI168 theo mô hình cánh đồng một giống. Được huyện hỗ trợ giống lúa RVT, vụ mùa năm nay, xã vận động 124 hộ dân ở các làng tham gia mô hình cánh đồng lúa một giống trên diện tích 31,2 ha.
“Giống lúa RVT cho gạo dẻo, thơm ngon, được thị trường ưa chuộng. Đây là giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn, phù hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng địa phương”-ông Điệp cho hay.
Được huyện Kbang hỗ trợ giống lúa mới chất lượng cao, người dân xã Kon Pne triển khai thực hiện thành công cánh đồng lúa một giống. Ảnh: N.M |
Giai đoạn 2021-2023, huyện Kbang xuất ngân sách hơn 2,448 tỷ đồng hỗ trợ hơn 94.937 kg giống lúa RVT, LTH31, OM4900, Hương Châu 6, Đài Thơm 8, Thiên Ưu 8, ADI168, VNR20 để người dân đưa vào sản xuất tập trung với tổng diện tích hơn 1.089 ha. Ông Mã Văn Tình-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-cho biết: Huyện hỗ trợ những giống thuần đã được trồng thử nghiệm tại địa phương.
Qua khảo sát cho thấy, năng suất lúa đạt 5-6 tấn/ha, cao hơn 0,5-1 tấn/ha so với các giống cũ. Việc canh tác lúa theo mô hình cánh đồng một giống sẽ hạn chế sâu bệnh, tăng khả năng thụ phấn, khắc phục tình trạng lúa lẫn, hiệu quả kinh tế cao hơn 15-20% so với những cánh đồng trồng nhiều giống.
“Thời gian tới, huyện tiếp tục tìm kiếm, bổ sung vào cơ cấu giống của địa phương những giống lúa chất lượng cao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao trình độ canh tác của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số”-ông Tình thông tin thêm.