Chư Păh quan tâm tạo sinh kế cho hộ nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Nhằm triển khai có hiệu quả Tiểu dự án 1-Dự án 3 về hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc Chương trình MTQG gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, huyện Chư Păh đã thành lập các tổ cộng đồng theo dõi, giám sát, hướng dẫn và hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo, cận nghèo.

Đa dạng hóa sinh kế

Ông Đỗ Viết Tuấn (thôn 1, xã Nghĩa Hòa) cho biết: “Gia đình tôi thuộc diện cận nghèo. Bản thân tôi bị bệnh nên không thể làm việc nặng. Cuộc sống gia đình phụ thuộc vào 6 sào cà phê nhưng vườn cây đã già cỗi, năng suất thấp nên nguồn thu không ổn định.

Vừa qua, gia đình được chính quyền địa phương hỗ trợ 6 con dê sinh sản. Đây là nguồn sinh kế để gia đình tôi vươn lên thoát nghèo trong những năm tới”.

1bg-ong-do-viet-tuan-cham-soc-dan-de-duoc-ho-tro-6583.jpg
Ông Đỗ Viết Tuấn (thôn 1, xã Nghĩa Hòa) chăm sóc đàn dê sinh sản được Nhà nước hỗ trợ. Ảnh: N.D

Ông Nguyễn Huy Thiện-Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hòa-thông tin: Từ nguồn vốn hỗ trợ của Tiểu dự án 1-Dự án 3, UBND xã đã xây dựng dự án hỗ trợ dê sinh sản cho hộ nghèo, cận nghèo. Đặc biệt, xã cũng đã thành lập Tổ cộng đồng hợp tác chăn nuôi dê.

Bên cạnh đó, xã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tập huấn quy trình chăn nuôi dê cho các hộ dân. Đến nay, đàn dê của 12 hộ nghèo phát triển ổn định. Đây là nguồn sinh kế để các hộ vươn lên thoát nghèo.

Trong khuôn khổ Tiểu dự án 1-Dự án 3, huyện Chư Păh có 18 dự án theo đề xuất của cộng đồng để thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, 13 dự án chăn nuôi dê, bò sinh sản và 5 dự án hỗ trợ vật tư nông nghiệp, giống cây trồng với 114 hộ nghèo, cận nghèo được thụ hưởng và 16 hộ sản xuất giỏi tham gia hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho người dân để vươn lên thoát nghèo.

Thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Ông Rơ Châm Khoan-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Hreng (xã Hòa Phú) cho hay: Làng Hreng hiện có 294 hộ, trong đó có 9 hộ nghèo và 61 hộ cận nghèo. Từ đầu năm đến nay, từ nguồn vốn của Tiểu dự án 1-Dự án 3, UBND xã đã hỗ trợ 3 con bò sinh sản cho hộ nghèo, cận nghèo để phát triển kinh tế. Làng đã thành lập Tổ giám sát cộng đồng, thường xuyên theo dõi, hướng dẫn các hộ xây dựng chuồng trại, cách chăm sóc.

Một trong những cách làm mới của huyện Chư Păh là thành lập Tổ thẩm định gồm các phòng, ban liên quan để hỗ trợ các xã, thị trấn thẩm định phương án, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo đề xuất của cộng đồng. Còn các thôn, làng thì thành lập tổ cộng đồng hướng dẫn hộ nghèo, cận nghèo phát triển kinh tế.

Đây được xem là cách làm mới, phù hợp với thực tế địa phương nhằm giúp người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm để phát triển kinh tế gia đình, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.

0them-ho-ngheo-xa-chu-dang-ya-trong-co-nuoi-bo-sinh-san-duoc-ho-tro-1352.jpg
Hộ nghèo xã Chư Đăng Ya trồng cỏ nuôi bò sinh sản được hỗ trợ. Ảnh: Nguyễn Diệp

Theo ông Nguyễn Đức Hiệu-Công chức Địa chính-Nông nghiệp xã Hòa Phú: So với trước đây, các dự án, phương án hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo đã có sự đột phá.

Theo đó, đối tượng hỗ trợ phải thông qua tổ cộng đồng thôn, làng để các hộ cùng liên kết chứ không sản xuất nhỏ lẻ. Tổ trưởng là người sản xuất giỏi và tham gia hoạt động trong các chi hội ở thôn, làng. Bên cạnh đó, hộ nghèo, cận nghèo tự lựa chọn cây trồng, vật nuôi, vật tư nông nghiệp phù hợp với điều kiện sản xuất và nhu cầu của gia đình.

Khi tham gia dự án, các hộ nghèo, cận nghèo phải cam kết và có mục tiêu thoát nghèo rõ ràng.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Ngọc Thanh-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Păh-cho biết: Trên cơ sở nguồn vốn hỗ trợ của Tiểu dự án 1-Dự án 3, hàng năm, UBND huyện phân bổ về các xã, thị trấn để tạo sinh kế cho người dân. Trong quá trình thực hiện, các xã, thị trấn đều theo sự lựa chọn của hộ nghèo, cận nghèo nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho những hộ được thụ hưởng.

Thời gian tới, UBND huyện tiếp tục chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với các xã, thị trấn tuyên truyền chủ trương, chính sách về hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi và vật tư nông nghiệp theo các dự án, phương án đã được phê duyệt của Tiểu dự án 1-Dự án 3 để hộ nghèo, cận nghèo được thụ hưởng sớm vươn lên thoát nghèo bền vững.

Có thể bạn quan tâm

Ảnh: Mai Ka

Nghề nuôi ong ở Chư Nghé

(GLO)- Đó là chuyện của mấy chục năm về trước ở thị tứ Chư Nghé, xã Ia Krái, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai. Anh Trần Văn Huynh-một người bạn của tôi-kể: Năm 1995, anh rời Hà Nam vào Ia Grai lập nghiệp.

Trung tâm huyện Đức Cơ nhìn từ trên cao. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Ký ức vùng biên

(GLO)- Mới đó mà đã hơn 20 năm kể từ ngày tôi về nhận công tác tại Huyện Đoàn Đức Cơ. Ngày ấy, tôi quyết định rời xa phố xá đông vui để lên làm việc tại vùng biên giới xa xôi trước sự ngạc nhiên của bè bạn. Chuyến đi mang theo hoài bão lớn lao với khát vọng của một thanh niên đang căng tràn sức trẻ.

Đăk Tơ Ver chuyển mình phát triển

Đăk Tơ Ver chuyển mình phát triển

(GLO)- Xã Đăk Tơ Ver (huyện Chư Păh) đã triển khai các dự án hỗ trợ nhà ở, đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, hỗ trợ phát triển sản xuất, góp phần nâng cao đời sống người dân và thay đổi diện mạo nông thôn.

Đề xuất điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024

Đề xuất điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024

(GLO)-Triển khai thực hiện Nghị quyết số 111/2024/QH15, UBND tỉnh vừa có Tờ trình số 2289/TTr-UBND trình HĐND tỉnh về việc điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Nhà nước năm 2024 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.