(GLO)- Huyện Kbang hiện có Nông hội dâu, tằm tơ và rau, quả Sông Ba và Nông hội nuôi bò xã Đông. Mô hình đã phát huy thế mạnh của từng địa phương, giúp nông dân thay đổi tư duy sản xuất, nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm nông nghiệp.
Ra mắt vào đầu tháng 11-2019, đến nay, Nông hội dâu, tằm tơ và rau, quả Sông Ba đã thu hút 83 nông dân trên địa bàn xã Đak Hlơ và Kông Pla tham gia. Ông Lê Thanh Toại-Chủ nhiệm Nông hội-cho biết: Những năm gần đây, người dân chuyển đổi diện tích mía sang trồng cây ăn quả, trồng dâu nuôi tằm, rau màu để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất còn mang tính tự phát, manh mún, hạn chế về kỹ thuật trồng, chăm sóc dẫn đến hiệu quả chưa cao. Chính vì vậy, Nông hội ra đời sẽ dần khắc phục những hạn chế trên. “Tham gia Nông hội, hội viên được trao đổi thông tin về thị trường, liên kết tiêu thụ sản phẩm, chia sẻ kỹ thuật sản xuất. Nông hội phối hợp với Hội Nông dân, Phòng Nông nghiệp và PTNT tổ chức tập huấn chuyên đề chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hướng dẫn quy trình trồng cây ăn quả, trồng dâu nuôi tằm; tổ chức cho hội viên tham quan mô hình trồng cây ăn quả. Đến nay, hội viên đã trồng được 50 ha cây ăn quả và 25 ha dâu”-ông Toại nói.
Gia đình ông Trần Xuân Tình (thôn 3, xã Đak Hlơ) có 4 ha đất chuyên trồng mía. Năm 2018, ông Tình phá bỏ gần 1 ha mía để chuyển sang trồng cây ăn quả, trồng dâu nuôi tằm và trồng cỏ nuôi bò. “Thu nhập từ các loại cây trên tăng gấp đôi, gấp 3 lần so với cây mía. Tuy nhiên, có thời điểm đầu ra sản phẩm gặp khó khăn. Vào Nông hội, tôi còn được mọi người giới thiệu thị trường tiêu thụ sản phẩm”-ông Tình cho hay.
|
Ông Phạm Văn Sang (bìa phải; xã Đak Hlơ, huyện Kbang) thu hoạch kén tằm. Ảnh: Ngọc Minh |
Còn ông Phạm Văn Sang (cùng thôn) thì chia sẻ: “Tham gia Nông hội, tôi được học hỏi kỹ thuật trồng rau màu, cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP. Gia đình tôi trồng được 1 sào cây ăn quả (gồm mít, na) và 1 sào rau màu và 3 sào cây dâu tằm. Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên đầu ra sản phẩm kén tằm gặp khó khăn. Tuy nhiên, nhờ được các thành viên giới thiệu nơi tiêu thụ nên gia đình tôi đã bán được sản phẩm, mang lại thu nhập ổn định”.
Nhằm mang lại lợi ích kinh tế cho các thành viên cũng như cộng đồng dân cư, đầu tháng 8-2020, Nông hội nuôi bò xã Đông được thành lập với 84 thành viên. Đây là mô hình chăn nuôi bò kết hợp sản xuất rau màu, hướng tới mục tiêu liên kết, trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Ở “ngôi nhà chung” này, các thành viên hỗ trợ nhau trong chăn nuôi, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, hướng tới chăn nuôi bò theo hướng bền vững.
|
Anh Đinh Rêu (bên phải; thôn 1, xã Đông, huyện Kbang) tham gia vào nông hội được trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi và biết cách cập nhật thông tin thị trường. Ảnh: Ngọc Minh |
Ông Nguyễn Thanh Trung-Chủ nhiệm Nông hội-cho hay: “Để Nông hội hoạt động hiệu quả, thời gian tới, chúng tôi sẽ đề xuất các cấp, các ngành tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi bò cho thành viên; phát triển quy mô chăn nuôi, nâng cao chất lượng đàn bò; khảo sát, liên kết tìm đầu ra ổn định trong tiêu thụ bò giống, bò thịt, bò sinh sản”.
Cũng theo Chủ nhiệm Nông hội nuôi bò xã Đông, hiện nay, Ban chủ nhiệm đang rà soát số lượng đàn bò, nhu cầu thức ăn, kỹ thuật, vốn… đối với từng thành viên để có hướng hỗ trợ kịp thời.
Ông Nguyễn Văn Dũng-Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang: “Qua thực tế hoạt động, 2 nông hội trên địa bàn huyện đã phát huy thế mạnh của từng địa phương, giúp nông dân thay đổi tư duy sản xuất, nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm nông nghiệp. Thời gian tới, huyện tiếp tục nhân rộng mô hình nông hội tại các xã còn lại”. |
Anh Đinh Rêu (thôn 1, xã Đông) bộc bạch: “Đầu năm 2019, tôi bán 4 con bò để làm nhà ở. Do không nắm bắt được giá cả thị trường nên bị thương lái ép giá. Bây giờ tham gia vào Nông hội, bên cạnh được trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi, tôi biết cách cập nhật thông tin thị trường về đầu ra sản phẩm của mình nên không bị ép giá nữa”.
Ông Hồ Viết Cảm-Chủ tịch Hội Nông dân huyện Kbang-cho biết: Việc thành lập nông hội sẽ tạo tiền đề cho phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất ở khu vực nông thôn; khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của huyện trong chăn nuôi, trồng trọt; tăng cường mối liên kết giữa hộ nông dân với các doanh nghiệp, hợp tác xã và thị trường tiêu thụ sản phẩm để hỗ trợ kinh tế hộ phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần thực hiện có hiệu quả đề án tái cơ cấu nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
NGỌC MINH