Ia Grai phát triển nuôi trồng thủy sản

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời gian qua, mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện, thủy lợi và các ao hồ ở huyện Ia Grai đã bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần nâng cao đời sống người dân và mở ra hướng đi mới trong việc khai thác diện tích mặt nước sẵn có.

Ia Grăng là một trong những xã khó khăn của huyện Ia Grai, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp với các loại cây trồng chủ lực như: cà phê, cao su, điều, mì. Dù xã có lợi thế về diện tích mặt nước các công trình thủy điện rất thuận lợi cho việc phát triển nghề nuôi trồng thủy sản, tuy nhiên, người dân lại chưa quan tâm khai thác tiềm năng này. Lâu nay, bà con chủ yếu khai thác cá tự nhiên trên các lòng hồ.

 

Người dân thả cá giống trên lòng hồ thủy điện. Ảnh: L.N
Người dân thả cá giống trên lòng hồ thủy điện. Ảnh: L.N

Trước thực tế trên, để giúp người dân xã Ia Grăng tiếp cận với nghề nuôi trồng thủy sản, từng bước phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, huyện Ia Grai đã triển khai mô hình hỗ trợ nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Ia Grai 1. Mô hình được triển khai từ tháng 3 đến tháng 12-2018 cho 8 hộ dân ở làng Hluh với tổng kinh phí hơn 187 triệu đồng (Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai hỗ trợ 100 triệu đồng, ngân sách huyện 10 triệu đồng và các hộ dân đóng góp hơn 77 triệu đồng). Các giống cá được đưa vào nuôi là diêu hồng, rô phi đơn tính và cá rô đầu vuông. Đây được xem là hướng đi phù hợp với quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản của huyện giai đoạn 2016-2020.

Ông Rơ Châm Chiếc-một trong 8 hộ ở làng Hluh tham gia mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Ia Grai 1, vui vẻ cho biết: “Lâu nay, chúng tôi chủ yếu là đánh bắt cá trên lòng hồ thủy điện chứ chưa nuôi cá. Cá tự nhiên trên các lòng hồ ngày càng giảm nên chúng tôi cũng muốn nuôi nhưng không có vốn đầu tư. Giờ được UBND huyện và Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai hỗ trợ kinh phí, hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá, chúng tôi rất mừng. Hy vọng mô hình sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chúng tôi cũng cam kết sẽ nhân rộng số lượng lồng nuôi và duy trì nuôi trong 2 năm tiếp theo”.

Trong khi đó, ông Lê Quang Đạo-Chủ tịch UBND xã Ia Grăng, cho biết: Lâu nay, trên địa bàn xã chưa phát triển nghề nuôi trồng thủy sản. Đây là mô hình mới nên để triển khai thực hiện có hiệu quả, UBND xã đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai tuyên truyền cho người dân hiểu, tích cực tham gia. Khi mô hình triển khai mang lại hiệu quả kinh tế sẽ góp phần mở ra hướng làm ăn mới cho người dân, góp phần vào công tác giảm nghèo trên địa bàn. Vừa qua, xã mới thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp và Nuôi trồng thủy sản với ngành nghề chính là nuôi trồng thủy sản nước ngọt. Việc thành lập hợp tác xã sẽ góp phần phát triển nuôi trồng thủy sản trên địa bàn xã theo hướng hàng hóa, xây dựng được chuỗi liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.  

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Grai, hiện nay, tổng diện tích mặt nước trên địa bàn huyện khoảng 403 ha. Trong đó, diện tích mặt nước các công trình thủy điện, hồ đập thủy lợi vừa và nhỏ khoảng 363 ha; diện tích ao, hồ nhỏ người dân đào để nuôi cá 40 ha. Mực nước tại lòng hồ thủy điện luôn duy trì ở mức ổn định là điều kiện đảm bảo cho việc phát triển nuôi trồng thủy sản. Hiện nhiều người dân trên địa bàn huyện cũng đang phát triển ổn định mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện như lòng hồ thủy điện Phan Vũ (10 ô lồng), thủy điện Sê San 4 (2 ô lồng), thủy điện Ia Grai 1 (4 ô lồng), hồ đội 6 thuộc Công ty TNHH một thành viên Cà phê Ia Châm (3 ô lồng), hồ Ia Năng (5 ô lồng). Các loại cá được người dân đưa vào nuôi gồm: trắm cỏ, chép, mè, trôi, rô phi đơn tính, diêu hồng, trê và cả một số loại có giá trị kinh tế cao là cá lăng, cá bống tượng. Tổng sản lượng thủy sản của huyện từ đầu năm đến nay là 85 tấn (khai thác tự nhiên 35 tấn, nuôi trồng 50 tấn).

Ông Nguyễn Phùng Hưng-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Grai, cho biết thêm: Những năm qua, người dân trên địa bàn huyện đã tiếp cận được với mô hình nuôi cá lồng trên các lòng hồ. Ngoài ra, người dân tự đào ao, hồ nuôi theo hình thức quảng canh và tự mua các loại cá giống theo nhu cầu thị trường về thả. Thị trường tiêu thụ thủy sản tương đối ổn định nhưng vẫn còn mang tính nhỏ lẻ, chủ yếu trên địa bàn huyện và các địa phương lân cận. “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục khuyến khích người dân phát triển và nhân rộng các mô hình nuôi trồng thủy sản; duy trì triển khai nuôi cá lồng trên các lòng hồ thủy điện, thủy lợi và đa dạng hóa các đối tượng, phương thức nuôi; khuyến khích phát triển mối liên kết chuỗi sản xuất, khai thác, nuôi trồng và tiêu thụ các sản phẩm thủy sản...”-ông Hưng nói.

Lê Nam

Có thể bạn quan tâm

Đổi đời trên quê mới

Đổi đời trên quê mới

(GLO)- Rời quê hương Thái Bình, Cao Bằng để đến với mảnh đất Ia Hla (huyện Chư Pưh), nhiều người mang theo ước mơ đổi đời. Qua bao thăng trầm, họ đã trở thành những điển hình sản xuất giỏi ở địa phương.

Các sản phẩm OCOP của HTX Nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang (ảnh đơn vị cung cấp).

Tự tin tham gia đánh giá sản phẩm OCOP cấp quốc gia

(GLO)- Sau nhiều nỗ lực, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang (huyện Đak Đoa) đã xây dựng thành công 5 sản phẩm cà phê và hồ tiêu đạt tiêu chuẩn chất lượng cao. Hiện các sản phẩm này đang được hoàn thiện hồ sơ đề nghị Trung ương đánh giá, công nhận OCOP cấp quốc gia (OCOP 5 sao).

Chư Păh đầu tư xây dựng nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Chư Păh đầu tư xây dựng nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

(GLO)- Sau 5 năm triển khai Đề án số 02-ĐA/HU của Huyện ủy về phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2021-2025, huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) đã từng bước hình thành vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, nâng cao hiệu quả kinh tế, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Các hộ dân tham quan mô hình trình diễn sản xuất giống lúa chất lượng cao TBR97 tại hộ gia đình ông Nguyễn Văn Ánh (buôn Chính Hòa, xã Ia Mlah). Ảnh: Hữu Minh

Giống lúa TBR97 tại xã Ia Mlah ước đạt năng suất 80 tạ/ha

(GLO)- Sáng 26-4, tại xã Ia Mlah (huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai), Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp với Công ty TNHH ThaiBinh Seed-Miền Trung Tây Nguyên (trực thuộc Công ty cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed) tổ chức hội thảo đầu bờ mô hình trình diễn sản xuất giống lúa chất lượng cao TBR97.