Ia Rtô triển khai chính sách giảm nghèo đúng địa chỉ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Thời gian qua, xã Ia Rtô (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) đã triển khai nhiều chương trình, dự án hỗ trợ hộ nghèo. Đặc biệt, các chính sách hỗ trợ đảm bảo đúng địa chỉ nên phát huy được tính bền vững, hạn chế tái nghèo.

Hỗ trợ đúng người, đúng việc

Buôn Phu Ma Miơng có 215 hộ. Cuối năm 2023, buôn còn 2 hộ nghèo và 12 hộ cận nghèo. Với mục tiêu xóa hoàn toàn hộ nghèo trong năm 2024, buôn đã tiến hành rà soát kỹ lưỡng tiêu chí thiếu hụt của các hộ dân để đề xuất địa phương có phương án hỗ trợ phù hợp. Với những hộ khó khăn về nhà ở, thiếu phương tiện sản xuất, buôn đề xuất xã hỗ trợ nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia. Hộ thiếu vốn trồng trọt, chăn nuôi thì hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội.

Bên cạnh đó, buôn vận động người dân tham gia các lớp học nghề ngắn hạn và phiên giao dịch việc làm để tìm kiếm công việc phù hợp, nâng cao thu nhập.

2vc-8052-9484.jpg
Anh Nay Lanh (buôn Phu Ma Miơng) chăm sóc con bò được hỗ trợ từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia. Ảnh: V.C

Từ năm 2023 đến nay, các hộ nghèo ở buôn Phu Ma Miơng được hỗ trợ 3 căn nhà, 8 con bò sinh sản, 2 hệ thống nước sạch, 20 người tham gia lớp học nghề điện dân dụng. Theo kết quả khảo sát mới đây, các hộ được hỗ trợ đều đã đảm bảo các tiêu chí thoát nghèo.

Chị Kpă Noan-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Phu Ma Miơng-cho hay: Để các chính sách giảm nghèo đến đúng địa chỉ thì công tác điều tra, rà soát hộ nghèo là việc làm trước tiên, có vai trò rất quan trọng, không bỏ sót đối tượng. Kết quả rà soát được thông báo công khai trên hệ thống loa truyền thanh của buôn và các cuộc họp dân. Nếu có khiếu nại thì hệ thống chính trị sẽ tổ chức phúc tra lại. Công tác bình chọn hộ thụ hưởng chính sách cũng được làm tương tự, đảm bảo sự đồng thuận, thống nhất trong quần chúng nhân dân.

Qua rà soát, gia đình anh Nay Lanh (buôn Phu Ma Miơng) được xác định là hộ nghèo, thiếu hụt 2 tiêu chí gồm nhà ở dột nát và không có phương tiện sản xuất. Nhằm giúp gia đình anh thoát nghèo, năm 2023, xã hỗ trợ xây dựng căn nhà “Đại đoàn kết” trị giá 50 triệu đồng từ Quỹ “Vì người nghèo” thị xã. Năm 2024, từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, xã tiếp tục hỗ trợ gia đình anh 1 con bò sinh sản.

Anh Lanh chia sẻ: Trước đây, 7 người trong gia đình chỉ trông chờ vào 3 sào mì nên cuộc sống luôn thiếu trước hụt sau. Căn nhà tạm dột nát cũng không có tiền để sửa chữa. Nay được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà mới, tặng bò sinh sản, gia đình mừng lắm.

“Tất cả như một giấc mơ đối với gia đình tôi. Vợ chồng, con cái bảo nhau luân phiên chăn thả, cắt cỏ nuôi bò, hy vọng nó mau lớn, đẻ con giúp gia đình phát triển chăn nuôi, vươn lên thoát nghèo”-anh Lanh kỳ vọng.

Tương tự, gia đình em Ksor H’Loanh-Học sinh lớp 4 (Trường Tiểu học và THCS Nguyễn Viết Xuân, trú tại buôn Phu Ma Nher 1) là hộ cuối cùng của buôn còn tình trạng nhà ở dột nát. Sau khi nắm bắt hoàn cảnh gia đình, Đoàn xã phối hợp với Tỉnh Đoàn triển khai hỗ trợ xây dựng cho gia đình em 1 căn nhà mới với tổng kinh phí 70 triệu đồng. Chính quyền địa phương hỗ trợ thêm 7 triệu đồng giúp gia đình đổ bê tông khoảng sân trước nhà. Sau hơn 1 tháng thi công, với sự giúp đỡ ngày công của đoàn viên, thanh niên trong xã, căn nhà đã hoàn thành vượt tiến độ đề ra.

