Ia Grai: Nông thôn khởi sắc

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Trong 10 năm qua, huyện Ia Grai đã chú trọng tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM). Đến nay, huyện đã có 4 xã và 3 làng được công nhận đạt chuẩn NTM.
Quan tâm phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, tạo diện mạo mới cho khu vực nông thôn, đến nay, gần 360 km đường giao thông nông thôn trên địa bàn huyện Ia Grai đã được làm mới và sửa chữa nâng cấp với tổng kinh phí gần 320 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp gần 15 tỷ đồng. Ông Tài Văn Trung-Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện-cho hay: “Đường giao thông trục xã, liên xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa đạt 95,7% bảo đảm ô tô đi lại thuận tiện quanh năm; đường trục thôn, làng, đường liên thôn được cứng hóa đạt 81,2%; đường trục chính nội đồng được cứng hóa đạt 45,58% đảm bảo vận chuyển hàng hóa thuận tiện... Đến nay, có 6 xã của huyện đạt chuẩn tiêu chí giao thông, tăng 2 xã so với năm 2015 và tăng 4 xã so với năm 2011”.
 Diện mạo nông thôn của huyện Ia Grai ngày càng khởi sắc. Ảnh: T.N
Diện mạo nông thôn của huyện Ia Grai ngày càng khởi sắc. Ảnh: T.N
Ngành chuyên môn của huyện cũng chú trọng hỗ trợ người dân đưa các giống mới, mô hình mới, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; khuyến khích người dân liên kết và giúp nhau sản xuất. Cụ thể, huyện đã triển khai hơn 50 mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi cùng các dự án hỗ trợ sản xuất với kinh phí thực hiện hơn 50 tỷ đồng. Qua đó, hỗ trợ cho hơn 11 ngàn lượt hộ nghèo và hộ khó khăn phát triển sản xuất, cải thiện thu nhập, thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển đúng định hướng. Ông Đào Lân Hưng-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-cho biết: “Phòng đã tham mưu UBND huyện chỉ đạo thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp với trọng tâm là đầu tư phát triển các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực và có lợi thế, áp dụng công nghệ tiên tiến, tưới tiết kiệm, hình thành mô hình sản xuất, chăn nuôi tập trung theo hướng trang trại, góp phần nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, tăng hiệu quả kinh tế cho người nông dân và doanh nghiệp”.
Để hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo, huyện Ia Grai cũng đã chỉ đạo đẩy mạnh phát huy hiệu quả kênh vốn tín dụng chính sách. Theo bà Trần Thị Hồng Nhung-Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện, ngoài nguồn vốn do Ngân hàng Chính sách Xã hội cấp trên phân bổ, UBND huyện đã trích ngân sách địa phương hơn 2,2 tỷ đồng bổ sung vào nguồn vốn phục vụ các chương trình tín dụng chính sách ở địa phương. Các tổ chức chính trị-xã hội gồm Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên huyện và 48/52 hội đoàn thể cấp xã đã nhận ủy thác vốn vay qua 255 tổ tiết kiệm và vay vốn tại thôn, làng, tổ dân phố. Doanh số cho vay đạt hơn 448,6 tỷ đồng với 15.387 lượt hộ vay. Cũng theo bà Nhung, nguồn vốn giải ngân đảm bảo đúng đối tượng thụ hưởng, vốn vay được sử dụng đúng mục đích và hiệu quả. Giai đoạn 2014-2019, toàn huyện có 9.957 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn để đầu tư sản xuất. Qua đó, gần 8.400 lượt hộ đã thoát nghèo và cận nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện xuống còn 7,24% vào cuối năm 2018.
 Xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn. Ảnh: T.N
Xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn. Ảnh: T.N
Trao đổi với P.V, ông Phan Trung Tường-Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai-thông tin: “Đến nay, huyện đã đạt được 161 tiêu chí NTM, bình quân mỗi xã đạt 13,4 tiêu chí. Huyện có 4 xã gồm: Ia Sao, Ia Yok, Ia Hrung và Ia Dêr được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM; có 3 làng thuộc xã Ia Dêr, Ia Hrung, Ia Sao được công nhận làng đạt chuẩn NTM trong đồng bào dân tộc thiểu số. Trong năm 2019, cùng với tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng các tiêu chí tại 4 xã NTM, huyện đang tập trung phấn đấu có thêm xã Ia Bă về đích NTM. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện xây dựng 6 làng NTM trong đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã Ia Yok, Ia O, Ia Dêr, Ia Bă, Ia Khai theo tinh thần Chỉ thị số 12-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy”.
 THANH NHẬT

Có thể bạn quan tâm

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

(GLO)- Sáng 6-11, tại TP. Pleiku, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai tổ chức hội thảo khoa học di tích lịch sử “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947, xã Kông Bơ La, huyện Kbang” nhằm hoàn thiện hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền đề nghị xếp hạng di tích quốc gia.

Lễ khánh thành lưới điện xã Tơ Tung đưa điện về quê hương Anh hùng Núp (ảnh ông Nguyễn Quang Hiền cung cấp).

Chuyện đưa điện lưới về làng Anh hùng Núp

(GLO)- Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, diện mạo làng Stơr (xã Tơ Tung, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) ngày càng khởi sắc. Một trong những yếu tố then chốt làm nên sự “thay da đổi thịt” trên quê hương Anh hùng Núp chính là quyết tâm đưa điện lưới quốc gia đến với Stơr từ năm 1996 của UBND tỉnh.

Kbang chú trọng gìn giữ, bảo vệ môi trường

Kbang chú trọng gìn giữ, bảo vệ môi trường

(GLO)- Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, chỉ đạo triển khai thực hiện thu gom, xử lý rác thải đảm bảo quy định, huyện Kbang cũng đã ưu tiên nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường (BVMT), góp phần gìn giữ cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp.

Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô tranh cúp A Sanh diễn ra vô cùng hấp dẫn. Ảnh: PHẠM QUÝ

Hội tụ bản sắc văn hóa vùng biên

(GLO)- Qua 5 lần tổ chức, Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô tranh cúp A Sanh và Liên hoan văn hóa cồng chiêng huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đã trở thành sự kiện tôn vinh, quảng bá bản sắc văn hóa đặc trưng của vùng đất nơi biên cương Tổ quốc.