(GLO)- Thời gian qua, huyện Ia Pa (Gia Lai) đã chú trọng công tác dân vận chính quyền gắn với thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, công khai, minh bạch trong quản lý, điều hành, tăng cường cải cách hành chính... Qua đó, huyện đã triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Những ngày này, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể xã Pờ Tó đang tích cực giúp người dân tiêu hủy gần chục héc ta mì bị bệnh khảm lá vi rút. Để vận động người dân nhổ bỏ, tiêu hủy rẫy mì vào thời điểm này rất khó vì giá mì tươi đang lên cao (gần 2.500 đồng/kg) nên nhiều hộ chần chừ chưa chịu nhổ. “Nhưng nếu giữ lại cây mì bị bệnh thì sẽ không có củ và bệnh sẽ lây lan rất nhanh, gây thiệt hại lớn. Chính vì thế, chúng tôi kiên trì vận động để người dân nhận thức được mức độ nguy hại của dịch bệnh và phối hợp với chính quyền nhổ bỏ, tiêu hủy diện tích mì nhiễm bệnh”-ông Lê Trọng Nam-Chủ tịch UBND xã Pờ Tó-cho hay.
Xã Ia Tul vận động người dân di dời chuồng trại gia súc ra khỏi gầm nhà sàn. Ảnh: T.Đ |
Còn ở xã Ia Tul, cùng với việc huy động người dân tiêu hủy hơn 4 ha mì bị bệnh khảm lá vi rút, chính quyền đang tích cực vận động các hộ tập trung di dời chuồng trại chăn nuôi gia súc ra khỏi gầm nhà sàn, cách xa khu vực nhà ở nhằm hoàn thành tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Ông Nguyễn Phi Loan-Bí thư Đảng ủy xã Ia Tul-cho biết: Để thay đổi nhận thức người dân trong việc di chuyển chuồng bò ra xa khu vực nhà ở là việc không dễ dàng. Xã đã phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Đặc biệt, xã triển khai thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của nhân dân; mở rộng hình thức đối thoại trực tiếp để lắng nghe ý kiến và sự ủng hộ của nhân dân về vấn đề này. Xã cũng thường xuyên cử cán bộ đến từng hộ dân tuyên truyền, phân tích về những tác hại của việc để chuồng trại chăn nuôi gần nhà. Đồng thời “cầm tay chỉ việc” hướng dẫn các hộ xây dựng chuồng bò nền láng xi măng, thoát nước tự động. Bằng nguồn kinh phí 290 triệu đồng từ chương trình xây dựng nông thôn mới, xã đã hỗ trợ cho 38 hộ gia đình ở các buôn: Lanh, Ptao, Tơ Khế, Biah A, Biah B và Biah C vay để di dời chuồng trại nhốt gia súc, đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh.
Ia Ma Rơn là xã điểm về xây dựng nông thôn mới của huyện Ia Pa. Xã đã thành công trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân thấy được lợi ích của chương trình xây dựng nông thôn mới và nhận rõ vai trò trung tâm của mình nên bà con đều tích cực hưởng ứng bằng cách góp cát, đá và công lao động để mở rộng đường thôn, đường nội đồng, bê tông hóa kênh mương. Nhiều hộ dân tự nguyện hiến đất, dời hàng rào vào bên trong vườn nhà mà không yêu cầu đền bù...
Không chỉ ở Pờ Tó, Ia Tul, Ia Ma Rơn, các xã khác trên địa bàn huyện Ia Pa cũng nỗ lực thực hiện hiệu quả công tác dân vận chính quyền. Để có được kết quả đó, huyện Ia Pa thường xuyên quán triệt, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cán bộ, công chức, viên chức nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác dân vận chính quyền đối với sự phát triển của địa phương. Đồng thời, huyện chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch, phân công nhiệm vụ đến từng cán bộ, gắn việc thực hiện công tác dân vận với nhiệm vụ chuyên môn.
Bà Rah Lan H'Dry-Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Ia Pa-cho hay: Nét nổi bật là thực hiện công tác dân vận chính quyền gắn với quy chế dân chủ ở cơ sở theo phương châm “Trọng dân, gần dân, hiểu dân và có trách nhiệm với dân”. Mọi thông tin, công việc liên quan đến quyền, lợi ích, nghĩa vụ của nhân dân đều được công khai, minh bạch và đưa ra các hội nghị để “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các xã thường xuyên xuống tận thôn, làng để nắm bắt ý kiến và kịp thời giải quyết những vướng mắc, vấn đề phức tạp, bức xúc của người dân. Các phương án đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, kế hoạch sử dụng đất đai, trợ cấp bảo hiểm đều được niêm yết tại trụ sở xã, nhà văn hóa thôn, làng; công khai qua hệ thống truyền thanh, các cuộc họp thôn, cuộc tiếp xúc cử tri để nhân dân biết. Qua đó, tạo sự minh bạch trong giải quyết công việc đối với tổ chức, cá nhân, góp phần củng cố lòng tin của người dân vào chính quyền địa phương, từ đó người dân tích cực đóng góp xây dựng huyện nhà.
Bên cạnh đó, công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân luôn được huyện quan tâm, chú trọng. Từ đầu năm đến nay, các vụ việc khiếu nại thuộc thẩm quyền của UBND huyện đã được xem xét giải quyết kịp thời, đúng quy định của pháp luật, không để tồn đọng, gây bức xúc trong nhân dân, dẫn đến khiếu kiện đông người. Huyện còn quan tâm ứng dụng công nghệ thông tin vào xử lý nhiệm vụ tại các cơ quan Đảng, chính quyền, đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm giải quyết kịp thời các công việc, tránh phiền hà, lãng phí cho nhân dân.
Có thể khẳng định, công tác dân vận chính quyền trên địa bàn huyện Ia Pa đã phát huy tác dụng tích cực, tạo được sự tin tưởng, đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân. Qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh của địa phương.
Trần Đức