Nhanh tay quét dọn khoảng sân trước căn nhà mới, chị Ksor H’Pli (mẹ em H’Loanh) vui mừng thổ lộ: “Căn nhà là niềm mơ ước của gia đình tôi bấy lâu nay. Riêng cháu H’Loanh, mỗi lần đi học về là quét dọn nhà cửa sạch sẽ. Chị của H’Loanh được Đoàn xã giới thiệu đi làm công nhân ở tỉnh Đồng Nai được hơn 1 tháng nay, đã có lương gửi về giúp đỡ cha mẹ”.

Phó Bí thư Đoàn xã Rcom H’Mari cho hay: Quan tâm, giúp đỡ trẻ em yếu thế, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn là nhiệm vụ trọng tâm, được các cấp bộ Đoàn triển khai thường xuyên, liên tục. Ngoài nhà ở, từ nguồn vận động xã hội hóa, Đoàn xã nhận đỡ đầu, giúp đỡ các em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn.

Bên cạnh đó, Đoàn xã đẩy mạnh phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp, hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm, giúp thanh niên có việc làm ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống. Đến thời điểm hiện tại, xã không còn đoàn viên, thanh niên thuộc diện hộ nghèo.

Cả hệ thống chính trị chung tay

Đầu năm 2023, xã Ia Rtô có 11 hộ đăng ký thoát nghèo nhưng cuối năm có đến 12 hộ thoát nghèo, 13 hộ cận nghèo vươn lên ổn định cuộc sống. Kết quả này cho thấy công tác giảm nghèo của địa phương đi đúng hướng, đảm bảo hiệu quả, bền vững.

Phát huy kết quả đạt được, năm 2024, xã tiếp tục tập trung mọi nguồn lực cho công tác giảm nghèo, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng hội, đoàn thể phụ trách giúp đỡ hộ hội viên thoát nghèo; giao chỉ tiêu cho từng thôn, buôn phấn đấu, lấy đó làm tiêu chuẩn đánh giá, xếp loại cuối năm đối với người đứng đầu, cán bộ, đảng viên.

ia-rto-trien-khai-chinh-sach-giam-ngheo-dung-dia-chi-bg-6820-4821.jpg
Chị Ksor H’Pli (mẹ em H’Loanh, buôn Phu Ma Nher 1) bên căn nhà “Khăn quàng đỏ” do Đoàn xã phối hợp với Tỉnh Đoàn trao tặng. Ảnh: V.C

Chị Mang Thị Tuyết Như-Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã-cho hay: Theo kết quả rà soát cuối năm 2023, toàn xã còn 19 hộ hội viên nghèo, 66 hộ hội viên cận nghèo. Thực hiện mục tiêu chung tay cùng chính quyền địa phương xóa toàn bộ hộ nghèo trong năm 2024, Hội phụ trách giúp đỡ 2 hộ hội viên thoát nghèo là gia đình chị Nay H’Yiak (buôn Phu Ma Nher 1) và chị Nay H’Nhuet (buôn Phu Ma Miơng). Cả 2 hộ nghèo đều không có phương tiện sản xuất.

Từ nguồn quỹ đóng góp của hội viên, Hội đã hỗ trợ 1 con heo sinh sản trị giá 2 triệu đồng cho gia đình chị H’Yiak và đề xuất xã hỗ trợ chị H’Nhuet 1 con bò sinh sản. Sau đó, Ban Chấp hành Hội thường xuyên phối hợp với Chi hội Phụ nữ buôn kiểm tra, hướng dẫn hội viên cách thức chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho vật nuôi. Nhờ vậy, vật nuôi phát triển khỏe mạnh, mở ra cơ hội tạo thu nhập cho gia đình trong tương lai.

Không chỉ được hỗ trợ heo sinh sản, chị H’Yiak còn được Hội Liên hiệp phụ nữ xã hướng dẫn làm hồ sơ vay 50 triệu đồng nguồn vốn tín dụng chính sách để làm chuồng trại đảm bảo vệ sinh, đầu tư thêm thức ăn giàu dinh dưỡng giúp heo mau lớn. Lượng chất thải thu gom được, gia đình được hướng dẫn ủ mục để bón cho hơn 5 sào mì. Chị H’Yiak phấn khởi nói: “Sau nửa năm chăm sóc, heo nhà tôi sắp bước vào thời kỳ sinh sản. Hy vọng đàn heo còn giúp gia đình có thêm nguồn thu nhập cải thiện cuộc sống”.

Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Huỳnh Thanh Thọ, để mang lại hiệu quả, các chính sách hỗ trợ hộ nghèo đều xây dựng trên cơ sở chặt chẽ, phù hợp với điều kiện thực tế địa phương. Chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất thì hướng tới các đối tượng có khả năng lao động. Chính sách an sinh xã hội thì hướng tới người già, người yếu thế. Như vậy mới phát huy được hiệu quả từng chính sách, đáp ứng mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bền vững, hạn chế tái nghèo, phát sinh nghèo.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, không phải ai được hỗ trợ “cần câu” cũng đều “câu được cá”. Họ cần được quan tâm giúp đỡ, đặc biệt là làm thay đổi từ trong nhận thức. Vì vậy, xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân nhằm nâng cao nhận thức, khơi dậy ý chí tự lực vươn lên của người nghèo, không trông chờ ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước.

Theo ông Nay Bưng-Phó Chủ tịch UBND xã: Từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023 đến nay, xã đã hỗ trợ 4 căn nhà, 90 con bò sinh sản, 17 hệ thống nước sạch cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo. Ngoài ra, thông qua kênh Mặt trận và Đoàn Thanh niên, 2 hộ nghèo được hỗ trợ nhà ở. Xã cũng phối hợp với Trường Cao đẳng Gia Lai mở 2 lớp đào tạo nghề sửa chữa điện dân dụng cho 60 người tại địa phương.

Trong quá trình triển khai, công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện thường xuyên đảm bảo các nguồn vốn đến đúng đối tượng, mục đích, phát huy hiệu quả trong thực tế, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững tại địa phương. Trong số 90 con bò được hỗ trợ, chỉ có 1 con bị chết do ngộ độc trong quá trình chăn thả. Nắm được thông tin, xã tiến hành xác minh, vận động để hỗ trợ 1 con bò khác giúp gia đình.

“Với mục tiêu xóa toàn bộ hộ nghèo và giảm 20 hộ cận nghèo trong năm 2024, địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ các chính sách giảm nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản; trong đó, ưu tiên các chương trình, dự án mang lại hiệu quả cao như giới thiệu việc làm, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, lồng ghép hoạt động tín dụng chính sách, hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật giúp hộ nghèo vươn lên ổn định cuộc sống, không để tình trạng tái nghèo xảy ra”-Phó Chủ tịch UBND xã nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

Phú Thiện quyết tâm về đích nông thôn mới vào năm 2025

Phú Thiện quyết tâm về đích nông thôn mới vào năm 2025

(GLO)- Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) lần thứ XIX (nhiệm kỳ 2020-2025) đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 trở thành huyện nông thôn mới. Trên cơ sở mục tiêu đề ra, huyện đã huy động mọi nguồn lực xây dựng nông thôn mới và đạt được những kết quả khả quan.

Chư Păh quan tâm tạo sinh kế cho hộ nghèo

Chư Păh quan tâm tạo sinh kế cho hộ nghèo

(GLO)- Nhằm triển khai có hiệu quả Tiểu dự án 1-Dự án 3 về hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc Chương trình MTQG gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, huyện Chư Păh đã thành lập các tổ cộng đồng theo dõi, giám sát, hướng dẫn và hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo, cận nghèo.

“Điểm tựa” của làng Ngo Le

“Điểm tựa” của làng Ngo Le

(GLO)- Chòm râu dài, ánh mắt sáng, dáng người khỏe khoắn, nhanh nhẹn là ấn tượng của chúng tôi khi gặp già làng Rơ Lan Vọng, người được xem là “điểm tựa” của làng Ngo Le (xã Ia Krêl, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai). 

Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng chất lượng, thân thiện môi trường

Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng chất lượng, thân thiện môi trường

(GLO)- Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai vừa ban hành Công văn số 2322/UBND-KTTH triển khai thực hiện Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 26-8-2024 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng.

Các đơn vị thực hiện nộp hồ sơ giải quyết TTHC về chuyển đổi công ty nhà nước thành công ty TNHH một thành viên tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, quầy Sở Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: Hà Duy

Công bố 3 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Kế hoạch và Đầu tư

(GLO)- Ủy ban nhân dân tỉnh vừa ban hành Quyết định số 561/QĐ-UBND công bố danh mục gồm 3 thủ tục hành chính (TTHC) mới và quy trình nội bộ giải quyết TTHC trong lĩnh vực chuyển đổi công ty nhà nước thành công ty TNHH một thành viên thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Kế hoạch và Đầu tư.