Kbang: Ngăn chặn "tín dụng đen" trong vùng dân tộc thiểu số

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Huyện Kbang có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống, trong đó, người Bahnar chiếm khoảng 40,3%. Cuộc sống của đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn, khả năng tích lũy vốn đầu tư sản xuất và sinh hoạt còn hạn chế. Vì vậy, mỗi khi có việc gia đình, họ thường tìm đến các đại lý, thương lái trong làng để mượn tiền hoặc hàng hóa, cuối vụ thì bán nông sản để trả nợ.
Trước thực tế đó, huyện đề ra một số giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng lợi dụng sự thiếu hiểu biết của đồng bào DTTS để cho “mượn” vốn sản xuất với lãi suất cao. Theo đó, từ năm 2018 đến nay, huyện yêu cầu 2 bên phải có hợp đồng vay mượn, mở sổ theo dõi các khoản đầu tư và trả nợ có chứng thực của UBND xã, thị trấn. Đồng thời, các đại lý phải thực hiện đăng ký kinh doanh theo đúng quy định. Cách quản lý chặt chẽ này góp phần hạn chế tình trạng người dân bị ép giá, nợ đọng kéo dài dẫn đến nguy cơ mất đất sản xuất.
Ông Đinh Miêm (làng Lợk, xã Lơ Ku) cho hay: “Gia đình tôi có 1,5 ha đất trồng cây mì. Do thiếu vốn nên cứ đến vụ trồng mới, tôi phải mượn giống, phân bón của đại lý. Hai bên làm hợp đồng, có sổ theo dõi và chứng thực của UBND xã. Cuối vụ thu hoạch, tôi bán nông sản cho đại lý để trừ tiền. Cách làm này vừa giúp bà con có vốn sản xuất kịp thời vụ và có trách nhiệm trả nợ”.
Ông Đinh Miêm (ở giũa) cùng cán bộ tư pháp xã Lơ Ku và trưởng làng Lơk. Ảnh: Nguyễn Diệp
Ông Đinh Miêm (ở giữa, làng Lợk, xã Lơ Ku) cho biết, việc người dân mượn giống, phân bón của đại lý đều được ghi sổ theo dõi và chứng thực của UBND xã. Ảnh: Nguyễn Diệp
Còn bà Đặng Thị Dung (làng Tăng, xã Lơ Ku) thì chia sẻ: “Tôi buôn bán vật tư nông nghiệp tại 2 làng Tăng và Drang từ nhiều năm nay. Người dân trong làng thường mượn giống, phân bón phục vụ sản xuất. Đến cuối vụ, tôi thu mua nông sản theo giá thị trường. Chủ yếu mình tạo điều kiện cho người dân sản xuất vươn lên thoát nghèo chứ không tính lãi cao. Phần lớn các hộ khi mượn vốn đều trả đầy đủ, có sự tham gia giám sát của UBND xã, đảm bảo hài hòa quyền lợi giữa hai bên”.
Trao đổi với P.V, ông Trương Nhật Linh-Phó Chủ tịch UBND xã Lơ Ku-thông tin: Thời gian qua, UBND xã đã thành lập 3 tổ điều tra, rà soát về vấn đề người dân mượn vốn đầu tư sản xuất. Tính đến đầu tháng 7-2021, toàn xã có 31 cá nhân đầu tư vốn, giống, vật tư nông nghiệp cho 89 hộ dân với số tiền hơn 806 triệu đồng. Để quản lý việc đầu tư và trả nợ, hàng quý, cán bộ xã gặp các chủ đầu tư đối chiếu công nợ đưa vào hợp đồng và sổ quản lý theo dõi. “Khó khăn nhất hiện nay là giữa người đầu tư và hộ dân chưa thống nhất về các khoản mượn dẫn đến công tác đối chiếu sổ sách ghi nợ chưa rõ ràng. Đặc biệt, nhiều hộ không hợp tác và không kê khai các khoản nhận đầu tư”-ông Linh nói.
Cán bộ xã Lơ Ku (huyện Kbang) kiểm tra thông tin vay vốn tại 1 hộ dân. Ảnh: Nguyễn Diệp
Cán bộ xã Lơ Ku (huyện Kbang) kiểm tra thông tin vay vốn tại 1 hộ dân. Ảnh: Nguyễn Diệp
Theo thống kê sơ bộ của Văn phòng UBND huyện Kbang, cuối năm 2019, toàn huyện có 190 đại lý, thương lái cho khoảng 1.600 hộ DTTS mượn vốn, nhận đầu tư giống, vật tư nông nghiệp và mua nợ hàng tiêu dùng với số tiền hơn 17 tỷ đồng. So với năm 2018, giảm 599 hộ mượn, tiền mượn đầu tư giảm hơn 5,2 tỷ đồng. Trong số đó, UBND các xã đã chứng thực 649 hợp đồng đầu tư. Đặc biệt, qua chứng thực, xã Tơ Tung đã phát hiện 1 hộ đầu tư không thực hiện ký hợp đồng, mở sổ theo dõi, mua ép giá nông sản. Chính quyền địa phương đã yêu cầu hộ này hoàn trả số tiền chênh lệch 480 ngàn đồng cho người dân.
Ông Lê Thanh Sơn-Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang-cho biết: Những năm qua, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm ngăn chặn tình trạng cho vay nặng lãi trong vùng đồng bào DTTS. Thời gian đến, huyện sẽ ưu tiên hỗ trợ vốn sản xuất cho hộ nghèo nhằm giúp họ ổn định cuộc sống.
NGUYỄN DIỆP

Có thể bạn quan tâm