Ia Mơ Nông quyết tâm về đích nông thôn mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Xã Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) hiện đạt 12/19 tiêu chí nông thôn mới (NTM). Với mục tiêu phấn đấu về đích NTM vào cuối năm nay, cấp ủy, chính quyền và người dân đang nỗ lực nhằm hoàn thiện những tiêu chí còn lại.

Xã Ia Mơ Nông có 6 thôn, làng với 1.063 hộ/4.186 khẩu. Theo Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Hiệu, để phấn đấu hoàn thành 7 tiêu chí còn lại (gồm: quy hoạch, cơ sở vật chất văn hóa, thu nhập, lao động, y tế, môi trường và an toàn thực phẩm, hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật), Đảng ủy, UBND xã phân công các đảng viên, cán bộ hội, đoàn thể và các ban, ngành phụ trách bám sát địa bàn để tuyên truyền, hướng dẫn các thôn, làng tập trung triển khai thực hiện.

Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân để phát huy nội lực cùng chung tay thực hiện các công trình, phần việc với vai trò là chủ thể trong xây dựng NTM.

Du khách tham quan khu nhà mồ làng Kép, xã Ia Mơ Nông. Ảnh: L.N

Du khách tham quan khu nhà mồ làng Kép, xã Ia Mơ Nông. Ảnh: L.N

Ngay từ đầu năm 2023, xã Ia Mơ Nông đã tập trung triển khai thực hiện từng tiêu chí chưa đạt trên cơ sở phù hợp với điều kiện thực tế. Trong đó, tiêu chí quy hoạch đã được UBND huyện phê duyệt dự toán và kế hoạch lựa chọn nhà thầu thực hiện Dự án quy hoạch chung xã đến năm 2030. Tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa cũng đã được UBND xã đăng ký nguồn vốn đầu tư xây dựng nhà văn hóa xã và các thôn, làng; hiện đang triển khai xây dựng.

Xã tuyên truyền, vận động 3.223/4.186 người dân tham gia bảo hiểm y tế, đạt 77% dân số; tiếp tục nhân rộng mô hình “Hàng rào xanh”, “Con đường hoa”, di dời chuồng trại chăn nuôi ra xa nhà ở. Vận động người dân xây dựng nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước hợp vệ sinh, nhân rộng mô hình “Chi hội phụ nữ 5 không, 3 sạch xây dựng NTM”. Ngoài ra, xã phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện, Trường Cao đẳng Gia Lai tổ chức các lớp đào tạo sơ cấp nghề: du lịch cộng đồng, kỹ thuật trồng cây sầu riêng, kỹ thuật hàn, trồng nấm, ẩm thực, cồng chiêng…

Ông Rơ Châm Gloan-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Al-cho biết: “Hiện nay, tỷ lệ người dân trong thôn tham gia bảo hiểm y tế đạt 67%; thôn còn 19 hộ nghèo (chiếm 9,7%), 28 hộ cận nghèo (14,3%); thu nhập bình quân đầu người đạt 40 triệu đồng/năm. Trước mắt, thôn quyết tâm giảm 5 hộ nghèo và 5 hộ cận nghèo”.

Thời gian qua, UBND xã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện triển khai 2,5 ha mô hình thâm canh chanh dây với sự tham gia của 9 hộ dân, hỗ trợ hệ thống tưới tiết kiệm nước trên diện tích 17,5 ha cây ăn quả và cây công nghiệp dài ngày cho 25 hộ dân; tổ chức tập huấn kỹ thuật thâm canh và hướng dẫn sản xuất chanh dây theo hướng VietGAP cho 30 hộ dân; thẩm định vườn cà phê tái canh cho 74 hộ với diện tích 31,3 ha; tổ chức 2 lớp tập huấn kỹ thuật tái canh cây cà phê cho 74 hộ dân; vận động người dân tham gia các dự án chuỗi liên kết cà phê, chanh dây, sầu riêng với các hợp tác xã, doanh nghiệp góp phần tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, nâng cao thu nhập.

Phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng lúa năng suất cao, kỹ thuật chăn nuôi bò sinh sản, kỹ thuật trồng cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP... Đến cuối năm 2022, toàn xã còn 74 hộ nghèo (chiếm 6,9%), thu nhập bình quân đầu người đạt 41,2 triệu đồng.

Một góc xã Ia Mơ Nông. Ảnh: Lê Nam

Một góc xã Ia Mơ Nông. Ảnh: Lê Nam

Những năm qua, xã Ia Mơ Nông cũng tập trung xây dựng làng Phung đạt chuẩn NTM. Đến nay, làng Phung đã đạt 14/19 tiêu chí NTM, còn lại 5 tiêu chí chưa đạt gồm: quy hoạch, thu nhập, lao động, tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, y tế, môi trường và an toàn thực phẩm. Ông Rơ Châm Khên-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn-cho hay: Làng Phung có 128 hộ với 443 khẩu, người dân tộc thiểu số chiếm 92,5%. Để đạt chuẩn NTM, Chi bộ, Ban Nhân dân thôn thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân đầu tư xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh đảm bảo đến cuối năm 2023 đạt 70%; vận động bà con dọn vệ sinh đường làng, khu vực nước giọt, khuôn viên nhà sinh hoạt cộng đồng.

Cùng với đó, vận động người dân chuyển đổi cây trồng, trồng xen cây ăn quả trong vườn cà phê. Chúng tôi cũng đã lập danh sách gửi UBND xã để bà con được tham gia các lớp tập huấn, đào tạo nghề; riêng tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm hiện đã đạt 87% thì tiếp tục vận động bà con tham gia.

Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Hiệu cho biết thêm: Đến nay, hệ thống công trình hạ tầng đã phát huy hiệu quả. Đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều chuyển biến trong phương thức làm ăn, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Tập quán chăn nuôi kiểu chăn thả rông trước đây dần được thay đổi theo hướng chăn nuôi tập trung, chuồng trại. Nhiều loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế được đưa vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. “Bằng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân, chúng tôi quyết tâm đến cuối năm sẽ về đích NTM”-ông Hiệu khẳng định.

Có thể bạn quan tâm

Nhớ những ngày ở làng cùng bok Núp

Nhớ những ngày ở làng cùng bok Núp

Bok Núp được biết đến nhiều với vai trò là một vị anh hùng trong kháng chiến chống ngoại xâm. Nhưng hôm nay, tôi lại muốn kể về một bok Núp ở làng-một già làng, một nông dân thực thụ, một người yêu và thấm đẫm chất văn hóa Bahnar.